Ngay sau thông báo của Tổng thống Trump, thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận bước nhảy vọt với chỉ số Dow Jones tăng gần 2.170 điểm, tương đương 5,76%, lên trên 39.801 điểm; S&P 500 tăng 322 điểm, tương đương 6,46%, lên 5.305 điểm; còn Nasdaq Composite tăng 1.229 điểm, tương đương 8,04%, đạt 16.497 điểm.
Giới đầu tư trong nước đã có một đêm thức trắng để ngóng tin vui. Áp lực tâm lý được cởi trói đáng kể sau 4 phiên liên tiếp thị trường bốc hơi hơn 200 điểm tương ứng giảm hơn 17. Mặc dù vậy, trong cuộc trao đổi với VnEconomy về xu hướng thị trường trong ngắn hạn, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta vẫn bày tỏ thận trọng do thương chiến Mỹ - Trung vẫn kéo dài áp lực lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức hoãn thuế 90 ngày cho Việt Nam, ông bình luận thế nào về cuộc đàm phán này và những kỳ vọng trở lại cho tăng trưởng kinh tế trong nước?
Việc hoãn thuế 90 ngày tất cả các thị trường đã đưa ra kỳ vọng nhưng gần đến ngày áp dụng 9/4 ông Trump lại hù dọa gây cao trào buộc các quốc gia phải thỏa thuận. Mức thuế quan này gần như phân loại được ai là người thỏa thuận, ai là người trả đũa hoặc trung dung với Mỹ. Sau khi phân loại được ba nhóm rồi, những quốc gia chấp thuận đàm phán với Trump gần như được hưởng lợi trong việc áp thuế, còn quốc gia trả đũa chịu mức thuế tăng lên.
Trong kịch bản cơ sở Yuanta kỳ vọng sau 90 ngày hoãn, mức thuế áp lên hàng hóa Việt Nam nhẹ nhàng hơn có thể từ mức 15-20% trong hầu hết các mặt hàng mà chúng ta chịu thuế.
Và việc ông Trump hoãn thuế mang lại niềm tin cho những doanh nghiệp đang đầu tư vào Việt Nam. Trước đó nhiều doanh nghiệp lung lay ý chí dịch chuyển sang các quốc gia khác nhưng có lẽ ông Trump đang đi theo kịch bản thị trường kỳ vọng nên sẽ thuyết phục các FDI tiếp tục ở lại Việt Nam trong thời gian tới. Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có khả năng còn leo thang. Cho nên lúc này các doanh nghiệp FDI cân nhắc khả năng lựa chọn giải pháp vẫn đặt tại Việt Nam và không dịch chuyển sang nước khác, thậm chí phân bổ một phần năm ở Việt Nam, một phần ở quốc gia khác để chia sẻ rủi ro.
Trong ngắn hạn tần suất sản xuất và xuất khẩu sang Mỹ sẽ tăng mạnh do doanh nghiệp tranh thủ xuất khẩu mạnh để đề phỏng rủi ro sau đó. Thậm chí doanh nghiệp Mỹ cũng tranh thủ nhập khẩu dự trữ hàng hóa. Sẽ có sự đột biến như vậy.
Tuy vậy dòng vốn FDI vào Việt Nam có thể sẽ chậm lại một thời gian ngắn trước khi tiếp tục có xu hướng về thuế quan rõ ràng hơn. Một vài tháng tới FDI giải ngân và đăng ký mới có thể sẽ chững lại.
Một điểm nữa, thuế quan của chúng ta bây giờ bị áp thuế cơ sở 10%, sắp tới chưa biết rơi vào kịch bản nào nhưng chắc chắn tăng trưởng của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng. Đầu năm kỳ vọng năm 2025 lợi nhuận doanh nghiệp tăng 18% so với năm 2024, nếu áp thuế theo kịch bản cơ sở 15-20% lợi nhuận tăng trưởng chỉ còn từ 9-10% do các chi phí tăng lên, lợi nhuận các doanh nghiệp bớt đi. Thậm chí tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ bị ảnh hưởng, đầu năm kỳ vọng 7,5-8% tăng trưởng GDP theo con số của Chính phủ, thì bây giờ điều chỉnh về mức 6,5- 7%, đây là con số khả quan. Sự tăng trưởng không còn thuận lợi như trước nữa, dù được trì hoãn 90 ngày nhưng vẫn bị điều chỉnh trở lại.
Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam xu hướng sẽ ra sao sau gần một tuần bán tháo?
Nếu kịch bản cơ sở xảy ra Vn-Index sẽ diễn biến tương tự như giai đoạn 2018-2019 nhiệm kỳ đầu của ông Trump ngay sau một năm nhậm chức chiến tranh thương mại đã leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ. Vn-Index sẽ có một nhịp tăng lên sau khi giảm mạnh trong thời điểm tháng 4/2018 và gần như sẽ đi ngang xuyên suốt suốt năm 2019. Thị trường sắp tới diễn biễn cũng sẽ tương tự như vậy. Vn-Index tăng về vùng giá 1.300 thậm chí là 1.370 điểm trong kịch bản tích cực nhưng sau đó sẽ đi ngang một thời gian dài vì tương lai bất định, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung khó đoán định khả năng còn kéo dài khiến nhà đầu tư quay lại phòng thủ. Đặc biệt những nhà đầu tư thua lỗ trong nhịp vừa rồi tâm lý cũng sợ thị trường chưa dám quay lại.

Sự phòng thủ diễn ra khiến thị trường khó có xu hướng tăng đáng kể mà quay lại 1.300 - 1370 sau đó loanh quanh đi ngang và lình xình. Đó là kịch bản cơ sở tích cực nhất. Thị trường sẽ quay lại như 2024, phân hóa rõ rệt, nhà đầu tư sẽ quay trở lại quan tâm nhóm ngành không ảnh hưởng và ảnh hưởng gián tiếp bởi thuế suất của ông Trump.
Nhà đầu tư nên hành động thế nào, có nên xuống tiền tất tay?
Đây là cơ hội để cho nhà đầu tư bình quân hạ giá vốn sau 4 phiên tổn thất nặng nề. Việc đầu tiên là mua hạ giá vốn, đưa margin về mức an toàn và sau đó đưa tỷ trọng về mức thấp vì giai đoạn tới vẫn còn nhiều khó khăn phía trước. Trong trung và dài hạn vẫn hạ sự kỳ vọng với thị trường.
Đối với nhà đàu tư full tiền đây là cơ hội để kiếm lời trong ngắn hạn, giải ngân tỷ trọng vừa phải trong bối cảnh loạn lạc khó dự báo, tốt nhất không nên dùng margin và phòng vệ một phần tài sản vào thu nhập cố định như mua trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi phòng ngừa biến cố thay đổi.
Theo ông những nhóm ngành nào và cổ phiếu nào đáng quan tâm? Nhóm xuất khẩu và khu công nghiệp triển vọng thế nào?
Chắc chắn cơ cấu nền kinh tế Việt Nam sẽ có thay đổi, công nghệ thông tin và nhóm đầu tư công đây là những nhóm ít chịu tác động của thuế quan nhất và động lực cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Bài học từ Trung Quốc năm 2017 khi ông Trump lên đã áp thuế khắc nghiệt với hàng hóa Trung Quốc khiến cơ cấu nền kinh tế Trung Quốc buộc phải thay đổi họ tập trung công nghệ hạ tầng để thu hút FDI, thì bây giờ Việt Nam là mẫu hình tiếp theo như vậy, tạo thuận lợi cho đầu tư công và công nghệ. Ngân sách cho đầu tư công và công nghệ tăng lên đáng kể, nó là cơ hội cho nhóm ngành nghề này. Đây là nhóm hưởng lợi cho xu hướng tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Ngoài ra, nhóm năng lượng liên quan điện khí sắp tới sẽ có lợi thế giá mua vào LNG có thể được giảm đi đáng kể nhờ áp thuế 0% nhập khẩu từ Mỹ với bối cảnh nhu cầu năng lượng hiện nay, giá vốn đầu vào điện khí giá thấp, đây là nhóm nhà đầu tư có thể quan tâm.
Cuối cùng là nhóm tiêu dùng nội địa, Việt Nam sẽ đẩy mạnh cho tiêu dùng nội địa tăng trưởng mạnh đây là động lực chính cho nền kinh tế, nên có thể có mức tăng trưởng tốt. Tất nhiên tăng trưởng của chúng ta có thể không quá lớn so với trước thời điểm bị dọa tăng thuế, tiêu dùng nội địa có thể tăng thận trọng hơn.
Dự báo xu hướng của khối ngoại ra sao?
Hôm qua nhóm này đã quay lại bắt đáy, có thể tích cực mua ròng trong thời gian ngắn nhưng áp lực rút vốn vẫn còn. Chênh lệch lãi suất còn lớn và khả năng còn kéo dài và chưa hết, áp lực tỷ giá sắp tới cũng tăng cho nên họ vẫn bán nhưng chỉ bán túc tắc, hiện nay sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cũng về dưới 15% rồi, như FPT hở hơn 10% room.