Phát biểu trong một chương trình của CNBC ngày 29/3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo nêu rõ Mỹ sẽ khiến bất kỳ cá nhân, tổ chức nào tìm cách giúp Nga lách các biện pháp trừng phạt đều phải chịu trách nhiệm.
“Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa thấy rằng Nga có thể né trách các biện phép trừng phạt của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng ôoi biết rằng họ đang cố gắng làm vậy và dùng mọi cách có thể”, ông Adeyemo nói. “Chúng tôi xin nói rõ với các sàn giao dịch tiền ảo, các tổ chức tài chính và cá nhân và bất kỳ ai ở vị trí có thể giúp Nga tránh trừng phạt rằng: Chúng tôi sẽ khiến các bạn phải chịu trách nhiệm”.
“Chúng tôi sẽ tìm đến các bạn và đảm bảo rằng Nga không thể lách các biện pháp trừng phạt mà chúng tôi đã áp đặt nhằm cắt đứt nguồn lực của họ cho cuộc chiến phi pháp ở Ukraine”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quan sự tại Ukraine hôm 24/2, Mỹ và các đồng minh quốc tế đã đồng loạt áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt với quốc gia này, trong đó nhằm vào lĩnh vực tài chính, năng lượng, thương mại, cũng như cản trở Moscow tiếp cận khối tài sản dự trữ tài chính của mình. Xung đột ở Ukraine đang gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, gây ra những cú sốc lớn với thị trường tài chính và ngày càng khiến Nga bị cô lập với quốc tế.
Phát biểu của ông Adeyemo được đưa ra không lâu sau khi G7 cam kết đảm bảo rằng Chính phủ Nga, giới tinh hoa và tài phiệt của nước này sẽ không thể lợi dụng tài sản kỹ thuật số để tránh tác động của các biện pháp trừng phạt quốc tế.
G7 là nhóm gồm 7 nền kinh tế công nghiệp phát triển Anh, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Đức, Pháp và Italy.
Tiền ảo thời gian gần đây ngày càng nổi lên như một công cụ hữu ích đối với Ukraine khi giúp chính phủ nước này huy động được hàng triệu USD tài trợ từ công chúng. Tuy nhiên, giới chức các nước cũng lo ngại rằng loại tài sản số này có thể bị lợi dụng để tránh sự trừng phạt nhằm vào Nga.
Các cá nhân, tổ chức giao dịch tiền ảo thường được ẩn danh, khiến loại tài sản này là mục tiêu lớn của tội phạm mạng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết vẫn có thể truy vết dòng tiền của các giao dịch này nhờ vào bản chất công khai của chuỗi khối - một bản ghi bất biến của mọi giao dịch tiền kỹ thuật số.
Hiện tại, các sàn giao dịch tiền ảo đang đối mặt áp lực lớn từ các chính trị gia Mỹ, bao gồm thượng nghị sĩ Elizabeth Warren (bang Massachusetts) – người đề xuất rà soát quyết liệt hơn nhằm đảm bảo rằng những sàn này có thể ngăn chặn được các cá nhân và doanh nghiệp chuyển tài sản của họ sang tiền ảo để thoát trừng phạt.
Hôm 24/3, Mỹ và các đồng minh triển khai thêm các biện pháp nhằm gia tăng áp lực đối với Nga trong vấn đề Ukraine. Trong đó, Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với hàng chục công ty quốc phòng Nga và hàng trăm chính trị gia và những người thuộc tầng lớp tinh hoa của nước này.
Các cá nhân trong danh sách bị trừng phạt mới bao gồm 328 thành viên của Duma Quốc gia Nga (Hạ viện); Herman Gref - giám đốc ngân hàng lớn nhất tại Nga Sberbank và được cho là người thân cận với ông Putin; 17 thành viên hội đồng quản trị của Sovcombank (ngân hàng hiện đã bị Mỹ trừng phạt); và Gennady Timchenko - một đồng minh thân cận của ông Putin - và các thành viên gia đình ông này.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính Mỹ cũng đưa ra cảnh báo rằng các giao dịch vàng liên quan đến Nga có thể bị Washington trừng phạt - động thái nhằm ngăn chặn Moscow "lách" các lệnh trừng phạt hiện có.