Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo nhận định rằng thông tin về sự xuất hiện của một con chip có tính đột phá của công ty công nghệ Trung Quốc Huawei là “rất đáng lo ngại”, đồng thời nhấn mạnh rằng cơ quan của bà cần thêm các biện pháp để tăng cường việc kiểm soát xuất khẩu.
“Chúng tôi cần những công cụ khác nhau. Chúng tôi cần thêm nguồn lực cho việc thực thi kiểm soát xuất khẩu”, hãng tin Bloomberg dẫn lời bà Raimondo phát biểu ngày 4/10 trước Uỷ ban Thương mại thuộc Thượng viện Mỹ.
Trong phát biểu của mình, bà Raimondo đề cập đến một dự luật nhằm tăng cường thẩm quyền cho Bộ Thương mại Mỹ đối với các giao dịch thương mại được cho là đặt ra rủi ro đối với an ninh quốc gia Mỹ, cũng như một khuôn khổ thay thế nhằm giảm bớt rủi ro trong chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, vị Bộ trưởng từ chối bình luận về tiến trình cuộc điều tra mà Bộ Thương mại Mỹ đang tiến hành nhằm vào Huawei Mate 60 Pro - chiếc smartphone cao cấp được trang bị một con chip tiên tiến 7 nanometer.
Bà Raimondo cho biết bà tự hào vì năm nay, Bộ Thương mại Mỹ đã áp án phạt chưa từng có trong lịch sử lên một công ty Mỹ vì cung cấp hàng hoá cho Huawei khi chưa có giấy phép. “Chúng tôi đã cứng rắn tới mức cần thiết, nhưng chúng tôi cần có thêm nguồn lực”, bà phát biểu.
Phiên điều trần này đánh dấu lần thứ hai bà Raimondo xuất hiện tại Quốc hội Mỹ để trả lời câu hỏi của các nghị sỹ kể từ khi bà có chuyến công du Trung Quốc vào tháng 8 năm nay - chuyến thăm nhằm mục đích cải thiện quan hệ thương mại giữa Washington và Bắc Kinh sau nhiều tháng căng thẳng gia tăng.
Huawei Mate 60 Pro, chiếc điện thoại trình làng trong lúc bà Raimondo thăm Trung Quốc, đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi về hiệu lực của các biện pháp mà Mỹ triển khai nhằm ngăn bước tiến của Trung Quốc về công nghệ. Việc smartphoney này được trang bị một con chip hiện đại tới mức gây sửng sốt cũng đặt bà Raimondo vào tình thế khó xử.
Trong cuộc điều trần tại Hạ viện hồi tháng 8, bà Raimondo nói bà không nhận thấy có bằng chứng nào về việc Trung Quốc có thể phát triển được con chip 7 nanometer ở cấp độ sản xuất với số lượng lớn. Tuy nhiên, bà vẫn đối mặt với sức ép chính trị gia tăng từ các nghị sỹ Cộng hoà trong Quốc hội về việc phải tăng cường các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, và làm việc này một cách nhanh chóng.
Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Joe Biden vẫn đang cố gắng cải thiện quan hệ với Bắc Kinh và chuẩn bị cho một cuộc gặp thượng đỉnh có thể diễn ra giữa người đứng đầu Nhà Trắng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở San Francisco, Mỹ vào tháng 11.
Bởi vậy, Washington sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng về việc liệu có mở rộng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mà Mỹ công bố vào tháng 10 năm ngoái hay không, và nếu có thì khi nào tiến hành.
Giới phân tích cho rằng bất kỳ một động thái cứng rắn tiếp theo nào của Mỹ cũng có thể vấp phải sự đáp trả của Trung Quốc.
Việc Trung Quốc mới đây ngừng xuất khẩu germanium và gallium - hai nguyên tố hiếm quan trọng đối với con chip - là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẵn sàng trả đũa các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Mỹ, bất chấp những lo ngại về tăng trưởng kinh tế trong nước. Trước đó, Trung Quốc đã mở một cuộc điều tra an ninh mạng nhằm vào hãng chip Mỹ Micron hồi tháng 4, trước khi cấm Micron cung cấp cho các công ty Trung Quốc đang triển khai các dự án hạ tầng quan trọng.