Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 3/6 công bố chi tiết kế hoạch chia sẻ ít nhất 80 triệu liều vaccine Covid-19 cho toàn cầu - báo Nikkei Asia cho hay.
Theo Nhà Trắng, trong đợt đầu tiên với 25 triệu liều vaccine, 7 triệu liều sẽ được phân bổ cho châu Á thông qua cơ chế tiếp cận vaccine COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới dẫn đầu. Các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á được nhận trong đợt này gồm Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, Afghanistan, Maldives, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Lào, Papua New Guinea, Đài Loan và các đảo Thái Bình Dương.
Ít nhất 75% tổng số vaccine Mỹ chia sẻ sẽ được phân phối qua COVAX, trong đó ưu tiên khu vực Nam Á, Đông Nam Á và một khu vực khác.
“Chúng tôi không tìm kiếm sự nhượng bộ. Chúng tôi cũng không áp đặt các điều kiện, như cách mà một số quốc gia khác đang làm khi cung cấp vaccine”
Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Biden, Jake Sullivan
Trong khi đó, khoảng 25% được phân phối trực tiếp cho các quốc gia có nhu cầu cùng nước láng giềng của họ. Hàn Quốc nằm trong số này. Theo thỏa thuận vào tháng 5 giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Mỹ cam kết cung cấp vaccine Covid-19 cho trên 500.000 nhân viên tuyến đầu của Hàn Quốc.
Theo các nhà phân tích, với hơn 50% dân số đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine, Mỹ đang gấp rút triển khai kế hoạch chia sẻ nguồn vaccine dư thừa ra nước ngoài để cạnh tranh với chiến lược ngoại giao vaccine của Trung Quốc.
"Việc chia sẻ hàng triệu vaccine của Mỹ cho các quốc gia khác cho thấy cam kết lớn của chính phủ”, Nhà Trắng cho biết trong bản thông tin về kế hoạch, trong đó gọi đây là "một phần quan trọng trong chiến lược toàn cầu tổng thể của Mỹ để dẫn đầu thế giới trong cuộc chiến đánh bại Covid-19".
Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Biden, Jake Sullivan, ngày 3/6 khẳng định "Mỹ không đòi hỏi bất cứ thứ gì từ các quốc gia mà chúng tôi chia sẻ vaccine”.
“Chúng tôi không tìm kiếm sự nhượng bộ. Chúng tôi cũng không áp đặt các điều kiện, như cách mà một số quốc gia khác đang làm khi cung cấp vaccine”, ông Sullivan nhấn mạnh tại một sự kiện trực tuyến.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 3 với truyền thông, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chỉ trích chính sách vaccine của Trung Quốc gọi đây là "sợi dây ràng buộc".
“Nhiều quốc gia trong đó có Trung Quốc đã tham gia vào cái gọi là ngoại giao vaccine. Chúng ta không nên để việc phân phối hay tiếp cận vaccine có liên quan tới vấn đề chính trị hay địa chính trị”, ông Blinken nhấn mạnh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định “Chúng tôi bác bỏ mọi ‘sự chia rẽ vaccine’ hoặc bất kỳ nỗ lực nào nhằm chính trị hóa việc hợp tác vaccine".
Đến nay, Trung Quốc đã ủng hộ gần 22 triệu liều vaccine Covid-19 trên toàn cầu, trong đó có 14 triệu liều cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương và khoảng 6 triệu liều cho châu Phi, theo Bridge Consulting (Bắc Kinh). Nước này cũng đã bán tổng cộng 732 triệu liều ra toàn cầu, bao gồm gần 291 triệu liều cho châu Á - Thái Bình Dương và hơn 281 triệu liều cho Mỹ Latinh.
Về phía Mỹ, ông Biden vào tháng 4 cam kết sẽ gửi 60 triệu liều vaccine AstraZeneca cho các nước và vào tháng 5 tuyên bố chia sẻ thêm thêm ít nhất 20 triệu liều vaccine Ffizer, Moderna, Johnson & Johnson.
Ngày 3/6, Thủ tướng Ấn Độ đã có cuộc điện đàm với Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và cảm ơn sự hỗ trợ của Mỹ. Theo thông tin từ văn phòng Thủ tướng Modi, hai bên đã thảo luận về những nỗ lực nhằm tăng cường chuỗi cung ứng y tế giữa hai quốc gia, bao gồm hoạt động sản xuất vaccine, tiềm năng hợp tác giữa Ấn Độ và Mỹ cũng như sáng kiến vaccine của Bộ tứ Quad (gồm Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Australia) nhằm giải quyết tác động lâu dài của đại dịch đối với sức khỏe cộng đồng.
Ấn Độ vẫn đang vật lộn với làn sóng dịch bệnh Covid-19 khi ghi nhận trên 100.000 ca nhiễm mới mỗi ngày (dù đã giảm từ mức kỷ lục hơn 400.000 ca mới/ngày vào tháng 4). Nước này đã đàm phán với các nhà sản xuất gồm Pfizer, Johnson & Johnson và Moderna về việc sản xuất vaccine Covid-19 tại nước này.
Tại Hàn Quốc, công ty Samsung Biologics dự kiến sản xuất hàng trăm triệu liều vaccine Moderna theo thỏa thuận được công bố sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Biden và Tổng Moon Jae-in vào tháng trước.