“Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã đề nghị đăng cai tổ chức APEC vào năm sau vì trọng tâm của chúng tôi là mở rộng và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ trong khu vực (châu Á – Thái Bình Dương). Chúng tôi xin cảm ơn các nền kinh tế APEC đã ủng hộ đề xuất để Mỹ đăng cai sự kiện này”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết.
Mỹ - quốc gia đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump - sẽ thúc đẩy việc thành lập Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF) nhằm đặt ra các quy tắc về thương mại và công nghệ.
APEC là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu ở châu Á - Thái Bình Dương gồm 21 nền kinh tế, bao gồm Mỹ, Canada, Trung Quốc, Nhật, Việt Nam… Theo bà Psaki, việc Mỹ đăng cai tổ chức sự kiện này khẳng định cam kết của Washington trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư công bằng và cởi mở, tăng cường khả năng cạnh tranh của Mỹ, đồng thời đảm bảo một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Do các liên đoàn lao động kịch liệt phản đối TPP – giờ đây đã trở thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), chính quyền của ông Biden đã không quay trở lại hiệp định này. Trong khi đó, Trung Quốc đã nộp đơn đăng ký gia nhập hiệp định – động thái khiến các nhà phân tích tại Washington quan ngại rằng Mỹ có thể bị “ra rìa” trong việc thiết lập các quy tắc trong khu vực nếu như không tham gia tích cực. Nhiều người cho rằng, nếu Trung Quốc đáp ứng đủ các điều kiện và được chấp thuận gia nhập CPTPP, Mỹ có thể sẽ gặp bất lợi trong chiến lược tăng cường sức ảnh hưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Giới phân tích nhận định, chính quyền Mỹ kỳ vọng rằng IPEF có thể đóng vai trò thay thế cho CPTPP và sẽ dùng APEC để huy động sự ủng hộ từ các nước thành viên.
Trước đó, trong chuyến thăm Nhật Bản vào cuối năm 2021, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cũng cho biết Mỹ sẽ thiết lập một khuôn khổ pháp lý vượt trên CPTPP - một hiệp định thương mại tự do truyền thống.
Thư ký báo chí Nhà Trắng nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của chính quyền Biden-Harris là trở thành một đối tác mạnh mẽ và đáng tin cậy của các nền kinh tế APEC, đồng thời xác định phương thức chung nhằm mở ra cơ hội về kinh tế, sự thịnh vượng và tăng trưởng cho tất cả các nền kinh tế.
“Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine và đội ngũ của chúng tôi đang làm việc với các đối tác để xây dựng khung khổ pháp lý Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó xác định các mục tiêu chung xoay quanh những vấn đề quan trọng với tương lai của tất cả, bao gồm tạo thuận lợi thương mại, thiết lập các tiêu chuẩn cho nền kinh tế kỹ thuật số và công nghệ, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, trung hòa phát thải carbon và năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng cũng như tiêu chuẩn lao động", bà Psaki cho biết.
Bà cũng nói thêm rằng Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ với Thái Lan – nước đăng cai APEC năm 2022 và Peru – nước đăng cai năm 2024, cùng các nền kinh tế APEC khác để xây dựng chương trình nghị sự mang lại lợi ích cho tất cả.