Hai trong những mục tiêu của các biện pháp trừng phạt mới này là Sberbank – ngân hàng hiện nắm giữ 1/3 tổng tài sản ngành ngân hàng của Nga, và Alfabank – tổ chức tài chính lớn thứ 4 tại nước này. Tuy nhiên, các giao dịch liên quan tới năng lượng được miễn trừng phạt.
"Các biện pháp trừng phạt ngăn chặn hoàn toàn mới sẽ đóng băng các tài sản của Sberbank và Alfabank có liên quan tới hệ thống tài chính của Mỹ”, Nhà Trắng cho biết ngày 6/4.
Tuy vậy, Sberbank and Alfabank cho biết các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ sẽ không tác động đáng kể tới hoạt động của họ.
Nói về việc trừng phạt các ngân hàng lớn nhất của Nga, một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết Washington đang "leo thang đáng kể" cú sốc tài chính đối với Nga.
“Thực tế là Nga đang rơi vào thế cô lập về kinh tế, tài chính và công nghệ", vị quan chức này nói. “Với tốc độ này, Nga sẽ quay lại mức sống kiểu Liên Xô những năm 1980".
Theo Giám đốc Hội đồng Kinh tế Nhà Trắng Brian Deese, ước tính nền kinh tế Nga sẽ suy giảm 10-15% trong năm 2022 và lạm phát ở Nga đang ở mức 200%.
Ngoài ra, đợt trừng phạt mới của Mỹ cũng nhắm tới hai con gái của Tổng thống Nga Vladimir Putin, vợ và con gái của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và các thành viên cấp cao của hội đồng an ninh Nga.
Washington trừng phạt các con gái của ông Putin bởi tin rằng nhiều tài sản của Tổng thống Nga được “che giấu dưới tên của các thành viên gia đình”, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính Mỹ, một trong hai con gái của Tổng thống Nga, Katerina Vladimirovna Tikhonova, hiện là giám đốc một công ty công nghệ, hoạt động hỗ trợ chính phủ và ngành công nghiệp quân sự của Nga. Người còn lại là Maria Vladimirovna Vorontsova, hiện điều hành các chương trình do Chính phủ Nga tài trợ.
“Các chương trình này đã nhận hàng tỷ USD từ điện Kremlin để nghiên cứu về di truyền học và được đích thân ông Putin giám sát”, Bộ Tài chính Mỹ cho biết.
Nằm trong số những cá nhân bị áp trừng phạt mới còn có ông Dmitry Medvedev - cựu Tổng thống, cựu Thủ tướng Nga và là một trong những đồng minh thân thiết nhất của ông Putin. Những cái tên khác gồm Thủ tướng Mikhail Mishustin và Bộ trưởng Tư pháp Konstantin Chuychenko.
Cũng trong ngày 6/4, ông Biden đã ký một sắc lệnh cấm mọi cá nhân Mỹ đầu tư vào Nga, bao gồm cấm rót vốn vào các quỹ đầu tư mạo hiểm và các thương vụ sáp nhập.
Những tuần gần đây, dù các nước phương Tây liên tiếp đưa ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy vẫn chỉ trích một số nước và nói rằng “không thể dung thứ cho bất kỳ sự thiếu quyết đoán nào”.
“Thứ duy nhất mà chúng ta đang thiếu là sự thiếu quyết đoán của một số nhà lãnh đạo, gồm cả lãnh đạo chính trị và lãnh đạo doanh nghiệp - những người vẫn nghĩ rằng chiến tranh và tội ác chiến tranh không phải điều gì kinh khủng như thiệt hại tài chính”, ông Zelenskyy nói với các nhà lập pháp Ireland.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 6/4 đã không thể thông qua các biện pháp trừng phạt mới do cần giải quyết những vấn đề về mặt kỹ thuật như liệu lệnh cấm nhập khẩu than có ảnh hưởng tới các hợp đồng hiện tại hay không, nguồn tin của Nikkei Asia cho biết.
Ông Daniel Fried, cựu điều phối viên về chính sách trừng phạt của Bộ Ngoại giao Mỹ dưới chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, nhấn mạnh rằng gói trừng phạt mới của Mỹ còn thiếu các biện pháp nhằm vào dầu và khí đốt – hai mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Nga.
Theo gói trừng phạt mới này, các giao dịch liên quan tới dầu mỏ và khí đốt Nga của các nước đồng minh châu Âu với các ngân hàng bị trừng phạt sẽ được miễn trừ.
“Sự linh hoạt với các giao dịch năng lượng của Nga là cần thiết bởi vì nhiều nước châu Âu vẫn phụ thuộc lớn vào dầu mỏ và khí đốt của Nga. Các nước này đã cam kết sẽ nhanh chóng chuyển đổi để giảm phụ thuộc càng nhanh càng tốt”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết.