November 23, 2021 | 13:14 GMT+7

NA readies for extra-ordinary meeting

Quang Trung -

During the National Assembly (NA) Standing Committee meeting on November 22, NA Chairman Vuong Dinh Hue noted that at the extra-ordinary session next month, the government will submit a maximum of five matters, including complex and urgent issues relating to national welfare and people’s livelihoods. The NA Standing Committee also passed comment on the draft Social Insurance Agreement with the Republic of Korea and suggested the government propose amendments and supplements to the 2014 Law on Social Insurance.

Photo: Quochoi.vn
Photo: Quochoi.vn

Chiều 22/11, tại Phiên họp thứ 5, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng kết kỳ họp thứ 2, cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường vào tháng 12 tới và kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2022.

Tại phiên họp, trình bày Báo cáo tổng kết kỳ họp thứ 2, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, kỳ họp thứ 2 vừa qua diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước, nhưng Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình kỳ họp, đảm bảo chất lượng cao, hiệu quả trong 16 ngày. 

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã ban hành 2 luật, 12 nghị quyết; cho ý kiến về 5 dự án luật khác; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Quốc hội đã nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; xem xét nhiều báo cáo quan trọng về: công tác phòng, chống dịch Covid-19 và việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội; tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội; việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020; công tác tư pháp, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng năm 2021.

Tại phiên họp sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường của Quốc hội vào tháng 12 tới và bước đầu việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV dự kiến vào tháng 5/2022.

Cho ý kiến về kỳ họp bất thường, Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo tinh thần quyết tâm chính trị cao nhất, cố gắng nỗ lực tối đa, đồng thời phải đảm bảo thực hiện đúng quy trình, nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, có đầy đủ ý kiến của các cơ quan liên quan, ý kiến chuyên gia…

Nhấn mạnh nội dung cho ý kiến tại kỳ họp bất thường là những nội dung khó, phức tạp, cấp bách liên quan đến quốc kế dân sinh, đến tình hình tài chính, kinh tế vĩ mô, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội…, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan phải có quyết tâm chính trị rất lớn và nỗ lực cao với tinh thần vào cuộc tối đa, đảm bảo chất lượng kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, tại kỳ họp bất thường, Chính phủ chỉ trình tối đa 5 nội dung, còn các vấn đề khác sẽ đưa ra tại kỳ họp thường kỳ. Các nội dung sẽ chỉ được đưa ra họp bàn tại kỳ họp bất thường khi đã được chuẩn bị kỹ. Do đó, ông đề nghị các cơ quan liên quan vào cuộc từ sớm, ở mức độ cao nhất để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp bất thường. 

Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn
Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh thêm rằng vẫn chưa khẳng định kỳ họp bất thường có được tổ chức hay không bởi việc này phụ thuộc vào công tác chuẩn bị.

Về chuẩn bị cho kỳ họp thường kỳ tháng 5/2022 (kỳ họp thứ 3), Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần phát huy tối đa những ưu điểm, kết quả đã đạt được trong các kỳ họp trước để áp dụng triển khai; công tác chuẩn bị phải kỹ lưỡng, theo tinh thần từ sớm từ xa…. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý việc "bố trí giữa thảo luận và biểu quyết thông qua" cần sắp xếp cân đối thời gian, nội dung nào quan trọng cần phân bổ dành thời gian thích đáng.

Trong công tác giám sát tối cao cần quan tâm đến nội dung giám sát liên quan đến quy hoạch; các đề án liên quan như đổi mới kỳ họp, đổi mới công tác giám sát… cần tích cực, chủ động triển khai kịp tiến độ.

 
Sáng cùng này, tại phiên họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc ký Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc. 
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, để đảm bảo tuân thủ pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc, tránh đóng song trùng bao hiểm xã hội, đồng thời tối ưu hóa quyền lợi của người lao động là công dân hai nước, từ năm 2015 đến nay, Chính phủ hai bên đã trao đổi, đàm phán và về cơ bản đã thống nhất nội dung dự thảo Hiệp định về bảo hiểm xã hội giữa hai nước. Việc tiến tới ký kết Hiệp định là sự ghi nhận kết quả của quá trình đàm phán giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Hàn Quốc và cũng là tiền đề để Việt Nam tiếp tục mở rộng hoạt động đàm phán Hiệp định về bảo hiểm xã hội thời gian tới.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà nêu rõ, hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tuân thủ quy định của Luật Điều ước quốc tế (Điều 17) về hồ sơ trình đề xuất ký điều ước quốc tế, chỉ còn thiếu dự kiến kế hoạch thực hiện Hiệp định. Có ý kiến đề nghị làm rõ danh nghĩa ký, người đại diện ký, ngôn ngữ, hiệu lực, quyền và nghĩa vụ phát sinh sau khi Hiệp định được ký kết.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng việc lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan còn thực hiện trong diện hẹp, chưa có ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp (như người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc, doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng lao động là người Hàn Quốc...).
Đối với nội dung Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tính hưởng chế độ hưu trí, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho biết, theo quy định của Hiệp định, thời gian đóng bảo hiểm xã hội đối với thời gian làm việc ở Hàn Quốc sẽ được tính theo Luật Hưu trí quốc gia Hàn Quốc và được chi trả từ Quỹ Hưu trí quốc gia Hàn Quốc; thời gian đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam sẽ được tính theo Luật bảo hiểm xã hội của Việt Nam và được chi trả từ Quỹ hưu trí và tử tuất của Việt Nam.
Như vậy, sẽ có trường hợp lao động nữ có dưới 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và lao động nam có dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam nhưng đủ điều kiện tính hưởng chế độ hưu trí do tính gộp thời gian đóng bảo hiểm ở cả Việt Nam và Hàn Quốc; pháp luật Việt Nam cần có quy định về mức tính lương hưu hằng tháng đối với người lao động trong trường hợp này để có căn cứ tính và chi trả chế độ hưu trí hằng tháng…
Trên cơ sở tờ trình của Chính phủ, báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các Ủy ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, Báo cáo phối hợp thẩm tra của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Xã hội, Ủy ban Đối ngoại nhất trí kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý việc Chính phủ ký Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc.
Ủy ban đề nghị Chính phủ sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 trình Quốc hội theo quy định nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và để Hiệp định này sớm được thực thi đầy đủ trên thực tế (đối với nội dung tính gộp thời gian đóng bảo hiểm xã hội).
Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết đồng ý về nguyên tắc ký Hiệp định. Việc ký hiệp định phải phù hợp với chủ trương của Đảng về cải cách bảo hiểm xã hội, phù hợp luật pháp Việt Nam, đẩy mạnh đàm phán ký kết hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội; góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam- Hàn Quốc.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate