Bộ Giao thông vận tải vừa có Văn bản số 10350/BGTVT-KHĐT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre để trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Bến Tre về tiến độ triển khai dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
DỰ KIẾN PHÊ DUYỆT KHUNG CHÍNH SÁCH BỒI THƯỜNG, TÁI ĐỊNH CƯ TRONG THÁNG 9
Theo phản ánh của cử tri tỉnh Bến Tre, xã Sơn Định hiện có 163 hộ có đất trong khu quy hoạch thực hiện dự án. Do đó, cử tri muốn biết khi nào dự án sẽ được triển khai thực hiện để người dân chủ động trong việc sửa chữa nhà ở, canh tác.
Trả lời cử tri tỉnh Bến Tre, Bộ Giao thông vận tải cho biết dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 931/QĐ-TTg ngày 04/8/2022.
Đây là dự án quan trọng, cấp bách của lĩnh vực đường thủy nội địa, được ưu tiên đầu tư sử dụng vốn vay của nhà tài trợ nước ngoài.
Đến nay, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Ban Quản lý các dự án Đường thủy là chủ đầu tư hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải sẽ phê duyệt dự án đầu tư ngay sau khi khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư được phê duyệt; đàm phán Hiệp định vay với WB từ quý 4/2023 và phấn đấu khởi công trong năm 2024.
"Theo kế hoạch, dự kiến khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 9/2023", Bộ Giao thông vận tải thông tin.
Trong bước triển khai tiếp theo, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương khẩn trương hoàn thiện các thủ tục liên quan để sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ của dự án.
Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo Ban Quản lý các dự án Đường thủy phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
PHÁT HUY THẾ MẠNH VẬN TẢI THUỶ
Mặc dù vận tải đa phương thức khu vực Đông Nam Bộ (hành lang Bắc-Nam) hiện khá tốt với lưu lượng container dày đặc nhưng vận tải container khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (hành lang Đông-Tây) còn rất khiêm tốn, chiếm chưa đến 2% lượng hàng hóa vận chuyển, do tĩnh không các cầu trên tuyến không đồng bộ và tuyến luồng không đồng cấp.
Mục tiêu chính của dự án là đầu tư, cải tạo đồng bộ các tuyến sông, kênh qua 8 tỉnh, thành phố phía Nam (TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu) bao gồm việc cải tạo hai hành lang đường thủy phía Nam.
Theo đó, hành lang Đông - Tây sẽ cải tạo, nâng cấp đạt cấp II kỹ thuật đường thủy nội địa cho tàu tự hành đến 600T, tàu 3 lớp container thường lưu thông 24/24h, tàu tự hành đến 1.500T lợi dụng thủy triều ở mực nước cao để lưu thông.
Bên cạnh đó, hành lang Bắc - Nam sẽ cải tạo tuyến luồng cho tàu tự hành đến 5.000T, tàu 4 lớp container lưu thông thuận lợi, an toàn.
Điểm nhấn tại dự án chính là việc Chính phủ quyết định đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến luồng kết nối TP. Cần Thơ với TP. Hồ Chí Minh qua sông Măng Thít đạt cấp II kỹ thuật đường thủy nội địa và đầu tư cải tạo tuyến sông Tắc Cua kết nối TP. Hồ Chí Minh với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần nâng cao hiệu quả và an toàn của hai tuyến đường thủy nội địa trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ; đồng thời, cải thiện khả năng tiếp cận và di chuyển từ Đồng bằng sông Cửu Long cũng như các khu công nghiệp Bình Dương và Đồng Nai kết nối với TP. Hồ Chí Minh và các cảng nước sâu xuất nhập khẩu dọc sông Thị Vải.
Bên cạnh đó, dự án còn góp phần hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên các tuyến đường thủy trọng điểm và giảm chi phí vận tải, dự án sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao an toàn giao thông đường thủy và an ninh khu vực biên giới các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.
Dự án có thời gian thực hiện là 5 năm kể từ thời điểm được cấp có thẩm quyền bố trí vốn, dự kiến từ năm 2023 đến hết năm 2027. Theo Quyết định số 931, tổng vốn đầu tư dự án là 168,795 triệu USD, tương đương 3.901,377 tỷ đồng.
Trong đó, vốn vay WB là 107,273 triệu USD, tương đương 2.479,417 tỷ đồng; vốn do Chính phủ Úc viện trợ không hoàn lại là 0,582 triệu USD, tương đương 13,451 tỷ đồng; vốn đối ứng là 1.408,509 tỷ đồng, tương đương 60,94 triệu USD.