Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG-HoSE) vừa công bố các tờ trình ĐHCĐ thường niên năm 2024.
Theo đó, MWG dự báo năm 2024 nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều thách thức do những diễn biến vĩ mô khó lường trên phạm vi toàn cầu. Doanh nghiệp dự kiến, nhu cầu mua sắm tiêu dùng nhìn chung đi ngang, thậm chí có thể giảm so với năm 2023 đối với một số mặt hàng không thiết yếu.
Năm 2024, MWG lên kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 125.000 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện của năm 2023 (118.280 tỷ) và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 2.400 tỷ đồng, tăng 1.329% so với thực hiện năm 2023 (168 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, lãnh đạo công ty định hướng cho năm 2024 là: Tái cấu trúc toàn diện “Giảm Lượng - Tăng Chất” để tăng cường sức mạnh nội tại, sẵn sàng bứt phá cho giai đoạn tăng trưởng bền vững.
Đồng thời, đặt mục tiêu và xây dựng chiến lược kinh doanh cho từng chuỗi phù hợp với giai đoạn tương ứng trong vòng đời doanh nghiệp và tiềm năng thị trường. Cụ thể:
- Thế Giới Di Động (TGDĐ, bao gồm Topzone) và Điện máy xanh (ĐMX) — Bán lẻ các sàn phẩm công nghệ và điện máy sẽ là trụ cột đóng góp khoảng 65% doanh thu và mang lại lợi nhuận chính cho MWG trong 2024.
- Chuỗi Bách Hóa Xanh dự kiến đóng góp khoảng 30% doanh thu, tăng trưởng doanh thu hai chữ số, gia tăng thị phần và bắt đầu mang lại lợi nhuận cho MWG từ 2024. Doanh nghiệp dự kiến mở mới cửa hàng Bách Hoá Xanh có chọn lọc để đảm bảo hiệu quả, riêng tại TP. HCM, MWG cho biết sẽ mở mới 100 cửa hàng trong thời gian tới.
- Nhà thuốc An Khang dự kiến đạt tăng trưởng doanh thu hai chữ số, gia tăng thị phần và đạt điểm hòa vốn trước 31/12/2024. Theo MWG, năm 2024, An Khang có thể bước vào giai đoạn mở rộng nếu vận hành ổn định, có hiệu quả và xây dựng được mô hình kinh doanh thành công.
- Chuỗi AVAKids cũng dự kiến đạt tăng trưởng doanh thu hai chữ số, gia tăng thị phần và đạt điểm hòa vốn trước 31/12/2024. Chuỗi cửa hàng mẹ và bé này sẽ không chú trọng mở rộng điểm bán, các cửa hàng đóng vai trò là điểm trưng bày và giới thiệu hàng hóa đồng thời tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh bán hàng qua kênh online.
Cuối cùng là chuỗi EraBlue - bán lẻ sản phẩm công nghệ và điện máy tại Indonesia, dự kiến tăng trưởng doanh thu hai chữ số, gia tăng thị phần, trở thành nhà bán lẻ điện máy số 1 tại Indonesia trong năm 2024.
MWG kỳ vọng tăng trưởng doanh số online và ước tính tỷ trọng đóng góp của online trên doanh thu của các ngành hàng doanh nghiệp này đang kinh doanh từ 5% đến 30% tùy thuộc vào đặc tính của từng ngành hàng.
Bên cạnh đó, MWG trình cổ đông thông qua phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt từ nguồn lợi nhuận giữ lại với tỷ lệ 5%, (1 cổ phiếu được nhận 500 đồng) với tổng số tiền dự chi là hơn 731 tỷ đồng.
Với kế hoạch phát hành ESOP (cổ phiếu cho ban điều hành và cán bộ quản lý chủ chốt), MWG trình phương án phát hành với tỷ lệ tối đa 2% trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Theo đó, nếu doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2024 ở mức 110%, kế hoạch ESOP sẽ không được thực hiện.
MWG sẽ phát hành ESOP với tỷ lệ 1% nếu hoàn thành 110% kế hoạch, mỗi 1% lợi nhuận sau thuế vượt mức 110% kế hoạch, tỷ lệ ESOP sẽ được cộng thêm 0,05%. Giá bán cổ phiếu ESOP theo kế hoạch là 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2025.
Với kế hoạch mua cổ phiếu quỹ, MWG trình cổ đông thông qua việc giảm vốn điều lệ do mua lại cổ phiếu của người lao động đã nghỉ việc. Vốn điều lệ dự kiến giảm từ hơn 14.633 tỷ đồng còn hơn 14.622 tỷ đồng.
Cùng với đó, MWG cũng dự kiến mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ với ngân sách tối đa thực hiện là 100 tỷ đồng từ lợi nhuận giữ lại chưa phân phối trong năm 2024.
Tổng số cổ phiếu quỹ hiện tại của MWG là hơn 1,13 triệu cổ phiếu. Với ngân sách 100 tỷ đồng, tạm tính theo thị giá của cổ phiếu MWG trên thị trường chứng khoán, doanh nghiệp có thể mua vào 2,1 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ thông qua phương thức khớp lệnh.
Hiện VCSC có khuyến nghị "mua" cho MWG với giá mục tiêu là 54.800 đồng/cổ phiếu. Còn chốt phiên giao dịch ngày 20/3, giá cổ phiếu MWG tăng 5,49% lên 48.000 đồng/cp và tăng 11,37% từ đầu năm đến nay.