January 05, 2025 | 23:04 GMT+7

Năm 2024, quy mô kinh tế Đà Nẵng mở rộng hơn 17 nghìn tỷ đồng

Ngô Anh Văn -

Năm 2024, quy mô GRDP của Đà Nẵng dẫn đầu các tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải Nam Trung bộ (gồm 8 tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận) và tiếp tục duy trì vị trí thứ 17/63 tỉnh, thành phố trong cả nước...

Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng tại họp báo. Ảnh Ngô Anh Văn.
Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng tại họp báo. Ảnh Ngô Anh Văn.

Tại buổi họp báo Công bố số liệu thống kê tình hình kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng năm 2024, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Văn Vũ cho biết quy mô nền kinh tế thành phố theo giá hiện hành ước đạt hơn 151.307 tỷ đồng, mở rộng gần 17.086 tỷ đồng so với năm 2023. Trong đó, quy mô VA (giá trị tăng thêm) khu vực dịch vụ mở rộng nhiều nhất với 12.993 tỷ đồng; khu vực công nghiệp - xây dựng mở rộng 2.663 tỷ đồng; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mở rộng gần 93 tỷ đồng và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng thêm 1.367 tỷ đồng.

NHIỀU LĨNH VỰC TĂNG TRƯỞNG BỨT PHÁ

Xét trên phạm vi cả nước, Đà Nẵng là địa phương thực hiện khá tốt công tác cải cách hành chính, khơi thông các nguồn lực đầu tư thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhờ đó năm 2024,  quy mô GRDP của Đà Nẵng tiếp tục duy trì vị trí thứ 17/63 tỉnh, thành phố và dẫn đầu các tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải Nam Trung bộ. Mật độ kinh tế tính trên 01 km 2 ước đạt 154,4 tỷ đồng trong năm 2024.

Theo cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Văn Vũ, về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế, đạt mức tăng trưởng khá tích cực trong năm 2024, khu vực dịch vụ vẫn tiếp tục mở rộng tỷ trọng trong cơ cấu GRDP. Theo đó, khu vực dịch vụ từ 70,52% năm 2023 tăng lên 71,14% trong năm 2024. Tổng sản phẩm xã hội bình quân đầu người theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt 4.719 USD/người, tăng 4,91% so với năm 2023. Xét trong cả giai đoạn 2021-2024, bình quân mỗi năm GRDP tính trên đầu người (tính theo USD) tăng 5,92%, cao hơn mức tăng bình quân 3,17%/năm của giai đoạn 2016-2020.

Đáng chú ý về năng suất lao động (NSLĐ) chung toàn nền kinh tế năm 2024 ước đạt 233,2 triệu đồng/người, tăng 10,0% so với năm 2023.

Các đại biểu tham dự họp báo  công bố số liệu thống kê tình hình kinh tế - xã hội Đà Nẵng năm 2024. Ảnh Ngô Anh Văn
Các đại biểu tham dự họp báo  công bố số liệu thống kê tình hình kinh tế - xã hội Đà Nẵng năm 2024. Ảnh Ngô Anh Văn

Tiếp nối đà phục hồi trong quý II và quý III năm 2024, hoạt động công nghiệp và xây dựng trên địa bàn Đà Nẵng trong quý IV tiếp tục khởi sắc, đóng góp tích cực cho tăng trưởng cả năm 2024. Giá trị tăng thêm của cả khu vực công nghiệp và xây dựng quý IV/2024 ước tăng 14,77%, đóng góp 2,9 điểm phần trăm trong mức tăng VA của toàn nền kinh tế quý IV. Trong đó, một số ngành công nghiệp phục hồi mạnh mẽ góp phần tích cực cho tăng trưởng toàn ngành với mức tăng 12,85%, đóng góp 1,81 điểm; đặc biệt, lĩnh vực x dựng chuyển biến tích cực đạt mức tăng 19,72%, đóng góp 1,08 điểm phần trăm trong mức tăng VA chung.

Tính chung cả năm 2024, tăng trưởng cả khu vực công nghiệp - xây dựng ước đạt 7,69% so với năm 2023, đóng góp 2,67 điểm phần trăm vào mức tăng VA chung. Trong đó, VA ngành công nghiệp tăng 6,44%, riêng lĩnh vực sản xuất và phân phối điện tăng 8,41%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm vào mức tăng chung toàn ngành; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,37%, đóng góp 6,49 điểm; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,23%, đóng góp 0,26 điểm.

Chỉ sổ sản xuất (IIP) toàn ngành công nghiệp năm 2024 ước tăng 7,03% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,30%, ở lĩnh vực này có đến 17/23 nhóm ngành cấp 2 có chỉ số tăng trưởng dương, trong đó một số sản phẩm chủ lực đạt mức tăng trưởng khá phải kể đến như dệt (+36,8%); sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (+14,7%); sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại (+17,7%); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (+19,8%); sản xuất máy móc, thiết bị (+17,9%)[1]; dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị (+65,7%)...

Ông Trần Văn Vũ khẳng định năm 2024, hoạt động thương mại - dịch vụ của Đà Nẵng duy trì đà tăng cao, đặc biệt những tháng cuối năm diễn ra khá sôi động. Lĩnh vực thương mại và du lịch tiếp tục là trụ đỡ chính đóng góp cho tăng trưởng kinh tế chung của thành phố. Tăng trưởng VA khu vực dịch vụ quý IV ước đạt 9,65% so với cùng kỳ năm 2023; cao hơn mức tăng 9,11% của quý II và 8,52% của quý III năm 2024. Tính chung cả năm 2024, VA khu vực dịch vụ ước tăng 7,70% so với năm 2023, đóng góp 5,96 điểm phần trăm vào mức tăng VA chung toàn nền kinh tế thành phố.

Trong khu vực dịch vụ, một số ngành có VA tăng cao 2 con số trong năm qua phải kể đến như dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 14,65%; hoạt động nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 13,94%; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 12,36%; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 11,47%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 ước đạt 136.954 tỷ đồng, tăng 15,0% so với năm 2023. Trong đó, doanh thu dịch vụ lữ hành và các hoạt động hỗ trợ du lịch tăng cao nhất với 29,8%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 21,0%; dịch vụ tiêu dùng khác tăng 15,9%; bán lẻ hàng hóa tăng 12,0% so với năm 2023.

Tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ năm 2024 ước đạt 10,9 triệu lượt, tăng 32,4% so với năm 2023. Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 4,1 triệu lượt, tăng 35,3%; khách trong nước đạt 6,7 triệu lượt, tăng 30,7%. Riêng các cơ sở lữ hành ước đạt gần 1,5 triệu lượt, tăng 12,8% so với năm 2023; trong đó, khách quốc tế đạt 509 nghìn lượt, tăng 31,9%; khách trong nước đạt 885 nghìn lượt, tăng 1,4%; khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài đạt 77 nghìn lượt tăng 36,4% so với năm trước.

Năm 2024, toàn ngành vận tải kho bãi; bưu chính và chuyển phát doanh thu ước đạt 43.863 tỷ đồng, tăng 22,9% so với năm 2023. Trong đó, vận tải đường bộ, đường sắt đạt 10.698 tỷ đồng, tăng 16,2%; đường thủy đạt 61 tỷ đồng, tăng 8,0%; đường hàng không đạt 19.535 tỷ đồng, tăng 26,1%; kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải đạt 12.358 tỷ đồng, tăng 25,9%; dịch vụ bưu chính và chuyển phát đạt 1.211 tỷ đồng, tăng 8,3% so với năm 2023.

Vận chuyển hành khách bằng đường bộ và đường thủy đạt hơn 30 triệu lượt, tăng 12,4% và luân chuyển đạt 966 triệu lượt HK.Km, tăng 15,2% so với năm 2023; vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, đường thủy đạt 53,5 triệu tấn, tăng 16,3% và luân chuyển đạt 5.191 triệu tấn.km, tăng 15,3% so với năm 2023.

Ngành kinh doanh bất động tuy có tín hiệu phục hồi khởi sắc trong quý IV với mức tăng trưởng ấn tượng 16,48%, tuy nhiên, sự sụt giảm của quý I và II năm 2024 đã tác động đáng kể đến tăng trưởng cả năm, VA toàn ngành giảm 11,0% so với năm 2023.

KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC CHO ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN

Theo phân tích của Cục Thống kê Đà Nẵng về những yếu tố tác động tích cực để kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng đều trong năm vừa qua, đó là thành phố đã cường tập trung xử lý, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, xây dựng cơ bản, giải tỏa đền bù; tổ chức tăng ca đẩy nhanh tiến độ thi công; chú trọng công tác lựa chọn nhà thầu đảm bảo năng lực, kinh nghiệm thực hiện hợp đồng và khả năng xử lý các điều chỉnh, phát sinh... qua đó đã khơi thông nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố.

Thêm vào đó là việc huy động nguồn vốn đầu tư toàn xã hội cho phát triển được tăng cường ở cả khu vực nhà nước và bên ngoài đều đạt tăng trưởng khá. Theo thống kê, năm 2024 mức vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 33.680 tỷ đồng, tăng 9,9% so với năm 2023; trong đó, vốn đầu tư thực hiện thuộc khu vực nhà nước đạt 10.203 tỷ đồng, tăng 7,1%; khu vực ngoài nhà nước ước đạt 20.932 tỷ đồng, tăng 16,1%; khu vực FDI ước đạt 2.545 tỷ đồng.

Cục Thống kê giới thiệu với báo chí Biểu đố  về Quy mô và cơ cấu kinh tế Đà Nẵng năm 2024 . Ảnh Ngô Anh Văn
Cục Thống kê giới thiệu với báo chí Biểu đố  về Quy mô và cơ cấu kinh tế Đà Nẵng năm 2024 . Ảnh Ngô Anh Văn

Đà Nẵng xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa và vai trò lớn trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trong năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 6.990 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2023 và đạt 81,0% kế hoạch năm 2024.

Về thu hút đầu tư trong nước, tính đến 25/12/2024, Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 19 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký mới đạt 73.348 tỷ đồng. Do quy mô các dự án tăng mới trong năm lớn hơn năm 2023 nên mặc dù giảm 06 dự án đăng ký mới nhưng tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh tăng 56,5% so với năm 2023. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính đến ngày 25/1 2/2024, thành phố đã thu hút được 243,4 triệu USD vốn FDI mới và tăng thêm, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, cấp mới 71 dự án với vốn đăng ký đạt 233,6 triệu USD, tăng 54,2%; điều chỉnh tăng/giảm vốn 26 lượt dự án với tổng vốn tăng thêm 7,9 triệu USD; 23 lượt nhà đầu tư góp vốn mua cổ phần trong tổ chức kinh tế với tổng giá trị 1,9 triệu USD…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate