Năm 2023, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 53 tỷ USD, do đó mục tiêu năm 2024 được Chính phủ giao là 55-57 tỷ USD. Tuy nhiên, kết thúc năm 2024, xuất khẩu toàn ngành tạo nên “bức tranh sáng rực rỡ”, với tổng kim ngạch đạt 62,5 tỷ USD, không chỉ vượt xa mục tiêu mà còn lập nên kỷ lục mới. Điều này là minh chứng cho sự chuyển mình mạnh mẽ trong chiến lược xuất khẩu của nông sản Việt Nam, từ việc đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường đến việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
NHIỀU NGÀNH HÀNG ĐẠT TRÊN 5 TỶ USD
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024 giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 32,8 tỷ USD tăng 22,4% so với năm 2023; giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 533,6 triệu USD, tăng 6,5%; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 10,07 tỷ USD, tăng 12,2%; giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 17,28 tỷ USD, tăng 19,4%.
Bên cạnh đó, mặc dù giá trị xuất khẩu của các mặt hàng đầu vào sản xuất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giảm 5,7%, nhưng điều này không làm giảm đi tổng thể sự phát triển mạnh mẽ của xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Châu Á tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông, lâm, thủy sản Việt Nam với thị phần chiếm 48,2%. Các thị trường lớn tiếp theo là châu Mỹ với 23,7% và châu Âu với 11,3%. Đặc biệt, các thị trường ở châu Mỹ và châu Âu chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về giá trị xuất khẩu. Chẳng hạn, xuất khẩu nông sản sang châu Mỹ tăng 23,6%, trong khi xuất khẩu sang châu Âu tăng 30,4% so với năm 2023. Các khu vực châu Phi và châu Đại Dương có thị phần nhỏ, lần lượt là 1,8% và 1,4%, nhưng cũng ghi nhận sự tăng trưởng lần lượt là 4,4% và 13,9%.
Xét thị trường theo quốc gia, Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục là hai thị trường lớn nhất của Việt Nam, với thị phần lần lượt là 21,7% và 21,6%. Các thị trường này đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là xuất khẩu sang Hoa Kỳ, với mức tăng lên đến 24,6%, và Trung Quốc tăng 11%. Nhật Bản, với thị phần 6,6%, là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ ba của Việt Nam.
Năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,2 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2023. Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần 55,5%. Trung Quốc và Nhật Bản là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 13% và 10,8%. So với năm trước, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Hoa Kỳ tăng 25,2%, thị trường Trung Quốc tăng 22,3%, thị trường Nhật Bản tăng 2,5%.
Xuất khẩu thủy sản năm 2024 đạt 10,07 tỷ USD, tăng 12,2% so với năm 2023. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là ba thị trường tiêu thụ hàng thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 18,5%, 17,1% và 15,3%. So với năm 2023, giá trị xuất khẩu hàng thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ tăng 16,4%, thị trường Trung Quốc tăng 23,2%, thị trường Nhật Bản tăng 1,3%.
Trong năm 2024, có đến 5 ngành hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, gồm: gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, rau quả, gạo và cà phê. Những mặt hàng này không chỉ tăng trưởng về giá trị, mà còn củng cố vững chắc vị trí của Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu nông sản thế giới.
Rau quả năm 2024 cũng lập mốc kỷ lục mới với 7,12 tỷ USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về tiêu thụ hàng rau quả của Việt Nam với 66,5% thị phần, đạt 4,1 tỷ USD, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2023. Hai thị trường xuất khẩu rau quả lớn tiếp theo là Hoa Kỳ và Hàn Quốc có thị phần lần lượt là 4,7% và 4,3%.
Xuất khẩu gạo ghi nhận tăng trưởng ấn tượng trong năm 2024, với 9,18 triệu tấn, đem về 5,75 tỷ USD (cao nhất từ trước tới nay), tăng 23% về khối lượng và tăng 22,4% về giá trị so với năm 2023. Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 46,1%. Indonesia và Malaysia là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 13,5% và 8,2%. So với năm 2023, giá trị xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines tăng 59,1%, thị trường Indonesia tăng 20,2%, thị trường Malaysia tăng 2,2 lần.
Đối với mặt hàng cà phê, xuất khẩu năm 2024 đạt 1,32 triệu tấn, với kim ngạch kỷ lục 5,48 tỷ USD, dù giảm 18,8% về khối lượng nhưng tăng 29,18% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá cà phê xuất khẩu bình quân năm 2024 đạt 4.037 USD/tấn, tăng 56,9% so với năm 2023. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê tăng trưởng ở tất cả các thị trường trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, trong đó tăng mạnh nhất ở hai thị trường Malaysia tăng 2,2 lần và Philippines tăng 2,1 lần. Thị trường lớn nhất của xuất khẩu cà phê Việt Nam là EU, trong đó Đức, Italia và Tây Ban Nha là ba thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam.
NĂM ĐÁNH DẤU SỰ CHUYỂN MÌNH NÔNG NGHIỆP
Không chỉ những mặt hàng chủ lực, mà các mặt hàng khác dưới mốc 5 tỷ USD cũng chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng. Hạt điều, cao su, tiêu, sắn và các sản phẩm từ sắn đều có những bước tiến vững chắc trong xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu hạt điều đạt 4,48 tỷ USD, tăng 20,2% so với năm 2023. Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục là những thị trường tiêu thụ chủ yếu hạt điều của Việt Nam.
Xuất khẩu cao su đạt 3,37 tỷ USD, mặc dù khối lượng giảm, nhưng giá trị tăng 17,1% nhờ giá cao su tăng mạnh, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chủ yếu. Với mặt hàng tiêu, mặc dù khối lượng xuất khẩu giảm 4,4%, nhưng giá trị xuất khẩu tiêu đã tăng mạnh 46,5%, đạt 1,33 tỷ USD. Các thị trường như Hoa Kỳ, Đức và Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) đều có sự tăng trưởng ấn tượng.
Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ghi nhận giảm về cả khối lượng và giá trị, nhưng vẫn đạt 1,13 tỷ USD, với Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ yếu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu nông sản Việt Nam trong năm 2024 có 5 yếu tố hỗ trợ.
Thứ nhất, tình hình thuận lợi tại các thị trường lớn, giá nhiều mặt hàng nông sản tăng mạnh đã tạo ra cơ hội cho Việt Nam mở rộng xuất khẩu.
Chẳng hạn, với mặt hàng gạo, nhờ việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tẻ thường đã để lại “khoảng trống” cho gạo Việt mở rộng thị trường. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam năm 2024 đạt bình quân 626 USD/tấn, tăng 10,6% so với năm 2023. Đặc biệt, trong năm 2024, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn đứng ở vị trí cao nhất khi so sánh với sản phẩm cùng loại của các đối thủ. Cụ thể, tại thời điểm ngày 20/7/2024, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đạt 568 USD/tấn, trong khi gạo 5% tấm của Thái Lan 550-555 USD/tấn; gạo 5% tấm của Ấn Độ xuất khẩu với giá 539-545 USD/tấn; gạo 5% tấm của Pakistan 510-515 USD/tấn.
Thứ hai, tăng trưởng xuất khẩu là nhờ tác động tích cực từ hàng loạt Nghị định thư ký kết với Trung Quốc, cho phép nhiều loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Đặc biệt, xuất khẩu sầu riêng đạt 3,3 tỷ USD, chiếm 46% tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Thứ ba, sự chuyển mình của ngành nông nghiệp Việt Nam nhờ quá trình tái cơ cấu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến và mở rộng vùng nguyên liệu cũng đóng vai trò quan trọng. Việc đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, như rau quả và thủy sản chế biến, đã giúp nâng cao giá trị xuất khẩu tổng thể.
Thứ tư, việc khắc phục hạn mặn, phát triển vùng nguyên liệu gắn kết với chế biến và mở rộng thị trường xuất khẩu đã tạo động lực cho ngành phát triển bền vững.
Thứ năm, việc ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo nền tảng vững chắc, giúp thúc đẩy kim ngạch song phương giữa các bên tăng trưởng đột phá.
Cán cân thương mại ngành nông, lâm, thủy sản năm 2024 đạt thặng dư 17,9 tỷ USD, tăng 46,8% so với năm 2023. Trong đó, nhóm lâm sản xuất siêu 13,05 tỷ USD, tăng 18,7%; nhóm thủy sản xuất siêu 6,88 tỷ USD, tăng 17,5%; nhóm nông sản xuất siêu 4,72 tỷ USD, tăng 3,1 lần so với năm 2023. Trong khi đó, nhóm đầu vào sản xuất thâm hụt 5,24 tỷ USD, tăng 8,6%; sản phẩm chăn nuôi thâm hụt 2,93 tỷ USD, tăng 6,6%; muối thâm hụt 28,2 triệu USD, giảm 21,5%.
Với kết quả xuất khẩu ấn tượng trong năm 2024, ngành nông nghiệp Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ và vững chắc. Các Hiệp định thương mại tự do sẽ tiếp tục tạo cơ hội mới cho xuất khẩu các sản phẩm nông sản Việt Nam, nhất là các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn, thủy sản và các sản phẩm động vật. Đặc biệt, tương lai tươi sáng đang mở ra cho xuất khẩu nông sản Việt Nam tại các thị trường mới, đặc biệt là thị trường Halal tại khu vực Trung Đông...
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 4+5-2025 phát hành ngày 27/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1194