Để thực hiện phát triển kinh tế đô thị, thành phố Hà Nội nêu 33 nhiệm vụ, dự án, đề án, chương trình ưu tiên thực hiện.
Trong đó đáng chú ý có Đề án "Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030" TP giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp Công an thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện trong giai đoạn 2023 – 2025.
Trước đó, Hà Nội đã nhiều lần đề cập đến việc cấm xe máy vào khu vực nội đô và nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và giới chuyên gia.
Năm 2021, UBND TP Hà Nội đã gửi tới HĐND cùng cấp tờ trình về Chương trình mục tiêu giảm ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thủ tục để phê duyệt đề án về phân vùng hạn chế hoạt động xe máy và tiến tới dừng hoạt động loại phương tiện này trên địa bàn các quận.
Việc hạn chế hoạt động xe máy là một trong những nội dung của Nghị quyết 04 đã được HĐND TP Hà Nội thông qua vào năm 2017. Theo chính quyền Thủ đô, sau khi Nghị quyết này được thông qua, các cơ quan chức năng đã xây dựng đề án về hoạt động của xe máy trên địa bàn thành phố, với định hướng nghiên cứu sau năm 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận bên trong vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, quốc lộ 5.
Dự kiến sau năm 2030, thành phố dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận bên trong vành đai 4 đối với khu vực nam sông Hồng và bên trong vành đai 3 đối với khu vực bắc sông Hồng.
Năm huyện lên quận giai đoạn 2021-2025 là Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng dự kiến sẽ được cập nhật bổ sung vào đề án. Điều này đồng nghĩa với việc các đơn vị hành chính này cũng dừng hoạt động xe máy theo lộ trình.
Bên cạnh Đề án dừng hoạt động xe máy, Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào" cũng được giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan hoàn thiện trong giai đoạn 2023 – 2025.
Đề án "Phát triển kinh tế đô thị thành phố Hà Nội” từ năm 2025, tầm nhìn 2030 nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025” và Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.
Ngoài các chỉ tiêu được xác định trong Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy, Đề án này còn bổ sung một số chỉ tiêu: Kinh tế khu vực đô thị đóng góp chủ yếu vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) toàn thành phố, đến năm 2025 là 85% và năm 2030 là 90%; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt 30% vào năm 2025, đạt 40% vào năm 2030.
Đề án xác định mục tiêu các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế đô thị thành phố Hà Nội, đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Phấn đấu mục tiêu phát triển đô thị thành phố Hà Nội theo hướng nhanh, hiệu quả, bền vững; đưa Hà Nội đến năm 2030 trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Cụ thể, TP Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, doanh số thương mại điện tử chiếm 10%, so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố, đến năm 2030 tăng 20%; tốc độ tăng trung bình hằng năm so với năm trước khoảng 20%; giá trị gia tăng dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 15-20%; giá trị gia tăng ngành Giáo dục - Đào tạo tăng 20-25%; giá trị gia tăng dịch vụ y tế tăng 25-30%; giá trị gia tăng dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 20-25%.
Thành phố Hà Nội đặt ra nhiều giải pháp phát triển các ngành kinh tế đô thị, trong đó có việc phát triển thương mại – dịch vụ bao gồm việc phát triển đa dạng các loại hình du lịch chất lượng cao; dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; dịch vụ giáo dục đào tạo chất lượng cao; dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao, chăm sóc sức khoẻ cho người trong nước và người nước ngoài…); phát triển công nghiệp – xây dựng; phát triển công nghiệp đô thị…
Thành phố cũng sẽ phát triển các mô hình kinh tế mới như: kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và các mô hình kinh tế khác như kinh tế du lịch, kinh tế thể thao, kinh tế vỉa hè…