Chiều ngày 28/10, Thời báo Tài chính Việt Nam và Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) tổ chức tọa đàm “Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công”.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Phạm Thu Phong, Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam, cho biết trong nhiều năm trở lại đây, đầu tư công được coi là “đòn bẩy” để vực dậy nền kinh tế, nhất là sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Năm 2024, đầu tư công tiếp tục được nhận định là động lực hàng đầu cho tăng trưởng, do đó, công tác giải ngân nguồn vốn này tiếp tục được quan tâm.
NHIỀU ĐƠN VỊ KÉO LÙI TỶ LỆ GIẢI NGÂN CẢ NƯỚC
Theo tài liệu tại toạ đàm, từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chỉ thị, công điện và văn bản chỉ đạo để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời, phát huy vai trò 7 tổ công tác của Thủ tướng và 26 tổ công tác của thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Để giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư công và trở thành vốn mồi thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế khác, với chức năng và nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính có nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương quyết liệt thực hiện các giải pháp thúc đẩy tiến độ. Các bộ, ngành, địa phương cũng đưa ra quyết tâm và nỗ lực thực hiện các giải pháp để giải ngân hết số vốn được giao, giúp phát triển kinh tế của cả nước nói chung, của địa phương nói riêng.
"Ước giải ngân từ đầu năm đến ngày 31/10/2024 là 355.616,1 tỷ đồng, đạt 47,43% kế hoạch, đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 52,03% kế hoạch và đạt 56,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao)".
Báo cáo của Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính).
Hiện có 15/44 bộ, cơ quan trung ương và 41/63 địa phương nỗ lực phấn đấu, đạt tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công ước 10 tháng đạt trên mức trung bình của cả nước.
Tiêu biểu là: Đài truyền hình Việt Nam (100%), Ngân hàng Nhà nước (75,23%), Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (70,46%), Bộ Giao thông vận tải (67,42%); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (64,63%), Hòa Bình (74,91%), Tiền Giang (74,43%), Long An (74,1%), Nghệ An (69,56); An Giang (66,15%)...
Tuy nhiên, báo cáo từ Bộ Tài chính cho thấy ước giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 10/2024 của cả nước chưa đạt kỳ vọng. Hiện còn nhiều địa phương, bộ, ngành còn lúng túng trong triển khai giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, có 29/44 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.
Đáng quan ngại, dù gần đi hết chặng đường nhưng cá biệt có một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân 0% như Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (chưa phân bổ); hay giải ngân rất thấp như: Ủy ban dân tộc (1,12%), Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam (1,35%), Đại học quốc gia Hồ Chí Minh (5,01%), Đại học quốc gia Hà Nội (9%), Bộ Ngoại giao (10,03%)…
Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30% như: TP. Hồ Chí Minh (19,63%), Phú Yên (24,63%), Kon Tum (27,45%), Quảng Ngãi (27,98%)…
NHỮNG TRỞ NGẠI KHÓ GIẢI QUYẾT DỨT ĐIỂM
Chia sẻ tại toạ đàm, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải), cho biết năm 2024, Bộ Giao thông vận tải dự kiến được giao khoảng 75.482 tỷ đồng, sau khi tính cả số vốn mới được Thủ tướng Chính phủ giao thêm 1.240 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 và dự kiến được bổ sung thêm 2.954 tỷ đồng cho các dự án nhóm B đang thiếu vốn.
Là một trong những mũi đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế, ngành giao thông vận tải cùng Bộ Giao thông vận tải luôn được giao vốn đầu tư công lớn, nhiều năm liền, Bộ Giao thông vận tải thường xuyên trong top đầu cả nước về giải ngân.
Tính đến hết tháng 10/2024, Bộ Giao thông vận tải giải ngân được 47.759 tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ chung cả nước. Theo báo cáo của các chủ đầu tư/ban quản lý dự án, dự kiến năm 2024, bộ này sẽ giải ngân khoảng 75.228 tỷ đồng, đạt 99,7% kế hoạch, vượt mục tiêu tối thiểu 95% kế hoạch vốn giao như kế hoạch Thủ tướng giao.
Nêu rõ các khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của Bộ Giao thông vận tải, theo lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Đầu tư, thứ nhất, trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng qua nhiều khâu, nhiều bước nên mất rất nhiều thời gian, đặc biệt là các thủ tục như: chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa…
Thứ hai, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật vẫn là khâu tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và giải ngân của các dự án.
Thứ ba, về vật liệu xây dựng, thời gian vừa qua được Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác mỏ đã giảm bớt nhiều thủ tục.
"Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung cấp vật liệu tại một số dự án vẫn còn vướng mắc, chậm được giải quyết, đặc biệt trong việc cấp phép, nâng công suất các mỏ, làm ảnh hưởng tới tiến độ triển khai các dự án", ông Dũng nêu rõ.
Thứ tư, thời tiết ngày càng bất thường, rất khó dự báo, đặc biệt thời gian tới vào mùa mưa lũ, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án.
Theo ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), nhiều khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, trong đó có những vướng mắc mà đại diện Bộ Giao thông vận tải nêu về vướng mắc về cơ chế chính sách (thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất trồng lúa; giải phóng mặt bằng, nguồn cung ứng nguyên vật liệu.
Bên cạnh đó còn các vướng mắc khác về cơ chế chính sách, thiếu các định mức chi phí đối với các dự án không có cấu phần xây dựng; vướng mắc trong các quy định về quản lý đầu tư công, cơ chế đấu thầu hay nhiều khó khăn tại các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA...
Lãnh đạo Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) đánh giá dù kết quả giải ngân các dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung 9 tháng của cả nước (47,1% so với số giải ngân 9 tháng của cả nước là 45,27%) nhưng tỷ lệ giải ngân có xu hướng chậm lại trong những tháng gần đây.
"Tỷ lệ giải ngân các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm giao thông cao không đồng đều. Một số dự án quan trọng quốc gia, dự án giao thông trọng điểm, liên vùng do địa phương quản lý có tỷ lệ giải ngân thấp. Tỷ lệ giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài đạt thấp", ông Đức nêu rõ thực tế.
NĂM GIẢI PHÁP TĂNG TỐC GIẢI NGÂN
Để phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2024, Bộ Giao thông vận tải đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Một là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị với kết quả giải ngân. Đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm của người đứng đầu và của đơn vị.
Hai là, chỉ đạo các chủ đầu tư/ban quản lý dự án thường xuyên rà soát kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án.
Ba là, yêu cầu các chủ đầu tư và nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi để triển khai thi công; phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan.
Bốn là, khẩn trương hoàn thiện thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng được nghiệm thu.
Năm là, theo dõi, giám sát tiến độ giải ngân hàng tháng, kịp thời điều hòa, điều chỉnh vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân nhanh hơn.
"Từ đầu năm đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã điều chỉnh 4 đợt cho 35 dự án, giá trị vốn điều chỉnh gần 3.000 tỷ đồng, để bảo đảm đủ nguồn vốn cho các dự án", ông Nguyễn Anh Dũng cho biết.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nằm trong nhóm có tỷ lệ giải ngân cao. Theo kinh nghiệm từ cơ quan này, trong quá trình từ lập, thẩm định kỹ thuật đến xử lý hiện trường, đã thành lập tổ chuyên gia kỹ thuật của Bộ với nòng cốt là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực để giúp xử lý các vấn đề kỹ thuật đảm bảo công trình an toàn, tiết kiệm chi phí. Đồng thời, lường trước những vấn đề kỹ thuật phức tạp, từ đó chuẩn bị ngay các giải pháp xử lý, không để thụ động ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình.
Với vai trò là cơ quan quản lý về giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đã tích cực tổng hợp, rà soát, đánh giá để tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ nhiều giải pháp chỉ đạo điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2024, kịp thời đôn đốc việc triển khai dự án và điều hành kế hoạch vốn của các dự án.
Kho bạc Nhà nước đồng bộ triển khai dịch vụ công trực tuyến, "chong đèn" tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách có thể giao dịch với Kho bạc Nhà nước 24/7, kể cả ngày nghỉ/ngày lễ, tại bất cứ địa điểm nào có kết nối internet.
Phó Thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Tài chính trực tiếp làm Tổ trưởng, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư năm 2024 tại một số địa phương.
Ngoài ra, theo ông Dương Bá Đức, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo việc sửa đổi đồng bộ các chính sách có liên quan để trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 như: sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật đấu thầu; dự án 1 luật sửa 7 luật do Bộ Tài chính chủ trì. Đây được coi là cải cách lớn và đồng bộ nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn.