Theo Bộ Tài chính, ước thanh toán giải ngân đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/8/2024 là 274.501 tỷ đồng, đạt 37,01% kế hoạch và đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 về tỷ lệ (đạt 39,55% kế hoạch và đạt 42,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) cũng như thấp hơn khoảng 25.000 tỷ đồng về số giải ngân tuyệt đối.
BỨC TRANH SÁNG - TỐI TRONG GIẢI NGÂN
Đánh giá về tiến độ giải ngân của cả nước trong 8 tháng năm 2024, Bộ Tài chính cho biết có 13/44 bộ, cơ quan trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước.
Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đúng tiến độ gồm: Đài Truyền hình Việt Nam (100%), Đài Tiếng nói Việt Nam (60,72%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (58,39%), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (52,7%), Bộ Giao thông vận tải (49,67%), Long An (79,35%), Hà Tĩnh (64,98%), Thanh Hóa (64,05%), Hòa Bình (60,37%).
Vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội có tỷ lệ giải ngân đạt cao, với 79,32% kế hoạch. Đặc biệt vốn bộ, cơ quan trung ương quản lý có tỷ lệ giải ngân trong 8 tháng năm 2024 đạt 99,77%, riêng Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đạt tỷ lệ giải ngân là 100%.
Tuy nhiên, bên cạnh các đơn vị có kết quả giải ngân khả quan, vẫn còn tới 31/44 bộ, cơ quan trung ương và 28/63 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.
Đặc biệt, tính hết tháng 8/2024, vẫn còn một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân 0% như Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Một số bộ, cơ quan trung ương giải ngân rất thấp như: Ủy ban Dân tộc (1,12%), Đại học Quốc gia Hà Nội (2,96%), Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh (4,11%), Bộ Khoa học và Công nghệ (5,52%)…
Cùng với đó, một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 25% như TP. Hồ Chí Minh (16,58%), Phú Yên (18,76%), Kon Tum (21,58%), Bắc Ninh (21,8%), Quảng Ngãi (22,8%).
Cũng theo Bộ Tài chính, việc một số địa phương kế hoạch lớn nhưng tỷ lệ giải ngân không cao đã ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.
Chẳng hạn, TP. Hồ Chí Minh được giao 79.263,78 tỷ đồng, chiếm 11,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cả nước, nhưng mới chỉ giải ngân 16,58%; TP. Hà Nội được giao 81.033 tỷ đồng, chiếm 12,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng mới chỉ giải ngân 35,23%.
KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG ĐẦU TƯ DÀN TRẢI, LÃNG PHÍ
Chia sẻ gần đây, một chuyên gia nghiên cứu ngành tài chính cho rằng nguồn lực đầu tư công tăng mạnh thời gian qua, tương ứng khoảng 14%/năm suốt 5 năm 2019-2023, với lượng vốn đầu tư công được rót kỷ lục vào năm 2023 khoảng 725.000 tỷ đồng. Riêng năm 2021 giảm 6,3% do giãn cách xã hội, dịch bệnh.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng việc giải ngân vốn kế hoạch thấp trong khi tiền gửi ngân hàng lớn với lãi suất chỉ khoảng 0,8%/năm, hơn nữa, chúng ta phải chịu lãi suất khi phát hành Trái phiếu chính phủ hàng năm từ 2,7 - 3%/năm, đi vay nước ngoài 6 - 8%/năm. Như vậy, hiện vẫn còn vấn đề lãng phí nguồn lực đầu tư công, do đó, việc đẩy nhanh vốn đầu tư công là vấn đề quan trọng.
Bên cạnh nhiều dự án giải ngân khả quan, được bổ sung thêm vốn thì nhiều dự án ì ạch, công tác giải ngân vốn đầu tư công vẫn gặp khó khăn, đặc biệt giải ngân vốn nước ngoài, bình quân giai đoạn 2021-2023 chỉ đạt khoảng 43% kế hoạch Thủ tướng giao.
Nguyên nhân chủ yếu do chính sách còn vướng mắc, chậm sửa đổi, việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công các năm chậm trễ, phân bổ rất nhiều lần. Cùng với đó, nhiều dự án tắc nghẽn vì công tác giải phóng mặt bằng, thiếu vật liệu xây dựng. Tại các địa phương, tâm lý cán bộ e dè, không dám làm cũng gây cản trở tiến độ giải ngân.
Với tỷ lệ giải ngân ước 8 tháng qua vẫn đạt thấp so với cùng kỳ, trong khi mục tiêu của Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 là phải giải ngân đạt tối thiểu 95% kế hoạch vốn, do đó, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo quy định tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 8/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết điều chỉnh.
DƯ ĐỊA TĂNG VỐN ĐẦU TƯ CÔNG
Bên cạnh nhiệm vụ phát huy tối đa hiệu quả của vốn đầu tư công, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, việc tạo thêm nguồn lực cho đầu tư công thời gian tới rất cần thiết. Nhiều ý kiến cho rằng dư địa vay để phục vụ những công trình lớn có tính lan tỏa vẫn còn.
Bởi Quốc hội quy định mức trần nợ công hàng năm không quá 60% GDP, trần nợ Chính phủ hàng năm không quá 50% GDP. Trong khi đó, quy mô nợ công Việt Nam đến cuối năm 2023 khoảng 37% GDP, nợ Chính phủ khoảng 34% GDP và cách xa mức trần Quốc hội đề ra. Như vậy, hiện còn dư địa vay thêm 23%.
"Để tăng nguồn lực công, đầu tiên phải từ nguồn thu của ngân sách, mấu chốt là tái cấu trúc các chính sách thuế để có nguồn thu ngân sách bền vững.
Tuy nhiên, một trong những chính sách thuế hiện nay chưa đề cập đến và có lẽ chúng ta đang lãng quên là thuế tài sản, điều này làm lãng phí nguồn lực từ đất đai rất lớn".
Để khơi thông các nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, cho rằng các chính sách cần thay đổi để tạo ra cú hích. Để mở rộng dư địa, ông Cường cho rằng không nên đặt ra mục tiêu quá lớn về việc phải giảm chỉ tiêu nợ công, bởi hiện nay chỉ tiêu nợ công rất thấp, rất tốt.
“Chúng ta chỉ đặt mục tiêu khống chế an toàn nợ công, chứ không đặt ra mục tiêu nợ công thấp hàng năm, do đó, phải mở rộng dư địa này. Về chỉ tiêu bội chi ngân sách cũng không nhất thiết phải quá khống chế”, ông Cường nhấn mạnh.
GS.TS. Hoàng Văn Cường lý giải khi Quốc hội thông qua chương trình phục hồi cho phép tăng bội chi thêm 1% trong 2 năm, từ mức 3,5-3,6% lên khoảng 4-5% nhưng trên thực tế không dùng hết dư địa đó. Rõ ràng, đây không phải rào cản thời gian tới.
Từ những phân tích trên, đại diện Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng các chỉ tiêu hàng năm nên để một khoảng dao động để điều hành chính sách như bội chi từ 4-5% hoặc 3,5-4,5%, một số chỉ tiêu khác như lạm phát và tăng trưởng cũng nên đề ra theo hướng này, còn chỉ tiêu trong giai đoạn 5 năm thì cần một con số chính xác.
Bên cạnh đó, ông Cường cho rằng cần đổi mới phương thức đầu tư công. Thời gian qua, phân bổ vốn đầu tư công thay đổi rất lớn. Thời kỳ trước năm 2016, tổng vốn đầu tư công hàng năm rất thấp nhưng số lượng dự án rất nhiều trên 10.000-15.000 dự án đầu tư công. Hiện nay, số lượng dự án giảm xuống còn khoảng 5.000 mặc dù tổng mức đầu tư công tăng gấp đôi, tập trung các dự án lớn.
“Tập trung đầu tư dứt điểm các công trình mang tính chất cốt lõi, khung, tạo ra những sự thay đổi, đột phá sẽ tạo cơ hội để thu hút các nguồn đầu tư bên ngoài”, ông Cường nhấn mạnh. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc tăng nguồn lực đầu tư công không thể giải quyết tất cả, đầu tư toàn xã hội, mà chỉ chiếm khoảng 20-25%.
Về vấn đề đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư tư nhân, GS.TS. Hoàng Văn Cường khuyến nghị ba vấn đề...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 37-2024 phát hành ngày 09/09/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam