April 06, 2022 | 15:00 GMT+7

Năm thành phố lớn nghiên cứu phân vùng hạn chế xe máy, tiến tới dừng hoạt động sau năm 2030

Anh Tú -

Tiến tới hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030, 5 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP. HCM nghiên cứu xây dựng Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy, ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn...

Ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn vẫn là “vấn nạn” chưa có lời giải.
Ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn vẫn là “vấn nạn” chưa có lời giải.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 48/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025.

Để thực hiện, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, đẩy mạnh triển khai các đề án, dự án về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông.

Đồng thời, quán triệt thực hiện một số các giải pháp như cải thiện chất lượng hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải.

 

Nghị quyết 48 đề ra mục tiêu tiếp tục giảm tai nạn giao thông, phấn đấu giảm số thương vong do tai nạn giao thông mỗi năm 5-10%, hướng tới năm 2030 giảm ít nhất 50% số người bị chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ so với năm 2020. Đồng thời, áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông.

Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phương tiện, linh kiện, vật liệu và hạ tầng để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và lưu hành đối với phương tiện thân thiện với môi trường.

Tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh gắn với hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trong các đô thị lớn.

Chính phủ cũng yêu cầu triển khai Đề án đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông.

Theo đó, giao Bộ Công an đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, phòng ngừa tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông. Thí điểm và từng bước lắp đặt thiết bị giám sát hoạt động giao thông đường thủy nội địa trên các tuyến, địa bàn đường thủy trọng điểm.

Đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu: "UBND 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP. HCM nghiên cứu xây dựng Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030".

Cùng với đó, trên cơ sở thực tế của từng thành phố, rà soát, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu cho HĐND thành phố ban hành các Nghị quyết về việc ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, phấn đấu đạt chỉ tiêu tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt 30-35%.

Áp dụng công nghệ giao thông thông minh trong tổ chức, quản lý, điều hành giao thông đô thị. Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.

Tập trung các nguồn lực xử lý ngay các điểm thường xuyên ùn tắc giao thông, hạn chế phát sinh các điểm ùn tắc giao thông. Không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.

Chỉ phê duyệt đầu tư các khu chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu, quy định về bãi đỗ xe, hạ tầng giao thông và kết nối giao thông với các trục đường chính trong đô thị.

Nghiên cứu xây dựng, triển khai Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào.

 

Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/2/2019 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng.

Tai nạn giao thông hàng năm tiếp tục giảm ở cả ba chỉ số về số vụ, số người chết, số người bị thương, trong đó, năm 2019 số người chết do tai nạn giao thông là 7.624 người, năm 2020 giảm xuống còn 6.700 người và năm 2021 số người chết do tai nạn giao thông là 5.799 người, tương ứng giảm 23% so với năm 2019. 

Tuy nhiên, tai nạn giao thông dù giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, số người thương vong do tai nạn giao thông gây ra còn ở mức cao. Ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, đầu mối giao thông trọng điểm, các đô thị loại 1, đặc biệt là trên địa bản Thủ đô Hà Nội, TP.HCM tuy được kiềm chế nhưng chưa bền vững, vẫn có xu hướng lan rộng cả không gian và thời gian. Ô nhiễm môi trường từ hoạt động của phương tiện giao thông cơ giới tiếp tục gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và đời sống của nhân dân, tác động không tốt đến môi trường du lịch.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate