November 14, 2023 | 16:54 GMT+7

Nan giải bồi thường nhà ven, trên kênh rạch tại TP.HCM

Ban Mai -

Theo khảo sát, tại TP.HCM, đa số các căn nhà trên và ven kênh rạch thường không có hồ sơ pháp lý, nên khó đưa ra mức bồi thường hợp lý…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, hệ thống kênh, rạch trong phạm vi nội thành TP.HCM bao gồm 5 tuyến chính và các chi lưu, với tổng chiều dài hơn 105 km, giải quyết tiêu thoát nước lưu vực 14.200 ha. 

Tuy nhiên, lòng kênh bị thu hẹp do hộ dân lấn chiếm, với tổng căn hộ sinh sống trên và ven kênh rạch lên đến hơn 65.000 căn (thống kê từ 1993 đến nay). Giai đoạn 1993 – 2000 đã di dời được 9.266/7.000 căn; 2001 – 2005 di dời được 15.548/10.000 căn; 2006 – 2010 di dời được 7.542/15.000 căn; 2011 – 2015 di dời đuọc 3.350/14.101 căn; 2016 – 2020 di dời được 2.479/20.000 căn (đạt 12,4%). 

 CẦN XÁC ĐỊNH GIÁ BỒI THƯỜNG

Sau gần 10 năm triển khai chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016 – 2020, trong đó, vấn đề di dời nhà ven, trên kênh rạch để tạo lập không gian đô thị sạch đẹp được UBND TP.HCM chú trọng. Dù đã rất nỗ lực nhưng tiến độ di dời nhà ven kênh rạch ở thành phố còn chậm.

Đây là thông tin mà ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS), chia sẻ tại hội thảo “Vấn đề nhà ven kênh rạch trên địa bàn TP.HCM” được tổ chức vào chiều 13/11/2023.

Theo ông Bình An, TP.HCM đã có kế hoạch để di dời được 6.500 căn trong giai đoạn 2021 - 2025 kết hợp với các chương trình giải quyết ô nhiễm, chương trình nhà ở, đề án phát triển kè sông và kinh tế ven sông.

Đánh giá những khó khăn trong việc di dời nhà ven kênh rạch, TS Dư Phước Tân, Trưởng Phòng nghiên cứu quản lý đô thị, HIDS, cho biết có những khó khăn trong khâu chuẩn bị phương án giải tỏa, tái định cư vì số liệu chưa đầy đủ, trình tự thẩm định, công bố giá nhà tái định cư chậm. Công tác cưỡng chế thu hồi sau khi giao nhà giải tỏa trên và ven kênh rạch đôi lúc rất khó thực hiện.

Vấn đề quan trọng là giá bồi thường. Theo quy định mới đây, giá bồi thường phải tiếp cận giá thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế rất khó xác định giá bồi thường sát với giá thị trường.

“Trong quá trình triển khai trước đây, đơn cử như đường Bến Vân Đồn có khung giá bồi thường quy định do Nhà nước ban hành là 65 triệu đồng/m2, trong khi giá thị trường lên đến 100 triệu đồng/m2”, ông Tân dẫn chứng.

Các diễn giả, chuyên gia tham dự hội thảo chiều 13/11/2023 tại HIDS - Ảnh: PA.
Các diễn giả, chuyên gia tham dự hội thảo chiều 13/11/2023 tại HIDS - Ảnh: PA.

Một khó khăn nữa được ông Vương Quốc Trung, Trung tâm nghiên cứu đô thị và phát triển, nêu lên đó là sự hợp tác của các hộ dân giải tỏa di dời của những hộ dân chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý nhà đất.

Qua khảo sát cho thấy, đa số các hộ dân xây dựng, chuyển nhượng nhà, lấn chiếm bất hợp pháp trên và ven kênh rạch nên thường không có hồ sơ pháp lý. Do đó, không được bồi thường theo chính sách của Nhà nước, mà chỉ được nhận một phần hỗ trợ của thành phố.

CẦN GIẢI PHÁP CỤ THỂ, TRÁCH NHIỆM CHUNG

Đề xuất phương án tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác di dời nhà ven kênh rạch, ông Vương Quốc Trung cho rằng, việc sử dụng vốn đầu tư các dự án di dời nhà ven kênh chủ yếu bằng ngân sách nhà nước, nên gặp không ít khó khăn trong bối cảnh điều tiết ngân sách chung và hạn chế từ nguồn vốn vay ưu đãi.

Tiếp đến là khó khăn trong việc xác định khu vực tái định cư cho người dân, việc tìm kiếm vị trí thích hợp để di dời các hộ gia đình là một trong những thách thức lớn. Đô thị đã quá phát triển, không còn nhiều không gian trống để xây dựng khu dân cư mới, đặc biệt là vùng gần khu trung tâm. 

Theo đó, ông Trung đề xuất TP.HCM có thể vận dụng cơ chế trong Nghị quyết 98 để thực hiện một trong nhiều phương án nhằm triển khai hiệu quả việc di dời nhà trên và ven kênh rạch.

“HĐND TP.HCM có thể sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những người dân sống ven kênh rạch. Đồng thời, các quỹ đất sau khi thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng được bán đấu giá để hoàn trả ngân sách thành phố", ông Trung gợi ý.

Đồng quan điểm, TS Dư Phước Tân, cho rằng hiện TP.HCM đã được Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15  về “Thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM”, trong đó có một số điều khoản trong Nghị quyết 98 có thể vận dụng tạo nguồn kinh phí đầu tư dự án giải tỏa di dời nhà ở trên và ven kênh rạch trên địa bàn TP.HCM.

Cụ thể, thứ nhất, trong quy định về quản lý đầu tư, Hội đồng nhân dân TP.HCM có thể sử dụng ngân sách để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án chỉnh trang, phát triển đô thị.

Hai là, trong quy định về tài chính và ngân sách nhà nước, ngân sách TP.HCM được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí quy định. Đây là khoản có thể sử dụng đầu tư cho công tác giải tỏa di dời cải tạo nhà trên và ven kênh rạch.

Góp ý từ thực tế mà quận 7 (TP.HCM) đã gặp phải trong công tác di dời nhà ven kênh rạch, ông Lê Văn Thành, Phó chủ tịch UBND quận 7 đề xuất nên xây dựng quỹ nhà tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong dự án, và xây dựng chương trình, kế hoạch đáp ứng yêu cầu di dời của các hộ dân.

"Cần chú trọng ổn định cuộc sống người dân, đảm bảo nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu giải pháp bán nhà ở xã hội, cho thuê mua đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện tái định cư, các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo trong dự án", ông Thành nói.

TS, Kiến trúc sư Nguyễn Thiểm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP.HCM: "TP.HCM chưa huy động được sức của doanh nghiệp vào việc cải tạo kênh rạch, bởi nhiều quy định đang gây khó khăn..." - Ảnh: PA.
TS, Kiến trúc sư Nguyễn Thiểm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP.HCM: "TP.HCM chưa huy động được sức của doanh nghiệp vào việc cải tạo kênh rạch, bởi nhiều quy định đang gây khó khăn..." - Ảnh: PA.

Theo TS, Kiến trúc sư Nguyễn Thiểm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP.HCM, trong di dời các hộ dân ven kênh rạch cần phải có một cái nhìn tổng quan, trong đó, có đóng góp của doanh nghiệp. Cụ thể là nhiều dự án kênh rạch ở quận 7, quận 8, huyện Nhà Bè… giờ đang trở nên sạch, đẹp vì có sự góp sức của doanh nghiệp.

Hiện nay, TP.HCM chưa huy động được sức của doanh nghiệp vào việc cải tạo kênh rạch, bởi nhiều quy định đang gây khó khăn, thậm chí Quyết định 22 năm 2017 quy định về quản lý, sử dụng hàng lang trên bờ sông, suối, kênh rạch và hồ công cộng do UBND TP.HCM ban hành được xem là một bước lùi khi hạn chế khả năng khai thác mặt sông, khai thác cảnh quan trên sông. Quy hoạch tổng thể của TP.HCM năm 2013 cũng khiến doanh nghiệp không dám mạnh dạn đầu tư dự án ven sông.

“Hãy tư duy bằng cách: Chúng ta cùng hưởng lợi, chúng ta cùng trách nhiệm, chúng ta cùng có lợi thì mới giải quyết được vấn đề. Còn chúng ta chỉ nhìn một phía Nhà nước có lợi mà không nhìn thấy cái lợi của nhà đầu tư thì chúng ta thua, bởi sẽ chẳng có nhà đầu tư nào vào cả trong bối cảnh bị gây khó khăn về mặt pháp lý”, ông Thiểm nêu ý kiến.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate