November 14, 2010 | 11:02 GMT+7

Nạn nhân mua bán người sẽ được hỗ trợ và bảo vệ như thế nào?

Nguyễn Lê

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng những quy định về hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân mua bán người thiếu khả thi

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền: "Theo quy định tại dự luật thì nạn nhân được bảo vệ còn hơn cả Tổng thống Mỹ”
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền: "Theo quy định tại dự luật thì nạn nhân được bảo vệ còn hơn cả Tổng thống Mỹ”
Tán thành cao sự cần thiết ban hành Luật Phòng chống mua bán người, song thảo luận tại hội trường chiều 13/11, nhiều đại biểu cho rằng những quy định về hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân chưa khả thi.

Theo đại biểu Nguyễn Đình Quyền với “quy định tại dự luật thì nạn nhân được bảo vệ còn hơn cả Tổng thống Mỹ”. Rất khó để có thể thực hiện việc bố trí lực lượng tại nơi ở, nơi làm việc, học tập, tại phiên tòa cho nạn nhân và người nhà của bệnh nhân, đại biểu Quyền nói.

Đại biểu Danh Út liệt kê đầy đủ 14 nội dung được hỗ trợ tại dự luật. Trong đó có bố trí chỗ ở tạm thời, hỗ trợ về ăn, ở, mặc tại cơ sở; tiền xe về nơi cư trú; hỗ trợ học văn hóa, miễn phí được mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập trong năm học đầu tiên; khi về địa phương được hỗ trợ học nghề; được trợ cấp khó khăn ban đầu; được vay vốn để sản xuất kinh doanh tại Ngân hàng chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo và các quỹ khác…

Cho rằng quy định chế độ hỗ trợ nạn nhân như vậy là quá rộng, vị đại biểu này lo ngại “không khéo các chế độ này sẽ khuyến khích tạo cho một bộ phận người lợi dụng, giả mạo làm nạn nhân để hưởng chính sách”.

Hơn nữa, không phải nạn nhân nào cũng là đối tượng nghèo, có hoàn cảnh khó khăn mà có nạn nhân là đối tượng gia đình khá giả. Nên quy định trong luật là chính sách bình quân và chưa phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của nước ta, đại biểu Út nói.

Nhiều ý kiến khác cũng tán thành hỗ trợ về chi phí đi lại, về y tế, về tâm lý… và không quy định hỗ trợ về trợ giúp pháp lý, học văn hóa, vay vốn vì đã có quy định chung.

Một nội dung khác tại dự luật cũng được tập trung thảo luận là phòng ngừa mua bán người. Theo đại biểu Nguyễn Hữu Trí, dự thảo chưa quy định cụ thể cơ quan, tổ chức nào có trách nhiệm chính trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp nếu trong dự thảo. Nhất là ở các lĩnh vực dễ bị lợi dụng để mua bán người như kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, cho, nhận con nuôi, đưa người Việt Nam lao động ra nước ngoài…

Liên quan đến vấn đề ngân sách, nhiều đại biểu đề nghị không nên mỗi một luật chuyên ngành lại quy định những vấn đề ngân sách. Bởi bất kỳ hoạt động nào của Nhà nước đều được ngân sách bố trí để thực hiện theo quy định của luật.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate