Bối cảnh thế giới hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, bên cạnh các ảnh hưởng hậu Covid-19, từ đầu năm 2022, lạm phát thế giới tăng nhanh, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, thị trường biến động, giá cả hàng hóa leo thang, xung đột chiến tranh ở Ukraine… đã tác động sâu sắc đến nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô tại nhiều quốc gia và cuộc sống của người dân.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương (NHTW) các nước như Mỹ, Anh, EU... ưu tiên tập trung vào việc kiểm soát lạm phát với các động thái như thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát…
ÁP LỰC LẠM PHÁT - THÁCH THỨC LỚN TRONG ĐIỀU HÀNH CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ
Theo ông John Andre, chuyên gia nghiên cứu, giảng viên cao cấp tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và một số trường Đại học tại Việt Nam, có 5 công cụ để kiểm soát lạm phát, đó là: chính sách tiền tệ, kiểm soát nguồn cung tiền, các chính sách trọng cung nhằm tăng sức cạnh tranh, hiệu quả của nền kinh tế, chính sách tài khóa, và kiểm soát tiền lương/giá cả.
“Điều hành chính sách tiền tệ là vấn đề phức tạp ở mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam, hiệu quả chỉ có thể có được sau khoảng 6 tháng, cần sự phối hợp đan xen chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, chính sách đầu tư, chính sách thương mại và chính sách tái cấu trúc nền kinh tế”.
Ông John Andre.
Tại Việt Nam, trước bối cảnh thế giới rất khó khăn, phức tạp, sức ép lên điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng tại Việt Nam rất lớn trong việc điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng… để đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, ông John Andre đánh giá, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng linh hoạt với nhiều giải pháp góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, mang lại lợi ích cho người dân.
Cụ thể, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt với những phản ứng nhanh, vượt trội ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát như: 3 lần liên tiếp giảm các mức lãi suất điều hành, là một trong các nước có mức giảm mạnh trong khu vực (-2%/năm); triển khai các giải pháp tín dụng để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ; tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; triển khai các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán trực tuyến; triển khai các giải pháp chính sách tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội…
TÍN DỤNG TĂNG NHANH, GIA TĂNG NGUY CƠ RỦI RO LẠM PHÁT
Hiện nay, tín dụng ngân hàng vẫn là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế. Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng tăng. Theo đánh giá của WB, tỷ lệ này của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới (đến cuối năm 2021 tỷ lệ này là 124%). Ngày 6/9/2022 mới đây, Moody’s mặc dù nâng mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2 nhưng vẫn tiếp tục cảnh báo tỷ lệ tín dụng trong nước/GDP và tỷ lệ tổng tài sản của ngân hàng trong nước/GDP là một trong những tỷ lệ cao nhất trong số quốc gia xếp hạng Ba và Baa.
Bởi vậy, theo các chuyên gia, nếu cho phép tín dụng tăng trưởng quá nhanh, có thể gia tăng nguy cơ rủi ro lạm phát, gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Hệ lụy là cuộc đua lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng để có nguồn vốn cho vay, dẫn đến lãi suất cho vay tăng tương ứng và nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng cao, từ đó gây bất ổn vĩ mô, lạm phát tăng cao, đe dọa sự an toàn của hệ thống tài chính.
Chia sẻ quan điểm về việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng, ông John Andre cho rằng: “Một trong những mục đích của việc kiểm soát tín dụng là nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng. Tôi cho rằng điều quan trọng là phải nhớ lại lịch sử trên thế giới và nhìn vào những gì các ngân hàng đã làm khi họ không có biện pháp kiểm soát phù hợp. Chúng ta có thể nhìn lại những năm 2007-2008, thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, khi mà các ngân hàng thực sự gây tổn hại không chỉ cho xã hội và người dân trong xã hội mà còn làm tổn thương cho chính họ. Do đó, tôi cho rằng việc các ngân hàng trung ương kiểm soát tín dụng tại các tổ chức tín dụng là hợp lý”.