Ngày 09/11/2021, Tổng cục Phòng, chống thiên tai tổ chức Hội nghị "Tuyên truyền phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều” cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 700 huyện.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, Luật Phòng, chống thiên tai được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 19/6/2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2014. Luật Đê điều được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007.
Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều và các văn bản hướng dẫn các Luật này đã tạo hành lang pháp lý trong công tác phòng chống thiên tai, công tác quản lý đê điều, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương.
Tuy nhiên, sau 13 năm thi hành Luật đê điều và 6 năm thi hành Luật Phòng chống thiên tai đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc lớn, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình hiện nay.
Ngày 17/6/2020, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật đê điều.
Thực hiện Quyết định số 1109/QĐ-TTg ngày 24/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, Nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã tiến hành xây dựng 2 Nghị định, 2 Quyết định và 3 Thông tư nhằm thực thi các Luật nêu trên.
Cụ thể, Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều (Thay thế Nghị định 160), được Thủ tướng ký ban hành ngày 6/7/2021.
Nghị định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai (thay thế Nghị định 94 và Nghị định 83) mới được Thủ tướng ký ban hành ngày 1/8/2021.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về bảo đảm thoát lũ, thông thoáng dòng chảy, an toàn đê điều đối với việc xây dựng cầu qua sông có đê, mới được ký và ban hành ngày 26/5/2021.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và quy định việc quản lý, sử dụng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai, mới được ký và ban hành ngày 3/6/2021.
Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện việc chấp thuận, thẩm định các hoạt động liên quan đến đê điều mới được ký và ban hành ngày 28/6/2021.
Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương, đã được ký ban hành ngày 7/6/2021.
Ngoài ra, ngày 27/10/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký ban hành Thông tư quy định bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành, sử dụng các khu khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên thiên nhiên khác, đô thị, du lịch, công nghiệp, di tích lịch sử; điểm du lịch; điểm dân cư nông thôn; công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực, viễn thông và hạ tầng kỹ thuật khác.
Hội nghị cũng đã giới thiệu về những nội dung lớn, trọng tâm của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều và 7 văn bản quy định chi tiết một cách hệ thống, đồng thời hướng dẫn, giải đáp được một số vướng mắc, khó khăn của các địa phương khi triển khai thi hành Luật trong thời gian vừa qua.
Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Phòng chống thiên tai, thủy lợi và đê điều.