Sự xuất hiện của các sàn thương mại điện tử khiến câu chuyện “kinh doanh online” đã trở nên phổ biến nhiều năm gần đây. Nhất là khi mô hình bán hàng livestream bùng nổ, càng mở ra những cơ hội kinh doanh lớn cho cả các công ty lẫn những cá nhân kinh doanh, nhờ khả năng tiếp cận đến khách hàng một cách dễ dàng chưa từng thấy.
Hiệu quả kinh doanh cũng vì thế mà vượt xa phương thức bán hàng truyền thống. Dĩ nhiên, không một ai muốn bỏ lỡ miếng bánh này. Thế nhưng, có người "chọn ăn rồi sẽ trả tiền, số khác lại coi là miễn phí".
LÁCH LUẬT BẰNG ZALO
Thông thường, với mỗi đơn hàng thành công trên các sàn thương mại điện tử như TikTok Shop, người bán sẽ phải trích khoảng 15% giá trị đơn hàng để trả các khoản phí liên quan, bao gồm phí sử dụng nền tảng, phí vận chuyển, và các chương trình khuyến mãi do sàn triển khai.
Tuy nhiên, không phải người bán nào cũng sẵn lòng tuân thủ những quy định. Có lẽ, chính vì vậy, cụm từ “Zép lào” – cách nói lái của Zalo đã ra đời, trở thành công cụ “lách luật” quen thuộc của một bộ phận người bán trên các sàn thương mại điện tử.
Sản phẩm được chào bán, tư vấn liên tục trên các phiên livestream, nhưng không một giỏ hàng được gắn trực tiếp. Thay vào đó, người mua nếu có nhu cầu sẽ được người bán yêu cầu liên hệ qua Zalo, thường được gọi vui là “Zép lào” – để tránh vi phạm quy định của các sàn thương mại điện tử.
Hình thức bán hàng này không hề hiếm và người dùng cũng chẳng còn xa lạ với cách mua. Lướt một vòng livestream bán hàng trên TikTok, quá nửa người bán đều nhiệt tình tư vấn sản phẩm nhưng không nhằm mục đích chốt đơn ngay trên sàn. Thay vào đó, họ khéo léo điều hướng khách hàng chuyển sang ứng dụng Zalo để hoàn tất giao dịch.
Ban đầu, bán hàng online được xem như mô hình kinh doanh giúp tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng truyền thống, nhưng nay, nhiều người còn tìm thêm cả cách để né phí “mặt bằng online”.
MỘT VỐN BỐN LỜI
Vậy làm thế nào người mua có thể liên hệ với người bán qua Zalo trong khi TikTok nghiêm cấm công khai số điện thoại dưới bất kỳ hình thức nào?
Giống như “Zép lào”, người bán sẽ ghim số điện thoại trên màn hình suốt buổi livestream nhưng không viết đơn thuần bằng các số mà sử dụng các ký tự xen kẽ, vừa giúp khách hàng dễ dàng hiểu và liên hệ, lại vừa không bị hệ thống phát hiện là vi phạm gây giảm tương tác.
Như vậy, bằng cách livestream trên TikTok nhưng chốt đơn hàng trên Zalo, người bán vừa có thể tiếp cận đông đảo khách hàng, vừa giúp bài toán kinh doanh được tối ưu hoá, bằng cách giảm phí giao dịch, phí không gian sàn thương mại điện tử, thậm chí là nghĩa vụ thuế. Số bị trừ càng nhỏ, hiệu càng cao - lợi nhuận càng lớn.
Bên cạnh mục đích trốn phí kinh doanh, thông qua giao dịch trên Zalo, người bán cũng có thể duy trì liên lạc lâu dài với khách hàng, né tránh các quy định khắt khe của các sàn thương mại điện tử, đồng thời dễ dàng quản lý dữ liệu khách hàng mà không phụ thuộc vào bên thứ ba – điều mà các sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội livestream thường kiểm soát chặt chẽ.
Rõ ràng, nếu còn để tiếp diễn, điều này đang và sẽ còn gây thất thu nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước, làm méo mó thị trường, gây bất lợi cho các doanh nghiệp hoạt động minh bạch, tuân thủ quy định. Nhưng, trên thực tế, đây cũng chỉ là một trong vô số chiêu trò lách luật, trốn thuế đang tồn tại trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam.
Mặc dù còn tồn tại nhiều vi phạm, thế nhưng, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam trong năm qua vẫn ghi nhận nhiều kết quả ấn tượng. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), tỷ trọng thương mại điện tử năm 2024 chiếm đến 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử, kinh tế số Việt Nam trong năm 2024 tiếp tục tăng trưởng hai con số vững chắc.
Khi các biện pháp ngăn chặn thất thu thuế được đẩy mạnh hơn nữa, đồng thời hoàn thiện chính sách quản lý kinh doanh một cách chặt chẽ để tạo ra môi trường minh bạch và công bằng, thương mại điện tử chắc chắn sẽ còn nhiều cơ hội để bứt phá, tạo ra những động lực tăng trưởng mới cho kinh tế Việt Nam.