Ý tưởng trên được đưa ra tại hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển giao thông xanh huyện Cần Giờ”, đề án nhánh thuộc đề án khoa học “Kiểm soát khí thải phương tiện giao thông tại TP.HCM đến 2030, tầm nhìn đến 2050”, do Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS) phối hợp với Trường Đại học Việt Đức tổ chức mới đây.
Thuật ngữ “Kinh tế xanh” và “Chuyển đổi xanh” đã được thảo luận và đưa vào như là đột phá quan trọng của TP.HCM trong thời gian tới và từng được lãnh đạo thành phố nhiều lần đề cập về định hướng phát triển quan trọng nhất của TP.HCM trong những năm tới là “xanh” và “số”.
TS.Trương Minh Huy Vũ, phó Viện trưởng HIDS cho biết, "xanh" đã được định hướng, nhưng việc này không phải chỉ trên lý thuyết mà phải được thể hiện bằng nhiều hình thức như chương trình, đề án, quan điểm, chính sách... Nghị quyết 98 đã cho TP.HCM rất nhiều công cụ để thúc đẩy chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, trong đó, có thúc đẩy nhà máy điện đốt rác, giảm khí thải. “Cần Giờ xanh tức là Cần Giờ phải tiên phong thí điểm các chính sách về chuyển đổi xanh, kinh tế xanh”, ông nhấn mạnh.
Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Việt Đức (VGU), do PGS.TS. Vũ Anh Tuấn dẫn dắt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông vận tải Việt Đức trực thuộc VGU, cho biết như sau: “Cần Giờ là nơi xanh nhất, cũng đồng thời là nơi ít phát thải nhất của TP.HCM. Việc chọn Cần Giờ làm đề án thí điểm có hai lý do. Thứ nhất, huyện này là mặt tiền của TP.HCM về hướng biển và TP.HCM đã có chiến lược về phát triển kinh tế biển và kinh tế xanh Cần Giờ. Phát triển giao thông xanh là một trong những cái hoạt động để hiện thực hóa về mục tiêu kinh tế xanh, kinh tế biển. Thứ hai, giao thông của huyện Cần Giờ ít phức tạp, do đó, việc tổ chức thí điểm cũng nhanh, thuận lợi và dễ thành công hơn.
Nhóm nghiên cứu đến từ VGU đưa ra ba kịch bản chuyển đổi phương tiện giao thông xanh cho người dân và du khách ở huyện Cần Giờ. Đó là: Khuyến khích hộ gia đình chuyển đổi xe máy dùng xăng sang xe điện; chuyển đổi sang phương thức đi lại xanh, bền vững cho hộ gia đình; chuyển đổi sang phương thức đi lại xanh, bền vững cho khách du lịch.
Các giải pháp để thực hiện bao gồm khuyến khích chuyển đổi phương tiện xe máy dùng xăng sang xe điện cho người dân và hộ gia đình; phân vùng hoạt động kiểm soát lưu thông đối với xe máy xăng có tiêu chuẩn khí thải thấp; cải thiện hạ tầng và dịch vụ giao thông công cộng; phát triển giao thông phi cơ giới, hạ tầng đỗ xe trung chuyển thúc đẩy sử dụng giao thông công cộng; phát triển hệ thống trạm sạc, cung cấp năng lượng cho xe điện...
Theo tính toán của các chuyên gia từ VGU, sau khi thực hiện các giải pháp, tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng ước tính tăng từ khoảng 10% như hiện nay lên khoảng 30 - 40%. Đặc biệt, ước tính lượng phát thải ô nhiễm không khí từ hoạt động giao thông sẽ giảm xuống từ 9.637,2 tấn/năm xuống còn 4.828,8 tấn/năm. Ngoài ra, các giải pháp cung cấp dịch vụ xe buýt du lịch tiềm năng sẽ thu hút nhiều khách du lịch đến Cần Giờ, góp phần phát triển du lịch và kinh tế địa phương.
Cần Giờ có đặc điểm khí hậu, dân cư đặc biệt nên các chuyên gia cho rằng để phát triển Cần Giờ xanh, giao thông xanh, tăng cường giao thông công cộng thì cần tính toán thêm để đề án “Phát triển giao thông xanh huyện Cần Giờ” được toàn diện, đầy đủ. Mặt khác, tình trạng sử dụng nhiều xe điện sẽ khiến tiền điện các hộ gia đình sẽ tăng cao do chỉ số tiêu thụ điện sẽ “nhảy bậc”, ảnh hưởng đến kinh tế, cuộc sống của người dân.
Một nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ sở hữu xe máy tại Cần Giờ hiện chiếm đa số, 600 xe/1.000 dân, chủ yếu là người lao động và học sinh cấp III. Tỷ lệ thành phần xe máy cũng được phân thành nhóm, như sử dụng trên 10 năm chiếm 18%, từ 6 - 10 năm chiếm 39%, tính ra tỷ lệ sử dụng trung bình 5 năm vào khoảng 60%.
Về hỗ trợ chuyển đổi sang xe điện cá nhân, nhóm nghiên cứu của VGU đã nêu ra ba mức độ ưu đãi: Mức hỗ trợ thấp có phí cấp biển là 2 triệu đồng, mức trung bình là 1 triệu đồng và hỗ trợ cao nhất là miễn phí. Với lãi vay ngân hàng, mức ưu đãi thấp nhất từ 10 - 14%, mức trung bình từ 6 - 10% và mức cao từ 5 - 8%.
Ngoài các giải pháp khuyến khích chuyển đổi và hỗ trợ kinh phí thực hiện chuyển đổi xe xăng sang xe điện, các chuyên gia của HIDS và VGU đã khuyến cáo việc cần bổ sung hoàn thiện, hình thành một số tuyến giao thông đường bộ, tuyến trục kết nối.
Vì đề án phát triển giao thông xanh huyện Cần Giờ chỉ đề cập đến phát triển buýt điện, moto điện nên các chuyên gia đã nêu ý tưởng kết hợp du lịch, phát triển đường sắt nhẹ từ trung tâm TP.HCM nối ra Cần Giờ. TS. Trịnh Văn Chính, giảng viên trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng đường sắt tại Cần Giờ đến nay vẫn chưa được chú trọng, trong khi metro thì thực tế chưa có. Do vậy, việc nghiên cứu phát triển tuyến đường sắt nhẹ LRT nối trung tâm thành phố đi Cần Giờ là rất cần thiết. Ngoài ra, cũng cần khuyến khích các nhà đầu tư đến Cần Giờ theo hướng này.
Trước đó, vào giữa tháng 12/2023, tại Hội nghị báo cáo lần 3 lấy ý kiến chuyên gia góp ý về đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060, do Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM tổ chức, TP.HCM đề xuất bổ sung vào quy hoạch tuyến đường ven sông chạy dọc từ Củ Chi đến cầu Cần Giờ (huyện Nhà Bè) dài gần 70 km với 4 làn xe nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, khai thác quỹ đất tạo nguồn thu.