December 08, 2023 | 19:05 GMT+7

TP.HCM kêu gọi đầu tư 41 dự án theo phương thức PPP

Thanh Thủy -

Trong 41 dự án được UBND TP.HCM kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP, dự án có tổng mức đầu tư cao nhất lên đến 7.000 tỷ đồng. Đa phần các dự án thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục – đào tạo, thể thao và văn hoá…

TP.HCM kêu gọi đầu tư 41 dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo và thể thao, văn hoá - Ảnh minh hoạ
TP.HCM kêu gọi đầu tư 41 dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo và thể thao, văn hoá - Ảnh minh hoạ

Tại kỳ họp thứ 13 HĐND TP.HCM khóa X, UBND thành phố trình danh mục 41 dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa.

Theo danh mục đề xuất của UBND thành phố, trong tổng số 41 dự án, có 12 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, 6 dự án y tế và 23 dự án thể thao và văn hóa.

Đáng chú ý, theo danh mục kêu gọi đầu tư, có rất nhiều dự án trong lĩnh vực y tế và thể thao có tổng mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất là xây dựng mới sân vận động với sức chứa 50.000 chỗ ngồi có mái che và đường chạy điền kinh với tổng mức đầu tư là 7.000 tỷ đồng.

Tiếp theo là dự án xây dựng mới nhà đua xe đạp lòng chảo tích hợp đường đua xe mô tô kết hợp sân bóng đá ngoài trời, tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng.

Một số dự án khác có tổng mức đầu tư khá lớn như: Xây dựng mới học viện bóng đá và cụm 6 sân tập bóng đá ngoài trời với số vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng; xây dựng mới nhà thi đấu quần vượt và cụm sân quần vợt ngoài trời tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng; xây dựng mới cụm hồ bơi thi đấu và tập luyện tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực y tế, trong tổng số 6 dự án thì có 5 dự án tổng mức đầu tư đều vượt 1.000 tỷ đồng như Khu khám điều trị dịch vụ (khu 2) Bệnh viện Nguyễn Tri Phương với tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng; xây dựng Bệnh viện đột quỵ TP.HCM tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng…

Theo UBND TP.HCM, 41 dự án được đề xuất mời gọi đầu tư là những dự án đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như có tính khả thi, sự phù hợp với quy định pháp luật về PPP, có chọn lọc, không trùng lặp với dự án PPP đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định phê duyệt dự án.

Mặc dù là đầu tư theo theo hình thức đối tác công - tư nhưng 41 dự án được đề xuất không có vốn nhà nước tham gia vào các dự án này.

UBND TP.HCM cho biết việc thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài Nhà nước sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách thành phố nhất là trong điều kiện nguồn ngân sách thành phố còn hạn chế để thực hiện các dự án đầu tư công vì giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư công trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo chỉ chiếm 7,17%; y tế 8,61%; thể thao văn hóa 2,28%.

Tại kỳ họp, UBND TP.HCM cũng trình HĐND thành phố kế hoạch đầu tư công năm 2024. Theo đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho TP.HCM dự kiến là 3.686,56 tỷ đồng. Trong đó, 2.545,89 tỷ đồng vốn trong nước và 1.140,67 tỷ đồng vốn nước ngoài.

UBND TP.HCM đề xuất phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương bố trí cho các dự án như: Dự án xây dựng nút giao An Phú 500 tỷ đồng; dự án thành phần 1 thuộc dự án đường Vành đai 3 số vốn 500 tỷ đồng; xây dựng, mở rộng quốc lộ 50 huyện Bình Chánh 45,89 tỷ đồng; dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước lên 1.500 tỷ đồng…

Tổng số ngân sách địa phương của TP.HCM được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo dự kiến hơn 75.577,216 tỷ đồng. UBND thành phố đề xuất phân bổ cho các chương trình, dự án, đối tượng đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 74.282,709 tỷ đồng.

Trong đó, bố trí vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài là 1.227,941 tỷ đồng; bố trí vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP và dự án phục vụ dự án PPP là 6.814,845 tỷ đồng; bố trí vốn cho các dự án đã được phê duyệt quyết định đầu tư sử dụng vốn ngân sách thành phố là 58.431,684 tỷ đồng.

Đồng thời, phân bổ dự toán chi đầu tư phát triển cho kế hoạch đầu tư công của các huyện và thành phố Thủ Đức từ nguồn vốn ngân sách thành phố là 1.294,507 tỷ đồng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate