Dòng tiền của nhà đầu tư trong nước co hẹp nghiêm trọng, nhưng may mắn vốn ngoại lại tăng giải ngân. Dù vậy sự suy yếu của dòng vốn trong nước vẫn là quá rõ, không thể nào nâng đỡ giá trên bình diện chung. Cổ phiếu blue-chips được mua đỡ tốt hơn từ khối ngoại, duy trì độ rộng tốt, đẩy VN-Index tăng 1,62 điểm, dù số mã giảm giá nhiều gấp 3 lần số tăng.
Mức tăng này là quá nhỏ so với mức giảm 35,21 điểm của chỉ số này hôm qua. Tuy vậy “lẽ ra” hôm nay đã là một phiên giảm tiếp nếu như không có các cổ phiếu vốn hóa lớn “gồng” điểm số thành công.
VCB tăng 1,68%, MWG tăng 5,94%, VIC tăng 1,09%, MSN tăng 1,58%, VRE tăng 3,04% là 5 “đầu kéo” khỏe nhất của VN-Index. Thực ra độ rộng của VN30 tới 16 mã tăng/12 mã giảm thì lực đẩy tổng hợp của nhóm blue-chips là khá tốt. Nhóm giảm của VN30 không có mã nào vốn hóa quá lớn. Ảnh hưởng của HDB giảm 3,42%, GVR giảm 1,93%, VNM giảm 0,65%... là hạn chế.
Trụ VCB đóng vai trò quyết định về điểm số trong phiên hôm nay vì chỉ riêng mã này tăng đã đem lại cho VN-Index tới 1,84 điểm, trong khi tổng điểm tăng là 1,62. Điều đó nghĩa là chỉ cần VCB tăng, toàn bộ các cổ phiếu còn lại trên sàn HoSE bù trừ cho nhau hết thì cũng vẫn đủ để tạo màu xanh cho chỉ số. VCB hôm nay tăng sớm và phần lớn thời gian là giữ ổn định. VIC cũng hầu như duy trì độ cao cả ngày và ít đột biến. Điều này lý giải biên độ dao động khá hẹp của chỉ số trong phiên.
Đột biến mạnh bất ngờ hôm nay chỉ có MWG và cũng chỉ xuất hiện ở đợt ATC. Cho đến cuối đợt khớp lệnh liên tục MWG vẫn còn giảm 1,27% so với tham chiếu, nhưng đột nhiên lực cầu mạnh với trên 3,18 triệu cổ đổ ào vào mua đợt đóng cửa, kéo vọt giá tăng 5,94% so với tham chiếu. MWG từ chỗ là cổ phiếu “vô danh” nổi lên thành một trong năm trụ đầu tàu của VN-Index. Thực ra MWG cũng khác so với những trụ như VCB, vì vẫn đang trong xu hướng tăng ngắn hạn và có độ trễ. Mã này chỉ mới tăng tốt từ 16/1 và tính đến hôm qua biên độ tăng khoảng 12,4%. Nhờ cú nhảy ATC hôm nay, nhịp tăng ngắn hạn vọt lên trên 19%. Giá MWG cũng được kéo vượt đỉnh tháng 12 năm ngoái.
Thị trường chiều nay giao dịch rất chán nản vì dòng tiền quá kém. HoSE và HNX chỉ giao dịch thêm được 5.483 tỷ đồng, giảm 3% so với phiên sáng. Đây là mức thanh khoản quá kém khiến cả ngày, giá trị khớp lệnh hai sàn giảm tới 39% so với hôm qua, chỉ đạt 11.106 tỷ đồng. HoSE ngay cả khi tính chung thỏa thuận, tổng giá trị cũng chỉ là gần 11.053 tỷ đồng, giảm 37% so với hôm qua.
Khối ngoại lại là điểm sáng khi tung 1.694,1 tỷ đồng mua vào trên HoSE, tương đương chiếm trên 15% thị phần. Quy mô mua ròng đạt 431,6 tỷ đồng. Riêng với VN30, khối ngoại mua vào chiếm tới 31,7% giao dịch và mức mua ròng là 305,9 tỷ đồng.
Có khá nhiều cổ phiếu tăng giá trong nhóm VN30 hôm nay có dấu ấn của dòng vốn ngoại. HPG được mua ròng 136,2 tỷ đồng với 32% thanh khoản thuộc về bên mua của tài khoản ngoại. STB được mua ròng xấp xỉ 100 tỷ và cầu ngoại cũng chiếm gần 32%. VIC trên 57% giao dịch là nước ngoài mua, giá trị ròng khoảng 35,3 tỷ đồng. Nhóm SSI, HCM, VND, DPM cũng được mua ròng khá mạnh dù thị phần của khối ngoại nhỏ.
Việc khối ngoại bán ròng trong phiên đầu tiên của tháng 2 đã tạo lo ngại về khả năng đảo chiều của dòng vốn này. Trong tháng 1/2023, vốn ngoại mua ròng riêng ở HoSE là 3.797 tỷ đồng, chưa kể tháng 12/2022 là 12.823 tỷ đồng và tháng 11/2022 là 15.977 tỷ đồng. Dòng vốn này mua đúng đáy thị trường và nếu lúc này chốt lời thì không chỉ tạo sức ép mạnh mà còn khiến tâm lý chung chao đảo. Vì vậy việc quay lại mua ròng hôm nay là một tín hiệu tích cực.
Hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” của thị trường đang gây thiệt hại khá lớn cho số đông nhà đầu tư, vì rất ít nhà đầu tư nhỏ lẻ cầm các mã trụ. Hôm nay HoSE tuy còn 111 mã tăng giá nhưng chỉ 44 cổ phiếu đạt biên độ tăng từ 1% trở lên. Không chỉ vậy, chỉ có 11/44 mã là đạt thanh khoản từ 10 tỷ đồng trở lên. Ngược lại số giảm có tới 180 mã bốc hơi trên 1%, trong đó chỉ cần 30 mã đạt thanh khoản từ 50 tỷ đồng trở lên cũng đã chiếm 38% tổng giao dịch của sàn. Nói cách khác, nếu nhìn từ góc độ số lượng cổ phiếu lẫn thị phần dòng tiền, rủi ro thua lỗ cho nhà đầu tư là vượt trội hoàn toàn.