Cụ thể, tại buổi tiếp, bà Josephine Choy, Phó Chủ tịch về Chính sách công khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Netflix cho biết, thực hiện Nghị định số 71/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình có hiệu lực từ 1/1/2023, Netflix đang triển khai các thủ tục cần thiết với Bộ Kế hoạch Đầu tư để thành lập pháp nhân đại diện tại Việt Nam.
Bà Josephine Choy cũng mong muốn Bộ Thông tin và Truyên thông và các Bộ liên quan ủng hộ và tạo điều kiện giúp đỡ cho Netflix hoàn thiện các thủ tục về thành lập pháp nhân đại diện tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định 71.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, cho biết Bộ sẽ hỗ trợ Netflix cũng như các doanh nghiệp nước ngoài khác trên cơ sở phù hợp và tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Ông Lâm đánh giá cao năng lực của Netflix đồng thời tin tưởng Netflix với tiềm lực về kỹ thuật, về sáng tạo nội dung khi hợp tác với các nhà sản xuất nội dung Việt Nam sẽ thúc đẩy ngành điện ảnh, nội dung số Việt Nam phát triển.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Netflix sau khi thành lập pháp nhân đại diện tại Việt Nam, khẩn trương thiết lập một nhóm làm việc chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, thường xuyên cập nhật tình hình hoạt động hiện tại và kế hoạch phát triển cho Bộ để biết, quản lý và hỗ trợ.
Trước đó, như VnEconomy đề cập và nhận định, từ ngày 21-23/3/2023, một phái đoàn kinh doanh "lớn nhất từ trước đến nay" của Mỹ gồm hơn 50 công ty sẽ sang Việt Nam để thảo luận về các cơ hội đầu tư và kinh doanh theo chương trình hằng năm do Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN tổ chức. Trong số công ty này có gã khổng lồ dịch vụ phát video trực tuyến Netflix.
Và trong chuyến sang Việt Nam lần này, việc tìm cho mình một “danh phận” có thể sẽ là nội dung quan trọng nhất đối với Công ty dịch vụ phát video trực tuyến Netflix.
Bởi, Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình được Chính phủ ban hành vào đầu tháng 10/2022 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.
Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam với loại hình dịch vụ OTT mà không có kênh, chỉ có nội dung theo yêu cầu phải được cấp giấy phép như doanh nghiệp trong nước, do đó phải làm thủ tục để hình thành pháp nhân tại Việt Nam.