November 05, 2020 | 10:25 GMT+7

"Nếu được Chính phủ hỗ trợ, doanh nghiệp tư nhân có thể phát triển Metro nhanh, hiệu quả hơn"

Lan Anh

Đại biểu Quốc hội cho rằng có thể kêu gọi tập đoàn nước ngoài, thậm chí mua lại dây chuyền công nghệ nước ngoài để trở thành chủ trong chuỗi giá trị ngành đường sắt

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại phiên thảo luận sáng 5/11 - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại phiên thảo luận sáng 5/11 - Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 5/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đồng tình với đề xuất xây dựng tuyến Metro số 5 tại Hà Nội (Văn Cao - Hòa Lạc), với mục tiêu vừa thúc đẩy phát triển đô thị vệ tinh Hòa Lạc, vừa là cơ sở thúc đẩy ngành công nghiệp đường sắt.

Nói về phát triển ngành đường sắt, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng có thể kêu gọi các tập đoàn nước ngoài, thậm chí mua lại dây chuyền công nghệ của nước ngoài để phát triển trở thành chủ trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp đường sắt trong nước.

"Cần lưu ý rằng, các tập đoàn kinh tế tư nhân, nếu được hỗ trợ của Chính phủ, có thể thực hiện mục tiêu này nhanh hơn, hiệu quả hơn nhiều so với các doanh nghiệp nhà nước", đại biểu Hoàng Văn Cường nhận định.

Chung quan điểm với đại biểu Hoàng Văn Cường, tại phiên thảo luận ngày 3/11, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cũng đưa ra kiến nghị nghiên cứu mô hình đường sắt đô thị tư nhân như thủ đô Tokyo (Nhật Bản) để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách và sự phụ thuộc vào vốn ODA. 

Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng công tác triển khai các dự án đường sắt đô thị tại cả Hà Nội và TP.HCM với vốn đầu tư hàng tỷ USD đều đang chậm tiến độ, đội vốn nhiều lần, gây bức xúc dư luận. Chẳng hạn như dự án Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM), Bến Thành - Tham Lương (TP.HCM), Nhổn - Ga Hà Nội (Hà Nội). 

"Nếu được Chính phủ hỗ trợ, doanh nghiệp tư nhân có thể xây Metro nhanh hơn" - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường phát biểu tại phiên thảo luận ngày 3/11 - Ảnh: Quochoi.vn

Do đó, đại biểu Thường đề xuất Việt Nam cần sớm yêu cầu chuyển giao và làm chủ công nghệ xây dựng đường sắt đô thị; nghiên cứu mô hình chính sách phát triển đường sắt đô thị tư nhân, để nhà đầu tư tham gia và hưởng lợi từ việc phát triển không gian đô thị, khai thác quỹ đất, khu vực nhà ga... Đại biểu cũng cho rằng cần đánh giá, rút kinh nghiệm về việc vay ODA xây dựng đường sắt đô thị, thận trọng với các điều kiện vay.

Hệ thống đường sắt của cả Hà Nội và TP.HCM đều được xác định có khoảng 8 tuyến, với TP.HCM tổng chiều dài 220 km với tổng vốn đầu tư 25 tỷ USD, còn Hà Nội 318 km với tổng mức đầu tư 30 tỷ USD.

Cả hai thành phố đều đang phát triển bùng nổ trở thành các siêu đô thị với dân số 10 triệu người, dân số tăng cơ học mỗi năm khoảng 200.000 người gây sức ép lớn lên cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông. Theo báo cáo của TP.HCM, thiệt hại mỗi năm do ùn tắc giao thông của thành phố khoảng 6 tỷ USD.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate