“Chỉ sang năm sau thôi là chúng ta đã cạn tiền và cần các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Deripaska phát biểu tại một hội nghị về kinh tế ở Siberia, Nga tuần trước, được dẫn lại bởi hãng thông tấn nhà nước TASS của Nga.
Ông Deripaska là người từng kêu gọi chấm dứt chiến tranh ở Ukraine trong những ngày đầu xung đột nổ ra vào đầu năm ngoái. Phát biểu của ông Deripaska trái ngược với đánh giá lạc quan về nền kinh tế Nga của Tổng thống Vladimir Putin vào tuần trước. Khi đó, ông Putin ca ngợi sức chống chịu của nền kinh tế trước các biện pháp trừng phạt chưa từng có của phương Tây trong một năm qua.
Theo ước tính sơ bộ của Chính phủ, sản lượng kinh tế của Nga giảm 2,1% trong năm 2022 - mức suy giảm thấp hơn đáng kể so với dự báo ban đầu của các nhà kinh tế.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, những “vết rạn” của nền kinh tế đã bắt đầu xuất hiện, với việc Nga cắt giảm sản lượng dầu từ tháng này, và các biện pháp trừng phạt của phương Tây có thể leo thang thêm nữa. Sau cùng, triển vọng kinh tế Nga sẽ phụ thuộc vào những gì xảy ra ở Ukraine.
“Các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các nước ‘thân thiện’ cũng đóng vai trò rất lớn”, ông Deripaska nói. “Việc họ có đến Nga đầu tư hay không sẽ phục thuộc vào việc Moscow có tạo được điều kiện phù hợp để khiến thị trường trở nên hấp dẫn hay không”.
Đồng quan điểm với ông Deripaska, nhà kinh tế người Nga Alexander Isakov cho rằng ở thời điểm hiện tại, lãi suất đi vay đang rất cao và số tiền tiết kiệm trong Quỹ phúc lợi quốc gia Nga sẽ cạn kiệt vào cuối năm 2024.
“Do đó, Chính phủ Nga sẽ phải tiết kiệm và cắt giảm chi tiêu”, ông Isakov nói.
Theo CNN, từ tháng 2/2022, nhằm ngăn chặn nguồn thu để tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine của Nga, các nước phương Tây đã ban hành hơn 11.300 biện pháp trừng phạt và đóng băng khoảng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối ở nước ngoài của nước này.
Trong một năm qua, Trung Quốc đã giúp Nga duy trì “huyết mạch” của nền kinh tế với việc đẩy mạnh mua năng lượng của nước này, thay thế các nhà cung cấp máy móc và kim loại cơ bản của phương Tây, đồng thời đưa ra giải pháp thay thế đồng USD trong giao dịch thanh toán.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Nga vẫn còn chặng đường gập ghềnh phía trước để bù đắp nguồn doanh thu bị mất do các biện pháp trừng phạt, đặc biệt là doanh thu từ xuất khẩu. Theo dữ liệu được công bố vào thứ Sáu tuần trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Nga của Liên minh châu Âu (EU) đã giảm khoảng 51% trong giai đoạn từ tháng 2-12/2022. Trước khi chiến tranh nổ ra, khối này là một trong những đối tác thương mại chính của Nga khi chiếm tới 38% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này trong năm 2020.
Tháng 1/2023, thu ngân sách của Chính phủ Nga đã giảm 35% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chi tiêu tăng 59%, dẫn tới thâm hụt ngân sách khoảng 1.751 tỷ Rúp (tương đương 23,3 tỷ USD). Moscow dự kiến tăng nguồn thu ngân sách với một số đề xuất như thay đổi cách đánh thuế đối với các công ty dầu mỏ và đánh thuế một lần với các nhà sản xuất hàng khóa khác.
Một số nhà kinh tế đánh giá triển vọng kinh tế Nga sẽ xấu đi, đặc biệt là khi các chi tiêu khổng lồ cho quân sự đè nặng lên nền tài chính công. Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định kể cả khi các biện pháp trừng phạt và các hạn chế bóp nghẹ doanh thu từ xuất khẩu năng lượng, kinh tế Nga có thể tăng trưởng nhẹ trong năm 2023.
Trở lại với tỷ phú Deripaska, ông làm giàu nhờ hoạt động kinh doanh nhôm trong giai đoạn hỗn loạn sau khi Liên Xô sụp đổ. Năm 2018, ông bị Mỹ áp đặt biện pháp trừng phạt và năm ngoái bị truy tố với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt này.