Nga đã đưa đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc trở thành một trong những đồng tiền chính trong dự trữ ngoại hối, giao dịch thương mại, và thậm chí một số dịch vụ ngân hàng cá nhân. Nỗ lực này diễn ra khi Nga xoay trục về phía Trung Quốc trong bối cảnh bị phương Tây áp các biện pháp trừng phạt kinh tế ngặt nghèo.
Theo tờ Financial Times, việc Nga sử dụng Nhân dân tệ ngày càng nhiều đưa nước này thành ví dụ hiếm hoi về một quốc gia dùng Nhân dân tệ thay vì đồng USD hay Euro làm đồng tiền dự trữ, đồng thời đặt ra rủi ro đối với Moscow bởi Bắc Kinh có cả một lịch sử những vụ phá giá đồng tiền đầy bất ngờ.
NHÂN DÂN TỆ NỔI LÊN TRONG MỌI GIAO DỊCH Ở NGA
Hiện tại, Trung Quốc chưa hiện thực hoá được tham vọng quốc tế hoá đồng Nhân dân tệ, nhưng sự trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã trở thành một động lực lớn thôi thúc Nga tăng cường sử dụng Nhân dân tệ. Đây là một trong số không nhiều lựa chọn đối với Nga, bởi khoảng 300 tỷ tài sản quốc tế của Nga đã bị đóng băng bởi lệnh trừng phạt, chưa kể việc các ngân hàng lớn của Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế.
Nếu không tính Hồng Kông, Nga là nền kinh tế có khối lượng giao dịch Nhân dân tệ lớn thứ tư thế giới trong tháng 2 vừa qua - theo dữ liệu từ hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Trước khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, Nga thậm chí không có tên trong top 15.
“Một năm trước, đồng Nhân dân tệ còn là một đồng tiền xa lạ, chỉ những ai giao dịch với đối tác Trung Quốc mới dùng. Bây giờ, mọi người dùng Nhân dân tệ cho tất cả các dạng giao dịch nước ngoài, ngay cả những người chẳng liên quan gì đến đối tác Trung Quốc cũng dùng”, nhà sáng lập Natlia Revenko của HELPYOU - một công ty chuyên hỗ trợ khách hàng Nga mở tài khoản ngân hàng nước ngoài - cho biết.
Sự nổi lên của giao dịch Nhân dân tệ ở Nga phản ánh sự xoay trục kinh tế của Nga về phía Trung Quốc, với kim ngạch thương mại song phương đạt kỷ lục 185 tỷ USD trong năm 2022. Các công ty Nga dùng Nhân dân tệ để thanh thoán phần lớn các giao dịch mua hàng hoá Trung Quốc, mà các giao dịch này đã tăng mạnh kể từ khi có chiến tranh.
Trước chiến tranh, hơn 60% xuất khẩu của Nga được thanh toán bằng những đồng tiền mà hiện nay đang bị Chính phủ Nga gọi là “tiền độc hại” như USD và Euro, trong khi Nhân dân tệ chỉ chiếm chưa đầy 1%. Hiện tại, các đồng tiền “độc hại” giảm tỷ trọng còn chưa đầy một nửa thanh toán cho hàng xuất khẩu của Nga, trong khi Nhân dân tệ chiếm 16% - theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga (CBR).
Tháng 3 này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có động thái mang tính chất “phê chuẩn” việc tăng cường sử dụng Nhân dân tệ trong các giao dịch quốc tế của Nga. Khi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Putin nói rằng ông ủng hộ “việc sử dụng Nhân dân tệ trong thanh toán giữa Nga và các quốc gia châu Á, châu Phi và Mỹ Latin”.
Hơn 50 ngân hàng Nga hiện đã cung cấp dịch vụ tiền gửi Nhân dân tệ, thu hút người gửi tiền bằng mức lãi suất cao hơn so với lãi suất tiền gửi USD.
Người Nga vốn quen với việc giữ tiền tiết kiệm bằng USD hoặc Euro sau khi trải qua vụ phá giá đồng Rúp đột ngột vào thập niên 1990. Nhưng Victoria Shergina, một nhà tư vấn tài chính, kể: “Khi đồng Rúp tăng giá vào mùa hè năm ngoái, mọi người đã hoảng sợ. ‘Có đúng là đồng USD và nước Mỹ đang chết hay không?’ họ hỏi - nhắc đến điều mà nhà nước tuyên truyền. ‘Liệu tôi có nên rút hết tiền tiết kiệm của mình khỏi USD luôn không?’”.
CBR đã bắt đầu cuộc chuyển đổi sang Nhân dân tệ thậm chí từ trước chiến tranh Nga-Ukraine, tăng tỷ trọng của đồng tiền này trong dự trữ ngoại hối từ 13% lên hơn 17% trong thời gian 1 năm kết thúc vào tháng 1/2022 - thời điểm CBR công bố chi tiết tỷ trọng trong dự trữ ngoại hối lần gần đây nhất. Nhiều khả năng tỷ lệ này không thay đổi, vì CBR không tăng dự trữ trong năm 2022. CBR không bán vàng mà nếu bán, số tiền thu về có thể được dùng để mua Nhân dân tệ, trong khi dự trữ Euro và USD bị đóng băng - bà Alexandra Prokopenko, một cựu cố vấn của CBR, nhận định.
Tỷ trọng Nhân dân tệ trong dự trữ ngoại hối của Nga là lớn bất thường. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chưa đầy 3% dự trữ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu là tài sản bằng Nhân dân tệ.
RỦI RO ĐỐI VỚI NGA
Giờ đây, CBR không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chiến lược này, vì khả năng tiếp cận của họ với các đồng tiền dự trữ khác đều bị hạ chế - theo bà Likka Korhonen, trưởng nghiên cứu của Bank of Finland Institute for Emerging Economies.
Chuyên gia kinh tế trưởng Natalia Lavrova của BCS Global Markets nói rằng tỷ lệ Nhân dân tệ thấp trong dự trữ ngoại hối toàn cầu xuất phát từ việc phần lớn các hàng hoá cơ bản đều được giao dịch bằng đồng USD. Những năm gần đây, Trung Quốc đã khuyến khích các đối tác thương mại của nước này tăng cường sử dụng Nhân dân tệ, nhưng việc thị trường tài chính Trung Quốc bị cho là chưa đủ minh bạch đã gây trở ngại cho sự phổ biến của Nhân dân tệ.
“Nếu Trung Quốc quyết định phá giá tiền tệ chỉ sau 1 đêm, như đã từng làm trước kia, dự trữ ngoại hối của Nga sẽ giảm sút, các giao dịch thương mại sẽ bị gián đoạn, mà Moscow chẳng thể làm được gì”.
Bà Alexandra Prokopenko, một cựu cố vấn của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR)
Nga đã đưa Nhân dân tệ vào rổ những đồng tiền được cam kết cho quỹ lợi ích quốc gia của nước này vào năm 2021 và các tài sản Nhân dân tệ hiện chiếm khoảng 30% tổng tài sản 147 tỷ USD của quỹ - theo ước tính của Financial Times dựa trên số liệu của Bộ Tài chính Nga.
Đối với người dân Nga, Nhân dân tệ hiện đang là đồng tiền được dùng nhiều nhất cho các giao dịch xuyên biên giới, vì ai cũng có thể mua Nhân dân tệ từ sàn giao dịch chính của Nga là MOEX và chuyển sang các quốc gia khác - theo nhà tư vấn Shergina. Ngược lại, “số rất ít ngân hàng Nga còn quyền tiếp cận hệ thống SWIFT đều áp ngưỡng tối thiểu 10.000 USD cho các giao dịch quốc tế và áp mức phí cao cho việc mua USD và Euro”.
“Một số người mua Nhân dân tệ và nạp tiền cho tài khoản của họ ở các công ty môi giới Mỹ, và cách này thành công”, bà Shergina cho hay.
Đồng Nhân dân tệ hiện mới chỉ chiếm 2% tiền gửi cá nhân và doanh nghiệp ở Nga, cho thấy mức độ phổ biến còn hạn chế ở mảng ngân hàng bán lẻ vì nhiều người Nga còn chưa thực sự tin tưởng vào Nhân dân tệ với tư cách một kênh lưu trữ giá trị. Dù vậy, người dân Nga đang là một trong những đối tượng tiếp cận với Nhân dân tệ trên sàn MOEX.
Hồi tháng 2, tỷ trọng sử dụng Nhân dân tệ trên sàn MOEX đạt khoảng 40% từ mức chưa đầy 1% vào đầu năm 2022 - theo số liệu của CBR. Năm ngoái, sàn MOEX thậm chí có lúc rơi vào tình trạng khan hiếm Nhân dân tệ. “Có vẻ như đó là tình trạng chỉ xảy ra một lần, khi một ai đó gom Nhân dân tệ trên thị trường để thực hiện một cuộc thanh toán lớn cho phía Trung Quốc”, bà Prokopenko nói.
Giáo sư tài chính Matteo Maggiori thuộc Trường Kinh doanh Stanford nói về bản chất không cân bằng của quan hệ tài chính Nga-Trung. “Xét tới vị thế quốc tế của Nga hiện nay, sự phụ thuộc của nước này vào Nhân dân tệ là một lựa chọn bắt buộc”, ông nói.
Và Lavrova cho rằng sự phụ thuộc này đặt ra rủi ro. “Vấn đề không nằm ở hợp tác với Trung Quốc, mà là việc Nga đã phải thay thế nhiều đối tác thương mại bằng một đối tác”, bà nói.
Bà Prokopenko cho rằng những vấn đề mà Nga gặp phải chính là “món quà lớn nhất cho Trung Quốc” xét đến mong muốn của nước này trong việc quốc tế hoá đồng tiền của mình trong giao dịch ngoại thương. Vị chuyên gia cũng nói bà không cho rằng Nga sẽ gặp khó khăn gì trong việc tiếp quản nguồn thanh khoản Nhân dân tệ. Vào tháng 8/2014, chỉ 4 tháng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea ly khai từ Ukraine, Nga đã mở một hạn ngạch hoán đổi tiền tệ với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) để có thể tăng cường thanh khoản Nhân dân tệ.
Tuy nhiên, bà Prokopenko nói rằng rủi ro chính đối với Nga nằm ở việc Bắc Kinh có thể có những động thái tiền tệ khó lường mà Moscow không thể phòng hộ trước vì quá khó dự báo. “Nếu Trung Quốc quyết định phá giá tiền tệ chỉ sau 1 đêm, như đã từng làm trước kia, dự trữ ngoại hối của Nga sẽ giảm sút, các giao dịch thương mại sẽ bị gián đoạn, mà Moscow chẳng thể làm được gì”, bà nhận định.