Theo tin từ CNBC, đường ống có tên “Power of Siberia” (tạm dịch: “Sức mạnh của Siberia”) đã bắt đầu dẫn khí tới khu vực miền Bắc Trung Quốc từ tháng 12/2019. Sau đó, đường ống tiếp tục được xây dựng để dẫn tới vùng phía Đông của Trung Quốc. Giai đoạn 2 của dự án đi vào vận hành vào tháng 12/2020. Phần phía Nam, cũng là phần cuối cùng của đường ống này, dự kiến sẽ bắt đầu dẫn khí đốt vào năm 2025.
Các công ty năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga và Tập đoàn Xăng dầu quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã xây dựng đường ống này trong khoảng 8 năm.
Đường ống dẫn khí đốt Nga-Trung bước vào giai đoạn xây dựng cuối cùng trong bối cảnh Nga đối mặt nguy cơ mất đi một phần lớn doanh thu từ việc bán khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU) – khách hàng lớn đang có kế hoạch nhằm tiến tới giảm 2/3 nhập khẩu khí đốt Nga sau khi nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine.
Về phần mình, Trung Quốc cũng đang tìm cách đa dạng hoá các nguồn cung cấp năng lượng. Cho tới nay, Bắc Kinh từ chối lên án Moscow vì mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Tuy nhiên, kết quả mà của đường ống dẫn khí Nga-Trung tính đến thời điểm này phản ánh một điều rằng đường ống chỉ là một trong nhiều lựa chọn năng lượng cho Trung Quốc.
Dù Nga được cho là đã đầu tư 55 tỷ USD vào thoả thuận đường ống với Trung Quốc, nhập khẩu khí đốt Nga của Trung Quốc qua đường ống này từ tháng 12/2019 mới đạt 3,81 tỷ USD – theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc tính đến tháng 6 năm nay.
Tốc độ mua khí đốt Nga của Trung Quốc tăng lên trong nửa đầu năm nay, tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,66 tỷ USD. Tuy nhiên, nhập khẩu khí đốt của Trung Quốc từ Turkmenistan trong cùng khoảng thời gian cao hơn nhiều, đạt 4,52 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, khí đốt chỉ chiếm một phần nhỏ trong nhập khẩu năng lượng chủ yếu là dầu thô của Trung Quốc.
Nếu tính về khối lượng, xuất khẩu khí đốt của Nga sang Trung Quốc qua đường ống nói trên tăng 63,4%, đạt 7,5 tỷ mét khối trong nửa đầu năm nay – theo hãng thông tấn Nga Interfax. Thoả thuận ban đầu giữa hai bên đạt mục tiêu cung cấp 38 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm trong những thập kỷ tới.
Interfax nói rằng xuất khẩu khí đốt của Gazprom sang các quốc gia không thuộc Liên Xô cũ đã giảm 31%, còn 68,9 tỷ mét khối trong 6 tháng đầu năm nay.
Đầu tháng 2, Trung Quốc và Nga tăng thoả thuận mua-bán khí đốt hàng năm thêm 10 tỷ mét khối, nhưng không nói cụ thể bao giờ đạt mục tiêu này mà chỉ nói đây là một “thoả thuận dài hạn”. Hãng tin Reuters ước tính trong vòng 25 năm, giá trị của lượng khí đốt tăng thêm này là 37,5 tỷ USD.
Ngoài đường ống nói trên, Nga và Trung Quốc đã thảo luận xây dựng thêm đường ống dẫn khí đốt giữa hai nước, bao gồm một đường ống dự kiến chạy từ Siberia xuyên qua Mông Cổ. Tháng 7 này, tờ Financial Times nói rằng Mông Cổ dự kiến đường ống mới này, có tên là “Sức mạnh của Siberia 2” sẽ khởi công trong vòng 2 năm tới đây.
Ngoài hợp tác về dầu khí, Trung Quốc và Nga cũng đang hợp tác về phát triển điện hạt nhân.
Tháng 5/2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc thảo luận trực tuyến tại lễ khởi công các dự án hợp tác xây dựng tại hai nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc.
Hiện nay, nguồn năng lượng chính của Trung Quốc vẫn đến từ than đá, chủ yếu sản xuất trong nước.
Những tháng gần đây, Trung Quốc tăng cường mua than của Nga. Giá than Nga hiện đang rẻ hơn so với bình thường vì phương Tây đang cân nhắc áp trừng phạt lên mặt hàng này của Nga.