May 09, 2021 | 23:36 GMT+7

Ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm Covid -19 từ các hoạt động du lịch, tâm linh

Chu Khôi -

Khi dịch Covid-19 lan rộng và ngày càng căng thẳng, thì các khu du lịch, chùa – đền, thắng tích tâm linh – vốn là những nơi thường tập trung đông người sẽ có nguy cơ phát tán dịch lớn...

Các đền chùa ở Hà Nội đều treo biển thông báo ngừng đón khách.
Các đền chùa ở Hà Nội đều treo biển thông báo ngừng đón khách.

UBND tỉnh Hà Nam đã ra lệnh tạm thời đóng cửa và dừng đón khách tại Khu du lịch Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng. Không chỉ đóng cửa Khu du lịch Tam Chúc, tỉnh Hà Nam cũng đã ra lệnh đóng cửa mọi cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, các điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh. 

Tại tỉnh Hưng Yên, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến và mọi điểm du lịch trên địa bàn Hưng Yên đã đồng loạt đóng cửa, thông báo tạm dừng đón khách để phòng, chống dịch Covid-19 từ ngày 1/5/2021. Tại các điểm thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến như: Đền Trần, đền Mẫu, đền Mây, chùa Chuông, Văn miếu Xích Đằng, đình chùa Hiến... đều đã treo biển đóng cửa, dừng đón tiếp khách đến tham quan.

Cùng với Khu di tích Phố Hiến, tại nhiều địa điểm khác ở Hưng Yên cũng dừng mọi hoạt động vui chơi giải trí và không mở cửa đón khách du lịch như chùa Nôm (Văn Lâm), đền Đa Hòa - Dạ Trạch (Khoái Châu), đền Phù Ủng (Ân Thi)...

Tại Hà Nội, UBND TP.Hà Nội yêu cầu, các khu di tích, cơ sở tôn giáo phải tạm dừng việc đón khách. Hiện tất cả các đền chùa ở Hà Nội, đặc biệt là những nơi vốn thu hút đông đảo du khách như Khu thắng tích Hương Sơn, Đền Ngọc Sơn, chùa Trấn Quốc, Văn Miếu… hiện đã đóng cửa, không tiếp khách đến tham quan. Đây là lần thứ hai trong năm nay, tất cả các đền, chùa ở Hà Nội phải “cửa đóng then cài”.

Trước đó, ngay từ ngày 29/4, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng ký công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Bộ trưởng nhấn mạnh ban quản lý di tích, bảo tàng, ban tổ chức lễ hội, người đứng đầu các thiết chế văn hóa, thể thao, đơn vị kinh doanh du lịch, khu, điểm du lịch chỉ tổ chức đón khách khi đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang ngày càng lan rộng, Trung ương Giáo hộ Phật giáo Việt Nam cũng vừa phổ biến Công văn số 106/CV-HĐTS, ngày 8/5/2021 về việc tiếp tục tăng cường nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trước diễn biến lây nhiễm mới.

Đối với các tỉnh, thành phố đã có các dương tính bệnh Covid-19, hoặc nguy cơ cao lây lan trong cộng đồng, yêu cầu các chùa, cơ sở tự viện thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định và hướng dẫn của chính quyền địa phương, tạm dừng mọi hoạt động, sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người cho đến khi chính quyền có thông báo mới.

Đối với các tỉnh, thành phố chưa phát hiện các ca dương tính Covid-19 yêu cầu các chùa, cơ sở tự viện không tổ chức các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người. Trong trường hợp thật sự cần thiết khi được chính quyền cho phép, phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, khuyến cáo 5K của Bộ Y tế; đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, khử khuẩn, hạn chế tối đa số lượng người tham dự; nghiêm túc khai báo y tế online, tiêm vaccine phòng dịch.

Công tác chuẩn bị Đại lễ Phật đản 2565, An cư kết hạ và Đại hội đại biểu Phật giáo cấp huyện (2021-2026) của các địa phương đều phải căn cứ vào diễn biến tình hình dịch bệnh thực tế và thực hiện theo quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của chính quyền địa phương.

Trụ trì các chùa sẽ phải chịu trách nhiệm trước Giáo hội và pháp luật nếu để xảy ra các tình trạng không kiểm soát chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate