Theo số liệu, tại TP. Hồ Chí Minh có hơn 384.000 phòng trọ với hơn 1.030.000 người đang lưu trú tạm thời. Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lên kế hoạch, phối hợp với Tổ công tác 970 của Bộ Quốc phòng để tổ chức Chương trình hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu cho công nhân lao động gặp khó khăn làm việc tại các khu công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh.
Những ngày qua, hình ảnh từng đoàn người chạy xe máy rời khỏi TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương gây xót xa khôn nguôi. Dường như chưa từng có cuộc hồi hương nào kỳ lạ và nhức nhối đến mức không thể tưởng tượng nổi, do đại dịch Covid-19 gây ra.
NHỨC NHỐI DÒNG NGƯỜI HỒI HƯƠNG
Khi dịch bệnh tại các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp, những người lao động, phần lớn là lao động tự do, lao động thời vụ, hoặc công nhân tại các khu công nghiệp, bị mất việc làm, lâm vào tình trạng đói, phải chịu áp lực về sinh tồn, họ phải chạy hàng nghìn km bằng xe máy để về quê. Cuộc hồi hương này đầy rẫy hiểm nguy, khi mỏi mệt cũng không dám dừng, và không được dừng trong thị tứ, bởi địa phương nào cũng sợ đoàn người không kiểm soát mang theo bệnh dịch. Khi đói cũng không thể có cơm để ăn, vì hàng quán nơi nào cũng đóng cửa thực thi lệnh giãn cách xã hội.
Trong cuộc hồi hương ấy, người lớn nhọc nhằn đã đành, thương nhất là những em thơ nhem nhuốc vì bụi đường, tóc tai rối xù, gương mặt hốc hác vì những khắc nghiệt trên đường trường. Thậm chí, có em bé mới sinh 10 ngày tuổi cũng phải cùng cha mẹ vượt đường trường cả nghìn cây số, phơi nắng dầm mưa. Một vài trường hợp đã vì quá đuối sức, mệt và buồn ngủ nên đã xảy ra tai nạn giao thông.
Trước thực trạng trên, TP. Hồ Chí Minh đã có yêu cầu người dân đang sống tại TP. Hồ Chí Minh không được tự ý về quê, phải tuân thủ thực hiện nghiêm theo chỉ thị 16 của Thủ tướng và Chỉ thị 12 của Thành ủy TP.HCM, cũng như chỉ đạo của UBND TP.HCM tại các công văn 2468, 2522. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, người dân không được ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết, trừ những trường hợp mua lương thực, thực phẩm, cấp cứu…
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh rất nhiều người lao động, nhiều gia đình công nhân mất việc làm, không có tiền tích lũy, họ không có lương thực, thực phẩm để sống qua ngày, thì việc họ vi phạm chỉ đạo của nhà nước, bất chấp để về quê vẫn cứ diễn ra. Ngăn dòng người về quê, không chỉ từ mệnh lệnh, mà việc khẩn cấp cứu trợ lương thực, thực phẩm đang trở nên hết sức cấp bách.
Để động viên công nhân lao động yên tâm trong thời gian thực hiện giãn cách, Tổ công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trao đổi với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, thống nhất cần có kế hoạch hỗ trợ thực phẩm thiết yếu đến công nhân lao động lưu trú tạm thời tại các khu nhà trọ.
Mục tiêu của Chương trình là hỗ trợ, động viên lực lượng công nhân tiếp tục tạm trú để thực hiện giãn cách theo quy định của TP. Hồ Chí Minh, tránh ra ngoài gây lây lan dịch bệnh Covid-19. Đồng thời góp phần cung cấp nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu để đảm bảo sức khỏe cho lực lượng công nhân gặp khó khăn trong thời gian giãn cách, giảm bớt tình trạng người di cư từ TP.Hồ Chí Minh về các địa phương.
HƠN 1 TRIỆU NGƯỜI CẦN ĐƯỢC HỖ TRỢ LƯƠNG THỰC
Trong thông cáo của Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát đi sáng 2/8/2021 cho biết, theo số liệu từ 12 quận, huyện của TP. Hồ Chí Minh và thành phố Thủ Đức, có hơn 384.000 phòng trọ với hơn 1.030.000 người đang lưu trú tạm thời. Đây là các đối tượng sẽ được hỗ trợ lương thực, thực phẩm.
Các đơn vị tham gia thực hiện Chương trình cứu trợ lương thực, thực phẩm gồm Tổ công tác 970 của Bộ Quốc phòng, Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 18 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
Cụ thể, Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ huy động tìm nguồn nông sản hỗ trợ, tham gia kết nối các điểm giao hàng tại các địa phương và nhận hàng nông sản tại TP. Hồ Chí Minh. Tổ công tác 970 Bộ Quốc phòng đảm bảo tổ chức xe vận chuyển và bốc xếp hàng tại nơi đi và nơi đến. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh bố trí các điểm tập kết và bảo quản tốt hàng nông sản, cung cấp danh sách các đối tượng công nhân gặp khó khăn cần được hỗ trợ và các địa điểm hỗ trợ, bố trí lực lượng nhân sự hỗ trợ trong giao, nhận hàng nông sản, chuẩn bị dụng cụ và trang thiết bị y tế phòng, chống dịch cho lực lượng nhân sự hỗ trợ giao nhận hàng, đảm bảo nguồn thực phẩm đến đúng đối tượng công nhân lao động đang gặp khó khăn.
Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 18 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ cung ứng nguồn nông sản hỗ trợ tại địa phương, bố trí điểm giao và tập kết hàng tại địa phương và hỗ trợ lưu thông về TP. Hồ Chí Minh.
Trước mắt, chương trình thực hiện các phần quà gồm các sản phẩm thiết yếu đảm bảo sức khỏe cho công nhân như: gạo, trứng, thịt, rau và một số sản phẩm khác. Các phần quà sẽ được trao cho công nhân lao động đang sống trong các khu nhà trọ gặp khó khăn ở khu vực bị lây nhiễm, không có thân nhân tại thành phố, không tiếp cận được nguồn thực phẩm thiết yếu thường xuyên trong vùng bị lây nhiễm, bị phong tỏa.
Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Thư ngỏ gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, gửi các doanh nghiệp lớn về việc hỗ trợ thực phẩm cho công nhân lao động gặp khó khăn trong khu phong tỏa Covid-19 tại TP.HCM.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, ngay sau khi có thư kêu gọi, nhiều doạnh nghiệp đã hưởng ứng, đăng ký tham gia cứu trợ. Tập đoàn Intimex ủng hộ 10 tấn gạo; Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư ủng hộ 20.000 quả trứng; HTX Hưng Thịnh Phát (thị trấn Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) hỗ trợ 20 tấn thanh long; cửa hàng nông sản Vmart ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) ủng hộ 500kg rau… Chuyến hàng lương thực, thực phẩm cứu trợ đầu tiên thông qua Tổ công tác sẽ tới TP. Hồ Chí Minh vào ngày 2/8/2021.