Bên lề cuộc họp thường niên của Hiệp hội ngân hàng Việt Nam ngày 15/7, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký hiệp hội đã có cuộc trao đổi với báo chí về thông tin 16 ngân hàng, chiếm 80% thị phần, đồng thuận giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, giảm thêm 1% lãi suất tiền vay, các ngân hàng đã chia sẻ một phần thu nhập rất lớn cho nền kinh tế, kéo theo bộ đệm tài chính của các ngân hàng cũng mỏng theo. Gần đây, một số ngân hàng công bố lợi nhuận cao trong bối cảnh vừa giảm lợi nhuận hỗ trợ doanh nghiệp, trong khi các khoản tín dụng bị tác động bởi đại dịch chưa tính hết nợ xấu tiềm ẩn và trích lập tương ứng là chưa nhìn nhận vấn đề một cách toàn cục.
Thưa ông, sau cuộc họp đồng thuận giảm lãi suất, các ngân hàng đã hành động như thế nào?
Đây là một trong những tín hiệu rất mừng, tất cả các tổ chức tín dụng đều đồng thuận giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo thông tin ban đầu chúng tôi nhận được thì phần lớn các tổ chức tín dụng giảm lãi suất 1 điểm phần trăm đối với tổng dư nợ hiện hữu của chính khách hàng đó.
Tức là, khách hàng đang vay với lãi suất 7%/năm và thuộc đối tượng, ngành nghề bị ảnh hưởng bởi Covid-19 sẽ được chuyển thành lãi suất 6%/năm từ nay đến hết năm 2021. Các ngân hàng sẽ tự điều chỉnh mức giảm, tự phân loại khách hàng để việc giảm lãi suất được hiệu quả nhất.
Nhưng đây mới chỉ là tín hiệu bước đầu thôi, còn về số liệu chính thức thì hiệp hội chưa có, bởi cần thời gian để tổng hợp từ các hội viên.
Phần lớn các tổ chức tín dụng giảm lãi suất 1 điểm phần trăm đối với tổng dư nợ hiện hữu của chính khách hàng đó. Tức là khách hàng đang vay với lãi suất 7%/năm và thuộc đối tượng, ngành nghề bị ảnh hưởng bởi Covid-19 sẽ được chuyển thành lãi suất 6%/năm từ nay đến hết năm 2021.
Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng và hiệp hội ngân hàng cam kết với nhau sẽ đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp, sẽ giảm lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Thưa ông, có sự trùng hợp là sau khi đồng thuận giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã nới “room” tín dụng cho nhiều ngân hàng, ông nói gì về điều này?
Động thái này của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp, rất kịp thời, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xem xét đầu tư cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Đặc biệt đối với những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng có điều kiện, có cơ hội, có phương án vay vốn đề phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tôi tin rằng, Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu mới cũng đều dựa trên cả điều kiện phát triển kinh tế vĩ vô và kiềm chế lạm phát.
Mới đây, có gần 10 ngân hàng công bố lợi nhuận khá cao sau 6 tháng đầu năm, ông nhận xét gì về vấn đề này?
Bản thân các tổ chức tín dụng đang thực hiện Thông tư 03 và Thông tư 01, chính là cơ cấu nợ, điều chỉnh nhóm nợ dưới chuẩn. Và những khoản nợ dưới chuẩn này có khả năng biến thành nợ xấu. Trong tình trạng như vậy thì tổ chức tín dụng phải tiếp tục cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, rồi thì phải cho vay mới dựa trên nợ đã cơ cấu nên tiềm ẩn rủi ro rất cao.
Số nợ cơ cấu theo Thông tư 01/2020 và Thông tư 03/2021 hiện nay là 347.000 tỷ đồng. Nhưng con số này khả năng sẽ còn lớn hơn. Chỉ cần ước chừng 30% biến thành nợ xấu thì khoản nợ xấu cũng là rất lớn, áp lực theo đó cũng rất lớn.
Theo tôi biết, số nợ cơ cấu theo Thông tư 01/2020 và Thông tư 03/2021 hiện nay là 347.000 tỷ đồng. Nhưng con số này khả năng sẽ còn lớn hơn. Chỉ cần ước chừng 30% biến thành nợ xấu thì khoản nợ xấu cũng là rất lớn, áp lực theo đó cũng rất lớn.
Chính vì áp lực này mà các chuyên gia phân tích đánh giá ngân hàng có lợi nhuận cao một phần chưa đánh giá đúng các rủi ro. Nếu phải trích đầy đủ thì mức lợi nhuận đó sẽ không còn được như vậy.
Ông nhìn nhận vấn đề nợ xấu trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 hiện nay như thế nào?
Một khi nợ xấu có chiều hướng tăng lên thì công tác xử lý nợ xấu như thế nào cũng rất khó khăn. Bởi vì, trong giai đoạn hiện nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì việc thu hồi phát mại tài sản đã là vấn đề nhạy cảm.
Thật không dễ lọt tai khi để mang tiếng “dịch thế mà vẫn đến thu hồi, phát mại”. Chưa kể, nếu thu hồi được thì liệu có phát mại được hay không cũng là vấn đề. Nên áp lực nợ xấu đối với ngành ngân hàng là áp lực cực kỳ lớn. Đã thế hết năm nay sang năm 2022, Nghị quyết 42 hết hiệu lực, cũng lại là vấn đề khó khăn khi các ngân hàng thu hồi nợ xấu.
Trong bối cảnh đó thì Ngân hàng Nhà nước đồng ý VAMC thành lập sàn giao dịch nợ. Tôi cho rằng đây là động thái rất phù hợp, rất kịp thời và VAMC đã chuẩn bị khá tốt hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng tốt để thành lập sàn này.
Sàn giao dịch sẽ hỗ trợ giao dịch mua bán nợ xấu thông thoáng hơn, và có thể là địa chỉ mà người mua người bán đến đấy đều có thể thỏa mãn nhu cầu, điểm giao thoa giữa người mua người bán. Sàn cũng giúp thị trường mua bán minh bạch hơn.