Ngày 4/7, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng giá bán ra USD từ mức 23.250 VND lên 23.400 VND. Đồng thời, nhà điều hành tiền tệ cũng chuyển từ phương thức giao dịch bán kỳ hạn 3 tháng sang phương thức bán giao ngay.
Theo giới chuyên môn, hành động trên nhằm tăng sức ảnh hưởng của hoạt động bán ngoại tệ để bình ổn tỷ giá. Bởi lẽ, mặc dù đã liên tục hỗ trợ thị trường bằng cách bán ngoại tệ kỳ hạn nhưng nhu cầu mua từ các thành viên vẫn lớn, điều này phần nào khiến lãi suất USD liên ngân hàng vẫn tăng đều.
Cụ thể, trong tuần trước (27/6-1/7), lãi suất USD liên ngân hàng tiếp tục xu hướng tăng nhẹ. Chốt tuần đóng cửa tại mức: qua đêm 1,65%; 1 tuần 1,77%; 2 tuần 1,86% và 1 tháng 1,98%.
Đáng chú ý, bên cạnh hoạt động bán ra ngoại tệ bình ổn tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước cũng đồng thời hút bớt VND về thông qua nghiệp vụ chào thầu tín phiếu trên thị trường mở (OMO).
Tính đến cuối tuần trước, số dư trên kênh tín phiếu cũng là lượng tiền bị hút về đang ở mức trên 107.639 tỷ đồng. Trong đó, có 72.614,9 tỷ đồng với kỳ hạn 7, ngày lãi suất 0,65%, số còn lại ở kỳ hạn 14 ngày lãi suất 0,9%.
Với loạt can thiệp, lãi suất VND trên liên ngân hàng bắt đầu có tín hiệu bật mạnh và dừng ở mức: qua đêm 0,84%; 1 tuần 1,40%; 2 tuần 1,68%; 1 tháng 2,1%.
Tuy nhiên, mặc dù lãi suất VND trên liên ngân hàng tăng mạnh nhưng chênh lệch với lãi suất USD cùng thị trường vẫn âm khá lớn. Điều này khiến nhu cầu nắm giữ USD nhanh chóng tăng trong hệ thống.
Hiểu đơn giản, người cầm VND đang hưởng ít lãi hơn so với người cầm USD. Theo đó, nếu mua USD, người mua sẽ vừa được hưởng chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền, vừa được hưởng lợi từ việc tỷ giá USD/VND đang trong xu hướng tăng giữa bối cảnh FED tăng lãi suất. Vì vậy, nhu cầu mua USD càng tăng cao, kéo theo tỷ giá USD/VND chịu áp lực tăng.
Do đó, chốt phiên giao dịch ngày 1/7, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đóng cửa tại 23.306 VND/USD, tăng 54 VND so với phiên cuối tuần trước đó, xuyên qua giá bán USD kỳ hạn (23.250 VND) mà Ngân hàng Nhà nước thực hiện (thông thường tỷ giá USD/VND liên ngân hàng sẽ chạy trong khoảng từ giá mua USD đến giá bán USD của Ngân hàng Nhà nước).
Và như đã nói, trước tình thế như vậy, đầu tuần này Ngân hàng Nhà nước buộc phải tăng giá bán USD cũng như thay đổi phương thức bán.
Nếu so giữa tỷ giá liên ngân hàng hồi đầu năm với giá bán USD mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, mức chênh lệch đã lên tới hơn 2,7%, một mức biến động đáng kể so với diễn biến đi ngang chủ đạo và thậm chí giảm những năm vừa qua.
Hiện tại, nguồn cung ngoại tệ từ hoạt động xuất – nhập khẩu không có nhiều tích cực như trước đó (cán cân thương mại tính đến giữa tháng 6 thâm hụt 1,3 tỷ USD).
Song, thị trường đã nhận được dòng tiền ngoại tệ từ tổ chức trong nước huy động từ thị trường quốc tế (TCB huy động thành công khoản vay hợp vốn trị giá lên tới 1 tỷ USD hay NVL huy động thành công 250 triệu USD). Giới chuyên môn kỳ vọng đây sẽ là một trong những yếu tố tích cực giúp xoa dịu sức nóng của tỷ giá USD/VND.