Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường chứng khoán nước này, với lượng cổ phiếu nắm giữ vượt xa con số 400 tỷ USD.
Để hỗ trợ thị trường trong bối cảnh đại dịch Covid-19, năm nay BOJ đã mua mạnh cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Nhật Bản thông qua các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF). Cùng với đó, giá trị cổ phiếu mà BOJ nắm giữ tăng mạnh theo đà hồi phục của thị trường sau đợt sụt giảm hồi đầu năm. Hai yếu tố này kết hợp đưa giá trị danh mục đầu tư chứng khoán trong nước của BOJ lên con số 45,1 nghìn tỷ Yên, tương đương 434 tỷ USD, vào thời điểm tháng 11.
Đây là con số ước tính được đưa ra bởi ông Shingo Ide, chiến lược gia trưởng của NLI Research Institute, trong một cuộc trao đổi với hãng tin Bloomberg.
Số liệu này đánh dấu lần đầu tiên lượng cổ phiếu trong nước mà BOJ nắm giữ vượt qua con số tương ứng của Quỹ đầu tư lương hưu chính phủ Nhật Bản (GPIF). Tho ước tính của ông Ide, ở thời điểm tháng 11, GPIF nắm giữ khoảng 44,8 nghìn tỷ Yên cổ phiếu trong nước.
Cho dù BOJI hay GPIF là "cá voi" lớn hơn trên thị trường chứng khoán Nhật, mức nắm giữ của hai nhà đầu tư này đã làm gia tăng lo ngại về ảnh hưởng của họ lên thị trường. Ông Satoshi Okumoto, Giám đốc Fukoku Capital Management, cho rằng việc BOJ và GPIF cùng gom mạnh cổ phiếu trong nước "gây cảm giác về sự bóp méo thị trường".
GPIF - quỹ lương hưu lớn nhất thế giới - gia tăng hiện diện trên thị trường chứng khoán vào năm 2014, khi quỹ này tăng gấp đôi mức phân bổ vốn cho cổ phiếu trong nước lên 25%. Đây là một phần trong nỗ lực gia tăng mức lợi nhuận của GPIF bằng cách tăng mua những tài sản có mức độ rủi ro cao hơn.
Về phần mình, BOJ bắt đầu mua cổ phiếu trong nước thông qua các quỹ ETF từ năm 2010, và năm nay, hoạt động này được đẩy mạnh trong khuôn khổ gói kích thích kinh tế chưa từng có tiền lệ nhằm vực dậy tăng trưởng kinh tế sau cú sốc mà Covid-19 gây ra.
Gần đây, chứng khoán Nhật Bản cùng chung xu hướng tăng điểm mạnh của chứng khoán toàn cầu nhờ kỳ vọng vào vaccine ngừa Covid-19. Chỉ số Topix và Nikkei 225, hai thước đo chính của chứng khoán Nhật tăng tương ứng 11% và 15% trong tháng 11, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất của Nikkei kể từ năm 1994.
Theo chiến lược gia Takashi Ito thuộc Nomura Securities, dù thị trường tăng điểm mạnh, BOJ chưa hề chốt lời mà vẫn tiếp tục mua vào cổ phiếu thông qua các quỹ ETF. Trong khi đó, GPIF phải bán ra cổ phiếu khi giá tăng để cân đối tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư.
Chiến lược gia IDE của NLI Research nói rằng BOJ "có thể đối mặt với sự giám sát gia tăng" quanh việc liệu cơ quan này có cần tiếp tục mua cổ phiếu khi giá đã tăng cao như hiện nay hay không. Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda thì nói rằng việc BOJ mua cổ phiếu thông qua các ETF là cần thiết với tư cách một phần của chiến lược kích thích tiền tệ để đạt mục tiêu lạm phát mà BOJ đề ra.