November 16, 2020 | 10:30 GMT+7

Phục hồi từ đại dịch, kinh tế Nhật Bản tăng mạnh nhất 52 năm

Diệp Vũ

Tăng trưởng trong quý 3 giúp kinh tế Nhật thoát khỏi tình trạng suy thoái do Covid-19 gây ra

Đường phố ở Tokyo, Nhật Bản, hôm 17/8/2020 - Ảnh: Getty/CNBC.
Đường phố ở Tokyo, Nhật Bản, hôm 17/8/2020 - Ảnh: Getty/CNBC.

Nền kinh tế Nhật Bản phục hồi mạnh hơn dự báo sau cú giảm kỷ lục trong đại dịch Covid-19, nhờ các cơ sở kinh doanh hoạt động trở lại, thương mại bật tăng mạnh mẽ, và các biện pháp kích cầu của Chính phủ thúc đẩy người dân tăng chi tiêu.

Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố sáng 16/11 cho thấy tốc độ tổng sản phẩm trong nước (GDP) hàng năm (annualized) của nước này trong quý 3 đạt 21,4% so với quý 2, cao hơn mức dự báo tăng 18,9% mà giới phân tích đưa ra trước đó, đồng thời là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1968.

Đây là số liệu được tính trên cơ sở giả định mức tăng GDP quý 3 so với quý 2 được duy trì trong cả một năm.

Nếu chỉ so GDP của quý 3 so với quý 2, kinh tế Nhật đạt mức tăng 5% trong quý 3, cao hơn mức dự báo tăng 4,4% của giới phân tích.

Tốc độ tăng trưởng mạnh nhất hơn nửa thế kỷ cho thấy nền kinh tế của đất nước mặt trời mọc đang tích cực phục hồi sau 3 quý giảm liên tiếp bắt đầu từ đợt tăng thuế tiêu thụ vào cuối năm ngoái, trước khi xuất hiện làn sóng đầu tiên của đại dịch Covid-19. Trong quý 2, kinh tế Nhật Bản giảm với tốc độ tính cả năm lên tới 28,8%, một con số kỷ lục.

Tăng trưởng trong quý 3 giúp kinh tế Nhật thoát khỏi tình trạng suy thoái. Tuy nhiên, mức tăng trưởng trên mới chỉ giúp kinh tế Nhật hồi lại một phần mất mát mà các chuyên gia kinh tế cho rằng phải mất vài năm mới hồi phục hoàn toàn. Làn sóng virus mới tại Nhật và nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại Mỹ và châu Âu, có thể sẽ lại gây sức ép suy giảm tăng trưởng lên nền kinh tế Nhật trong quý 4 này.

Tiêu dùng tư nhân, khu vực chiếm hơn một nửa nền kinh tế Nhật, tăng 4,7% trong quý 3 so với quý 2, sau khi sụt giảm chóng mặt trong quý 2 do các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn sự lây lan của dịch bệnh.

Nhu cầu bên ngoài - tính bằng giá trị xuất khẩu trừ đi giá trị nhập khẩu - đóng góp 2,9 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP, nhờ sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường nước ngoài giúp kim ngạch xuất khẩu của Nhật tăng 7% trong quý.

Trong khi đó, đầu tư cơ bản giảm quý thứ hai liên tiếp với mức giảm 3,4%, một dấu hiệu cho thấy sự bấp bênh mà dịch bệnh gây ra vẫn đang gây sức ép lên tâm lý của các doanh nghiệp.

Phục hồi từ đại dịch, kinh tế Nhật Bản tăng mạnh nhất 52 năm - Ảnh 1.

Diễn biến GDP hàng năm (annualized) của Nhật Bản tính theo quý qua các năm. Đơn vị: nghìn tỷ Yên - Nguồn: Văn phòng Nội các Nhật Bản/ Bloomberg.

Đến nay, Chính phủ Nhật đã công bố hai gói kích cầu với tổng trị giá 2,2 nghìn tỷ USD để giúp nền kinh tế chống chọi với đại dịch, trong đó có các chương trình phát tiền mặt để hỗ trợ các hộ gia đình và cấp vốn vay cho các doanh nghiệp nhỏ.

Lo nền kinh tế mất đà hồi phục, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tuần trước chỉ đạo nội các soạn thảo một kế hoạch kích cầu thứ ba. Những kế hoạch kích cầu lớn làm gia tăng "núi" nợ của Nhật Bản, nhưng được xem là việc làm cần thiết để cứu tăng trưởng.

Dù kinh tế Nhật có nhiều dấu hiệu hồi phục trong những tháng gần đây, giới phân tích dự báo nền kinh tế lớn thứ ba thế giới giảm 5,6% trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2021 và GDP của nước này có thể mất vài năm mới trở lại được mức như trước đại dịch.

"Nguy cơ xảy ra một làn sóng Covid-19 mới ở Nhật đang gia tăng. Số ca nhiễm mới hàng ngày đã lên tới 1.661 ca vào hôm 12/11, so với mức bình quân 809 ca mỗi ngày trong tuần kết thúc vào ngày 6/11. Thực tế này có thể dẫn tới việc dần áp dụng trở lại các biện pháp kiềm chế dịch, gây cản trở phục hồi kinh tế và làm giảm hiệu quả của các biện pháp kích cầu", chuyên gia kinh tế Yuki Masujima của Bloomberg nhận xét.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate