November 09, 2022 | 10:29 GMT+7

Ngăn ngừa vi phạm, siết chặt an ninh trật tự tại cửa khẩu đường hàng không

Anh Tú -

Cửa khẩu đường hàng không tại các cảng hàng không là cửa ngõ giao thương trọng yếu, chiếm đến 67% lưu lượng xuất nhập cảnh. Do đó, để quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự tại cửa khẩu đường hàng không, Nghị định 93/2022/NĐ-CP vừa được Thủ tướng ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 22/12 tới đây...

Tình hình an ninh trật tự tại cửa khẩu đường hàng không diễn biến phức tạp.
Tình hình an ninh trật tự tại cửa khẩu đường hàng không diễn biến phức tạp.

Nghị định 93/2022/NĐ-CP về quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự tại cửa khẩu đường hàng không quy định việc quản lý, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội tại cửa khẩu đường hàng không; khu vực cửa khẩu đường hàng không; trách nhiệm của các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cửa khẩu đường hàng không và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu đường hàng không.

Cửa khẩu đường hàng không tại các cảng hàng không là cửa ngõ giao thương chủ yếu, thường xuyên diễn ra các sự kiện chính trị quốc gia và quốc tế, chiếm 67% lưu lượng xuất nhập cảnh trong 10 năm qua và tiếp tục có xu hướng gia tăng lưu lượng. 

Do đó, nếu để xảy ra các sự cố, vụ việc phức tạp về an ninh trật tự tại địa bàn cửa khẩu đường hàng không sẽ gây ra hậu quả khó lường về con người, kinh tế, chính trị, đối ngoại.

Nghị định 93/2022 nêu rõ phạm vi khu vực cửa khẩu đường hàng không bao gồm các khu vực thực hiện việc xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của người, phương tiện, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh của hàng hóa, có ranh giới rõ ràng, được đặt biển báo theo quy định.

Về dòng lưu chuyển hành khách, hành lý, Nghị định Nghị định 93/2022 quy định đối với hành khách nhập cảnh, hành khách khi xuống tàu bay thực hiện lần lượt theo trình tự thủ tục kiểm dịch y tế, kiểm dịch động vật, thực vật mang theo (nếu có), thủ tục kiểm soát nhập cảnh, thủ tục hải quan.

Đối với hành khách xuất cảnh, hành khách thực hiện lần lượt theo trình tự thủ tục hàng không, thủ tục kiểm soát xuất cảnh, thủ tục hải quan và soi chiếu an ninh hàng không.

Đối với hành khách quá cảnh, hành khách khi xuống tàu bay thực hiện lần lượt theo trình tự thủ tục kiểm dịch, kiểm tra soi chiếu an ninh hàng không.

"Trong thời điểm xảy ra dịch bệnh, dòng lưu chuyển hành khách có thể được điều chỉnh theo các quy định phòng, chống bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế", Nghị định nêu rõ.

Đáng chú ý, Nghị định quy định rõ về việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự tại cửa khẩu đường hàng không.

Theo đó, khi phát hiện vụ việc vi phạm pháp luật tại cửa khẩu đường hàng không, vụ việc thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan chuyên ngành nào, cơ quan đó chủ trì xử lý. Trường hợp nhiều cơ quan cùng có thẩm quyền xử lý, cơ quan phát hiện vụ việc đầu tiên chủ trì xử lý.

Trường hợp vụ việc chưa xác định rõ cơ quan có thẩm quyền, Công an cửa khẩu chủ trì, tiếp nhận xử lý ban đầu các hành vi vi phạm pháp luật, bàn giao cơ quan, đơn vị có thẩm quyền để xử lý theo quy định.

"Khi phát hiện thông tin liên quan hành vi vi phạm pháp luật tại cửa khẩu đường hàng không, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền", Nghị định nêu rõ.

Các cơ quan được giao xử lý vụ việc vi phạm pháp luật tại cửa khẩu đường hàng không có trách nhiệm thông báo việc xử lý vụ việc cho Công an cửa khẩu và các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp liên quan để phối hợp xử lý vụ việc và thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định.

Trường hợp việc xử lý vụ việc thuộc danh mục bí mật nhà nước, việc trao đổi thông tin thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Trường hợp có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp cần áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt tại cửa khẩu đường hàng không theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an chủ trì, điều chỉnh luồng di chuyển hành khách phù hợp yêu câu bảo đảm an ninh, trật tự; bố trí lực lượng tuần tra, thiết lập chốt kiểm tra an ninh tại các vị trí cần thiết, giám sát toàn bộ khu vực cửa khẩu đường hàng không, đặt biển cấm, biển hạn chế hoạt động.

Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn, tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn hàng không dân dụng tại khu vực cửa khẩu đường hàng không.

Còn Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan đối với phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu, hành lý của người xuất nhập cảnh, phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự tại cửa khẩu đường hàng không.

 

Tình hình an ninh trật tự tại cửa khẩu đường hàng không vẫn diễn biến phức tạp. Cơ quan chức năng của Bộ Công an đã phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vụ việc liên quan an ninh quốc gia như vụ tiến hành phá hoại bằng bom xăng tại Tân Sơn Nhất năm 2017, thông tin đe dọa đánh bom hãng hàng không Cathay Pacific 2019; phát hiện, đấu tranh với các đối tượng nhập cảnh để hoạt động chống phá Nhà nước; đẩy đuổi 17 đối tượng khủng bố nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và nhiều loại tội phạm khác như tấn công mạng vào cảng hàng không, tội phạm ma túy, buôn lậu...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate