Ngày 31/8, thông tin về tình hình công tác tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Hải quan, cho biết luỹ kế từ đầu năm đến tháng 8, tổng trị giá xuất nhập khẩu ước tính đạt 497,64 tỷ USD, tăng 15,5%, tương ứng tăng 66,63 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 250,80 tỷ USD, tăng 17,3%, tương ứng tăng 37,05 tỷ USD và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 246,84 tỷ USD, tăng 13,6%, tương ứng tăng 29,58 tỷ USD.
Như vậy, "trong tháng 8 cả nước ước xuất siêu 2,42 tỷ USD. Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 8 năm 2022, cả nước ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD", Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.
Nhờ hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực và chống thất thu qua công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu từ đầu năm đến ngày 30/8 đạt 294.367 tỷ đồng, bằng 83,6% dự toán được giao, bằng 79,6% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 14,6% so với cùng kỳ 2021.
Tổng cục Hải quan cũng cho biết, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại diễn ra phức tạp, đặc biệt trên các tuyến hàng không, đường bộ.
Cụ thể, đối với tuyến đường bộ, các đối tượng lợi dụng việc đưa hàng hóa quá cảnh từ các khu vực cảng biển, sân bay gửi kho ngoại quan, sau đó làm thủ tục xuất đi Campuchia hay qua nước thứ 3, rồi dùng mọi thủ thuật quay vòng, cắt chì đánh tráo hàng để đưa hàng vào nội địa tiêu thụ.
Cùng với đó, các đối tượng thường lợi dụng việc miễn kiểm tra thực tế hàng hóa để buôn lậu, gian lận thương mại…
"Đối với tuyến hàng không, chuyển phát nhanh, các đối tượng thực hiện, chia nhỏ hàng hóa, gửi theo đường quà biếu, quà tặng gửi chuyển phát nhanh, khai báo trị giá hàng hóa thấp để vận chuyển hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, hàng hóa có trị giá cao vào thị trường Việt Nam", Tổng cục Hải quan nêu rõ thủ đoạn.
Khi bị phát hiện, các đối tượng từ chối nhận hàng, yêu cầu hoàn trả hàng cho người gửi, vì vậy, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Việc vận chuyển hàng cấm, hàng quản lý theo công ước quốc tế tiếp tục diễn ra với nhiều hình thức, thủ đoạn tiếp diễn.
Nhằm chủ động thu thập thông tin, nắm bắt tình hình thực tế tại địa bàn, kịp thời chỉ đạo điều hành, quản lý nhà nước về Hải quan, Tổng cục Hải quan tăng cường chỉ đạo, cảnh báo, kiểm tra hướng dẫn nghiệp vụ đối với lực lượng chống buôn lậu trong toàn ngành.
Cụ thể, ban hành Quyết định số 1766/QĐ-TCHQ ngày 11/8/2022 ban hành sổ tay nghiệp vụ kiểm soát ma tuý; Công văn số 2964/TCHQ-ĐTCBL ngày 20/7/2022 tăng cường công tác phòng, chống ma tuý của lực lượng hải quan; xây dựng và ban hành quy định quản lý, huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ thay thế các văn bản hiện hành không còn phù hợp.
Để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, Tổng cục Hải quan triển khai xây dựng Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Hải quan và Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; xây dựng Quy chế phối hợp giữa lực lượng công an và hải quan trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.
Trong tháng 8, lực lượng hải quan toàn quốc đã bắt giữ nhiều vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và ban hành 5 Quyết định khởi tố hình sự.
Theo Tổng cục Hải quan, tính từ ngày 16/7 đến ngày 15/8, toàn ngành hải quan chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 1.324 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 175,334 tỷ đồng. Số thu ngân sách đạt 11,670 tỷ đồng, cơ quan hải quan khởi tố 5 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 14.
Lũy kế đến ngày 15/8, toàn ngành hải quan chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 10.700 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 4.168 tỷ đồng; số thu ngân sách nhà nước đạt 241,240 tỷ đồng. Cơ quan hải quan khởi tố 31 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 83 vụ.
Gần đây nhất, ngày 12/8, Cục Hải quan TP. Hải Phòng ban hành Quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm đến Cơ quan điều tra - Công an TP. Hải Phòng để truy cứu trách nhiệm hình sự theo thẩm quyền về vụ “buôn bán hàng giả” tại Công ty Cổ phần thương mại Hoàng Mai Việt Nam, địa chỉ: số 1 ngõ 109, Trung Liệt, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP. Hà Nội (mã số thuế: 0109699361).
Lô hàng nhập khẩu của công ty này bị hải quan bắt giữ gồm: bản lề, giá để đồ, móc treo, kệ để đồ, viên nang rỗng, ghế gấp dã ngoại, cặp lồng đựng cháo, bộ phận của cây lăn bụi quần áo, vì khai sai về kích thước một số mặt hàng, một số mặt hàng không thể hiện xuất xứ, không khai nhãn hiệu, chất liệu, một số mặt hàng khai sai về lượng, trên hàng không thể hiện tên của tổ chức sản xuất hoặc chịu trách nhiệm về hàng hóa.
Trong đó, có mặt hàng bản lề dùng cho cửa bằng thép nhãn hiệu BLUMK, số lượng 59.600 chiếc, khai thiếu so với khai báo 400 chiếc là hàng hóa giả mạo đối với nhãn hiệu được bảo hộ. Trị giá tang vật vi phạm là 267 triệu đồng, riêng trị giá tang vật giả mạo nhãn hiệu là gần 150 triệu đồng...