Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu cho thấy doanh số bán lẻ của nước này trong tháng 10 đã giảm lần đầu tiên sau 7 tháng do nhu cầu mua sắm xe hơi và chi tiêu cho sở thích giảm. Trong đó, doanh số bán hàng của các cửa hàng nội thất giảm 2%, doanh số bán quần áo không thay đổi. Doanh số bán lẻ hàng hóa tổng hợp cùng đồ thể thao, giải trí, nhạc cụ và sách cũng lần lượt giảm 1,7% và 0,8%. Đáng chú ý, doanh số bán hàng trực tuyến chỉ tăng 0,2% bất chấp sự kiện mua sắm khuyến mãi Prime Day của Tập đoàn Thương mại Điện tử Amazon.
Theo Reuters, doanh số bán lẻ giảm, giá tiêu dùng trong tháng 10 không thay đổi kết hợp với thị trường lao động hạ nhiệt khiến các kho hàng tồn kho chật cứng. Đây là thách thức đối với các nhà bán lẻ trong năm nay vì người tiêu dùng Mỹ dự kiến sẽ chỉ chi tiêu thêm 3% đến 4% cho mùa lễ hội cuối năm. Theo ước tính của ngành, điều đó sẽ thể hiện tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong 5 năm.
Ông Jeff Bornino, Chủ tịch khu vực Bắc Mỹ tại TMX Transform, đồng thời là cựu giám đốc chuỗi cung ứng tại Kroger, cho rằng quá tải hàng tồn kho là một áp lực lớn đối với nhiều nhà bán lẻ vì nó làm tăng chi phí xử lý, lưu trữ và vận chuyển sản phẩm. “Có một thực tế không thể phủ nhận trong ngành bán lẻ là 15 - 20% sản phẩm chiếm chỗ trên các kệ hàng cần phải được tiêu hủy”, ông Bornino tiết lộ.
Theo phân tích của Reuters, 2/3 trong số 30 nhà bán lẻ, bao gồm công ty đồ thể thao Foot Locker và chuỗi kinh doanh mỹ phẩm Ulta Beauty là có vòng quay hàng tồn kho thấp hơn các công ty cùng ngành, cho thấy doanh số bán hàng chậm hoặc lượng hàng tồn kho dư thừa nhiều. Điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với các chuỗi giảm giá, bách hóa tổng hợp và cửa hàng quần áo, phụ kiện. David Swartz, một nhà phân tích của Morningstar cho biết, mùa mua sắm cuối năm nay có thể sẽ không diễn ra khả quan như họ kỳ vọng.
Chắc chắn rằng vòng quay hàng tồn kho không phải là thước đo duy nhất mà các nhà đầu tư Phố Wall sử dụng để đánh giá mức độ tồn kho của các nhà bán lẻ. Một số nhà đầu tư sẽ đích thân đến các cửa hàng để kiểm tra mức tồn kho thực tế và đo lường tần suất cũng như mức độ giảm giá của các nhà bán lẻ để giải phóng hàng hóa. Những người khác chú ý đến lợi nhuận hàng quý mà công ty báo cáo. Tỷ suất lợi nhuận giảm có thể báo hiệu rằng một nhà bán lẻ đã phải giảm giá đáng kể để giảm bớt tình trạng dư thừa hàng.
Có thể vì lý do này, năm nay, mùa Black Friday tại Mỹ diễn ra khá sớm. Ngay từ giữa tháng 11, các nhà bán lẻ bao gồm Best Buy, Macy's, H&M và những công ty thương mại điện tử như Shein, Temu đã ra mắt các chương trình khuyến mại, giảm giá 30% cho một số sản phẩm được bày bán trực tuyến và tại cửa hàng. Mục đích của việc giảm giá sớm để giúp các công ty đo lường nhu cầu của người tiêu dùng, tránh tình trạng thiếu sản phẩm.
Thậm chí, một số doanh nghiệp lớn từ Dollar General đến Walmart được cho là sẽ cần khuyến mãi nhiều loại sản phẩm hơn nữa, bởi hàng tồn kho của các hãng đã quá lớn trong 2 năm trước đó. Theo WSJ, sau khi nghiên cứu thị trường, Tập đoàn Adobe đưa ra dự báo, mức giảm giá của mùa khuyến mãi trực tuyến năm nay sẽ tăng lên 35% đối với đồ chơi, 24% đối với đồ thể thao và 19% đối với đồ nội thất.
Trong một báo cáo của Mastercard, đồ điện tử có thể sẽ là lựa chọn hàng đầu trong mùa mua sắm này, ước tính tăng trưởng 6%. Thực tế cho thấy, Best Buy đã khởi động các giao dịch Black Friday vào cuối tháng 10, với các ưu đãi như Play Station 5 có giá 499,99 USD tặng kèm game "Call of Duty: Modern Warfare III" hoặc "Spider-Man 2" của Marvel. Iphone cũng là một sản phẩm “hot” bởi sự kiện iphone 15 vừa ra mắt đã thu hút được thêm nhiều người tiêu dùng.
Vào năm nay, giới chuyên môn dự báo, doanh số bán hàng ngày lễ tại Mỹ sẽ tăng từ 3% đến 4% trong tháng 11 và tháng 12, tốc độ tăng chậm nhất trong 5 năm trở lại đây. Riêng chi tiêu trên trang thương mại trực tuyến trong dịp lễ này dự kiến sẽ tăng 5,7% lên khoảng 9,6 tỷ USD. Báo cáo của công ty Fintech Finder cho thấy, sẽ có khoảng 132 triệu người Mỹ tham gia đợt khuyến mãi mua sắm khủng này.
Tuy vậy, Dana Telsey, Giám đốc Điều hành của Telsey Advisory Group, nhận định Black Friday năm nay sẽ không quan trọng bằng các năm khác. Bà cho biết: “Khi Giáng sinh rơi vào thứ Hai, yếu tố trì hoãn sẽ lớn hơn vì người mua hàng có thể đợi đến thứ Bảy hoặc Chủ nhật trước Lễ Giáng sinh để nhận quà”. Công ty phân tích bán lẻ Sensormatic Solutions cũng đồng tình, với dự đoán rằng trong suốt kỳ nghỉ lễ, lượng khách đến các cửa hàng vào dịp Black Friday năm nay dự kiến sẽ giảm nhẹ 3,5% so với năm ngoái.
Mặc dù hầu hết các cửa hàng ở Mỹ sẽ đóng cửa vào Lễ Tạ ơn năm nay, mở cửa cho người mua sắm lúc 5 giờ sáng hoặc 6 giờ sáng Thứ Sáu, một số nhà bán lẻ đang quảng cáo chương trình giảm giá trực tuyến bắt đầu từ 12h01 sáng vào Lễ Tạ ơn. Đồng thời, các nhà bán lẻ lớn và nhỏ đang khuyến khích đặt hàng trực tuyến và nhận hàng soạn sẵn (dịch vụ khách hàng sẽ tìm mua sản phẩm và trả phí ngay trên hệ thống online của cửa hàng, nhân viên soạn hàng xong sẽ cho vào túi. Khách hàng chỉ việc đến đọc số đơn và lấy hàng) để tạo sự thuận tiện cho những người mua hàng muốn tránh việc phải đến cửa hàng.
Trong khi đó, tại châu Âu, nhiều nhà bán lẻ cố tình giữ kín kế hoạch tuyển dụng tạm thời trong mùa lễ hội cuối năm. Tình trạng thiếu lao động là một thách thức đối với các nhà bán lẻ tại đây, bởi điều đó đồng nghĩa với việc người mua hàng có thể tìm được ít nhân viên hơn để tư vấn hay trợ giúp họ. Theo dự báo của Adobe, tại Vương quốc Anh, chi tiêu trực tuyến trong dịp Black Friday năm nay dự kiến sẽ tăng 4,5% lên 1,05 tỷ bảng Anh (1,30 tỷ USD).