Có thể nói, “chiếc bánh” thị trường bán lẻ hiện đang được phân ra làm hai phần: Các kênh bán lẻ truyền thống như chợ hay cửa hàng tạp hóa chiếm khoảng 75%, còn các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị hay trung tâm thương mại chiếm khoảng 25%. Chính vì mới chỉ bao phủ 1/4 thị trường, kênh bán lẻ hiện đại còn rất nhiều dư địa để phát triển. Năm nay, “miếng bánh” 25% này còn chứng kiến cuộc đua giành thị phần của những tên tuổi cả nội và ngoại.
QUYẾT TÂM CỦA CÁC “ÔNG LỚN”
Theo Bangkok Post, mới đây, Tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan, Tập đoàn Central Retail Corporation (CRC) đã công bố khoản đầu tư trị giá 50 tỷ Baht (1,45 tỷ USD) vào Việt Nam giai đoạn 2023 - 2027. Ông Olivier Langlet, Giám đốc điều hành của Central Retail Việt Nam đánh giá: “Nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục tăng trưởng bất chấp những bất ổn. Tôi kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng lần lượt là 6,7% và 7,2% vào năm 2023 và 2024, so mức 3,5%/năm của Thái Lan trong 2 năm tới. Điều này sẽ đưa Việt Nam trở thành thị trường phát triển nhanh nhất Đông Nam Á”.
Bên cạnh Central Retail, Aeon (tập đoàn bán lẻ Nhật Bản) cũng dự định đẩy mạnh mở rộng tại Việt Nam, tăng gấp 3 lần số lượng trung tâm thương mại vào năm 2025 nhằm tìm kiếm lợi thế trong lĩnh vực thực phẩm. Ông Tanaka Kosei, Phó Tổng Giám đốc Khối Văn phòng cuả Aeon Việt Nam, nhận định: “Việt Nam là nước có nhiều chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI đầu tư kinh doanh. Năm nay chúng tôi sẽ mở rộng thêm nhiều trung tâm mua sắm mới trên các tỉnh thành, phát triển bán hàng đa kênh, giữ giá cả và gia tăng hàng Việt trong siêu thị”.
Một nhà bán lẻ lớn khác đến từ Thái Lan là MM Mega Market Việt Nam cũng hoạt động tích cực tại thị trường 100 triệu dân khi gần đây khai trương kho cung ứng thứ 5 tại Sa Pa. Ông Bruno Jousselin, Tổng Giám đốc điều hành của MM Mega Market Việt Nam, cho biết: “Vài năm trở lại đây, MM Mega Market Việt Nam liên tục mở rộng các trạm trung chuyển hàng hóa, các kho cung ứng thực phẩm từ Nam ra Bắc. Chiến lược này nhằm tăng chất lượng sản phẩm, đa dạng nguồn cung ứng cho khách hàng và mở rộng cả mảng xuất khẩu hàng hóa ra khu vực”.
Đối với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Thường trực WinCommerce chia sẻ, năm 2023, WinCommerce đang có hơn 3.400 điểm bán trên cả nước, hơn 2 triệu khách hàng thân thiết. Doanh nghiệp dự kiến tiếp tục mở hơn 1.000 cửa hàng mới và kỳ vọng tăng 25% doanh thu cấp cửa hàng. Thay vì mở rộng mô hình siêu thị/đại siêu thị, doanh nghiệp cho biết, năm nay sẽ tập trung vào mô hình cửa hàng đa tiện ích, siêu thị mini ở cả khu vực thành thị lẫn nông thôn để củng cố vị thế chuỗi bán lẻ.
Đạt doanh số gần 31 nghìn tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra, mảng thương mại điện tử đóng góp hơn 1.200 tỷ đồng vào doanh số, kết quả kinh doanh năm vừa qua đã giúp Saigon Co.op vươn lên vị trí số 1 về bán lẻ siêu thị. Doanh nghiệp đang tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng mạng lưới phân phối để đạt mục tiêu tăng trưởng 4,5% trong năm nay.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết: “Trong năm 2023, Saigon Co.op sẽ củng cố, thúc đẩy thương mại điện tử, đó là xu hướng tất yếu mà những nhà bán lẻ xác định phải đi theo. Trong đó tích hợp trải nghiệm khách hàng tốt hơn thông qua công nghệ AI, dùng công nghệ thấu hiểu hơn hành vi của khách hàng, qua đó kết nối giữa người dùng và nhà cung cấp hiệu quả hơn”.
Một báo cáo mới đây của Bộ Công Thương cho thấy, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD và dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% GDP. Trên thực tế, doanh nghiệp trong nước vẫn chiếm ưu thế trên “sân nhà”, với khoảng 70 - 80% số điểm bán trên cả nước. Có thể kể đến các tên tuổi lớn với hàng nghìn điểm bán như WinMart, Co.op Mart, Bách hóa Xanh…
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 11-2023 phát hành ngày 13-03-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam