Một trong những định hướng thực hiện trong năm 2025 được Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông tin tại Hội nghị triển khai công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2025.
TIỆM CẬN MỤC TIÊU BẢO HIỂM Y TẾ TOÀN DÂN
Nhìn lại năm 2024, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết năm qua, ngành tiếp tục mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tiệm cận mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.
Thống kê tính đến ngày 31/12/2024, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 20,11 triệu người, tăng 9,2% so với năm 2023, đạt tỷ lệ 42,71% so với lực lượng lao động trong độ tuổi.
Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khoảng 2,3 triệu người, đạt khoảng 4,9% lực lượng lao động trong độ tuổi (tăng gấp 10,2 lần so với năm 2017). Số người tham gia bảo hiểm y tế là 95,52 triệu người, tăng 2% so với năm 2023, đạt tỷ lệ 94,2% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Khoảng 16,09 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng 8,8% so với năm 2023, đạt khoảng 34,18% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Quyền lợi của người thụ hưởng chính sách luôn được đảm bảo đầy đủ, kịp thời. Trong năm 2024, tổng số chi các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp khoảng hơn 351.300 tỷ đồng.
Toàn ngành hiện đang quản lý và chi trả cho gần 3,4 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; hơn 9 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết hơn 923.000 người hưởng trợ cấp thất nghiệp…
Về bảo hiểm y tế, năm 2024, cả nước có 186,2 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nội trú và ngoại trú (tăng hơn 12,2 triệu lượt người so với cùng kỳ năm 2023); với số tiền đề nghị thanh toán là hơn 142.900 tỷ đồng (tăng 21.764 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023).
Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và sự hài lòng của người dân.
Bên cạnh việc đảm bảo quyền lợi người tham gia, Quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế còn là nguồn tài chính quan trọng của quốc gia. Với tỷ lệ đầu tư vào trái phiếu Chính phủ (trong năm 2024 dự kiến đạt 80%), giúp Chính phủ điều hành vĩ mô, huy động nguồn vốn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Liên quan đến tinh gọn bộ máy, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, bộ máy tổ chức, biên chế của ngành tiếp tục được tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần của các Nghị quyết của Đảng.
Phân công công việc đảm bảo 5 rõ (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả); trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu ngày càng được nâng cao; chất lượng cán bộ ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh khối lượng công việc ngày càng lớn.
GIẢI QUYẾT, CHI TRẢ KỊP THỜI CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM CHO NGƯỜI DÂN
Về nhiệm vụ của năm 2025, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhận định năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt, là năm diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ XI; thực hiện cải cách, tinh gọn bộ máy hành chính và nỗ lực, thi đua lập thành tích xuất sắc kỷ niệm 30 năm ngày thành lập ngành.
Do đó, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu toàn ngành tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp. Ông đề nghị ngành chủ động nắm bắt, đánh giá những vướng mắc trong thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho phù hợp.
Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.
Ngành cũng cần tăng cường công tác kiểm soát rủi ro; khai thác, phát huy tối đa hiệu quả công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của ngành để kiểm tra, phòng ngừa gian lận, trục lợi quỹ.
Cùng với đó, quản lý cơ chế tài chính các quỹ đảm bảo đúng quy định an toàn, bền vững, hiệu quả, tối ưu hóa phương án đầu tư; đảm bảo tiền sinh lời của hoạt động đầu tư hoàn thành kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao.
Công tác giám định bảo hiểm y tế cũng cần được tăng cường, chặt chẽ, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng quy định, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Ngành cũng cần tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; mở rộng các hình thức cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đẩy nhanh chuyển đổi số; hoàn thiện và kết nối hệ thống dữ liệu chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm...
Đặc biệt là quán triệt Nghị quyết của Trung ương, chỉ đạo của Ban chỉ đạo sắp xếp, tinh gọn bộ máy các cấp; tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu.
Tiếp tục tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, hành chính; thực hiện nghiêm quy trình, quy chế của ngành; phân công, phân nhiệm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả” đi đôi với kiểm tra, giám sát…