Ngày 1/11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo và Triển lãm bên lề “Diễn đàn thực hành môi trường tốt nhất sẵn có cho các trang trại chăn nuôi hướng tới nền nông nghiệp tuần hoàn”.
Cùng với hội thảo, triển lãm bên lề với có tham gia của 14 doanh nghiệp vừa và nhỏ cung cấp dịch vụ máy phát điện biogas, thiết bị và các sản phẩm xử lý nước thải, chất thải, phân bón hữu cơ và cung cấp giải pháp năng lượng tái tạo.
NGÀNH CHĂN NUÔI PHÁT THẢI 15 TRIỆU TẤN CO2
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết vị trí ngành chăn nuôi hàng năm đóng góp 25 - 26% vào GDP của ngành Nông nghiệp và là một trong những phân ngành nông nghiệp phát triển nhanh nhất, kể cả trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Trong 10 năm qua, duy trì mức tăng trưởng từ 4,5 đến 6%. Do vậy, đã từ lâu, ngành chăn nuôi được xác định là một ngành chủ lực, cần phải chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn.
Bên cạnh những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, ngành chăn nuôi cũng đặt ra nhiều thách thức cho vấn đề bảo vệ môi trường và phát thải khí nhà kính. Ước tính mỗi năm có trung bình 61 triệu tấn phân và trên 304 triệu m³ nước thải chăn nuôi được thải ra từ các loại vật nuôi chính.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, thực tiễn cho thấy ngành chăn nuôi đã và đang tác động đến môi trường. Nếu chất thải chăn nuôi không được kiểm soát tốt sẽ phát thải gần 15 triệu tấn CO2 mỗi năm. Vì vậy, chăn nuôi thời gian tới cần phát triển theo quy mô công nghiệp, năng suất cao và sản lượng lớn, đồng thời khuyến khích chăn nuôi hộ phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa và chăn nuôi hữu cơ theo mô hình kinh tế tuần hoàn, xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư thuận lợi cho xử lý môi trường và kiểm soát dịch bệnh.
Những năm qua, ngành chăn nuôi đã sự chuyển biến không chỉ ở tốc độ tăng trưởng nhanh, mà còn ở việc xử lý chất thải chăn nuôi tương đối tốt. Thực hiện chuyển đổi khối lượng rất lớn chất thải rắn được xử lý để tái sử dụng, tái sản xuất phục vụ trở lại cho chăn nuôi: Tạo ra khí sinh học, phân bón phục vụ cây trồng, nuôi giun làm thức ăn chăn nuôi, thức ăn cho thủy sản… Như vậy, không chỉ ngành chăn nuôi phát triển, mà ngành trồng trọt cũng được hưởng lợi, tạo thành một quy trình khép kín, đồng bộ và bền vững.
Dự án Chương trình khí sinh học cho ngành Chăn nuôi được Chính phủ Hà Lan và Tổ chức SVN hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện từ năm 2003 đến năm 2020 với 03 giai đoạn đã mang lại hiệu quả và thay đổi nhận thức rõ rệt trong việc xử lý và tận dụng chất thải, giảm thiểu ô nhiễm, sản xuất năng lượng tái tạo và xây dựng thị trường khí sinh học thương mại, tín chỉ carbon.
Ông Mark Tattersall, Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam bày tỏ niềm tự hào về mối quan hệ hợp tác giữa Chính phủ Australia và Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực cùng tham gia và cam kết cắt giảm phát thải khí metan toàn cầu với mục tiêu giảm ít nhất 30% đến năm 2030 so với mức năm 2020.
Sáng kiến BeCA nằm trong khuôn khổ Nền tảng Đối tác Doanh nghiệp (BPP) của Chính phủ Australia, với các đối tác là Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), Công ty cổ phần Công nghệ EGreen, Tổ chức Nexus…. Sự hợp tác trong nền tảng này góp phần tạo ra những tác động phát triển và bền vững cho nền chăn nuôi Việt Nam.
“Các giải pháp về công nghệ hiệu quả với chất lượng dịch vụ tốt cung cấp cho các trang trại chăn nuôi sẽ giúp chuyển đổi khí biogas thành điện, tiết kiệm chi phí điện năng, cải thiện chất lượng môi trường cũng như hướng tới nên nông nghiệp tuần hoàn”, ông Mark Tattersall nhấn mạnh.
Quá trình chuyển dịch năng lượng sạch tại Việt Nam là sáng kiến mới. Biến những chất thải từ chăn nuôi thành điện cũng như giảm phát thải khí methan để đạt hiệu quả về kinh tế, chất lượng cũng như tiếp cận toàn diện để hướng tới nông nghiệp tuần hoàn.
"Nếu lượng phát thải khí nhà kính cắt giảm có thể được lượng hóa cũng như thương mại sẽ trở thành nguồn thu đáng kể cho người nông dân", ông Mark Tattersall chia sẻ, đồng thời cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc đạt được các cam kết về khí hậu cũng như là chuyển dịch năng lượng với mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
NGÀNH CHĂN NUÔI CẦN CÓ PHƯƠNG THỨC GIÁM SÁT PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về chính sách, pháp luật và công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi hiệu quả, các quy định pháp luật về giảm phát thải khí nhà kính, cũng như cơ hội tiếp cận tài chính xanh. Các vướng mắc, bất cập trong triển khai các quy định tại phương và các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại cũng đã được trao đổi. Các giải pháp công nghệ xử lý nước thải, chất thải rắn, khí biogas cũng đã được các nhà khoa học, các doanh nghiệp thảo luận nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả cho các trang trại chăn nuôi.
Ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, cho rằng chuyển đổi xanh hiện nay đang là xu hướng không thể đảo ngược. Ngành Chăn nuôi là một trong các nguồn phát thải khí nhà kính như khí CH4, CO… có tiềm năng gây nóng lên toàn cầu.
Trên toàn thế giới, ngành chăn nuôi đóng góp từ 14-17% phát thải khí nhà kính. Ở Việt Nam, lượng phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi đóng góp khoảng 19% trong tổng phát thải của ngành Nông nghiệp.
Nhận thức được vấn đề này, Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững và đặt ra mục tiêu đạt Net Nero vào năm 2050.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, ông Thắng cho rằng ngành Chăn nuôi cần có các mô hình, phương thức giám sát việc giảm phát thải khí nhà kính, tiếp cận, áp dụng các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn… từ đó giảm phát thải khí nhà kính, quản lý chất thải theo hướng bền vững.
Cùng với đó, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích đối với các trang trại, cơ sở chăn nuôi đáp ứng các tiêu chí về sử dụng tài nguyên, vật liệu, tiết kiệm năng lượng và sản xuất năng lượng tái tạo như là giảm chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; tăng cường truyền thông về các mô hình chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, không chỉ về giải quyết chất thải mà cần phải giảm chất thải về khí nhà kính.
"Cần phải nhìn nhận một cách đầy đủ và hệ thống các nguyên tắc cơ bản của kinh tế tuần hoàn để thiết kế, từ đó xây dựng vận hành các hệ thống chăn nuôi theo hướng tuần hoàn; đánh giá mức độ phù hợp với trình độ quản lý, khả năng đầu tư của chủ trang trại, các loại hình chăn nuôi nhằm đảm bảo tính hiệu quả, bền vững", ộng Thắng khuyến nghị.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết trong Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi là một trong 5 đề án ưu tiên.
Theo đó, các địa phương cần tập trung triển khai và mở ra hướng mới cho chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn, đảm bảo phát triển chăn nuôi hiệu quả; trong đó có việc vận hành tái sử dụng chất thải chăn nuôi, khắc phục nhanh tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh, góp phần hình thành nền nông nghiệp phát thải thấp nhằm đạt mục tiêu của Chính phủ trong phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050".