August 02, 2021 | 13:11 GMT+7

Ngành chăn nuôi "khốn đốn" vì một kg gà không bằng một kg rau

Chu Khôi -

Giá gà công nghiệp lông trắng xuất chuồng tại các tỉnh miền Nam hiện chỉ còn 7.000-8000 đồng/kg, rẻ hơn một kg rau. Một con gà khoảng 3kg, giá bán chỉ khoảng 20.000 đồng. Trong khi đó, giá thành chăn nuôi 1 kg gà công nghiệp hơi vào khoảng 25.000 đồng/kg, nên mỗi kg gà xuất chuồng đang bị lỗ 17.000 đồng/kg...

Giá gà công nghiệp rẻ hơn rau.
Giá gà công nghiệp rẻ hơn rau.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 7 tháng đầu năm 2021, sản xuất chăn nuôi tăng mạnh.

Cụ thể: đàn heo hiện đạt 23.000.000 con tăng 10%; đàn gia cầm 510.000.000 con, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng sản lượng thịt 7 tháng ước đạt 3.690.000 tấn, trong đó thịt heo 2.300.000 tấn, thịt gia cầm 1.080.000 tấn, thịt trâu, bò 270.000 tấn, trứng 9.800.000.000 quả.

Riêng tại 19 tỉnh, thành phía Nam trong, thịt heo 1.060.000 tấn tăng 6,2%; thịt trâu bò 141.000 tấn tăng 7,3%, gia cầm 462.000 tấn, tăng 7,9%, trứng đạt 5.180.000.000 quả, tăng 5,5%.

HÀNG TRIỆU CON GÀ PHẢI ĐỐT BỎ VÌ KHÓ TIÊU THỤ

Tại Diễn đàn Kết nối cung cầu các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 31/7, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty San Hà cho hay: San Hà nói riêng và người nuôi gà nói chung đang phải khóc với giá gà.

Năm nay, do giá thức ăn tăng cao, nên giá thành gà công nghiệp nuôi trong chuỗi liên kết của San Hà lên tới 25.000-26.000 đồng/kg.

Khi dịch bệnh bùng phát, TP.HCM và các tỉnh trong khu vực phải giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu thụ gà trắng giảm tới một nửa bởi hàng loạt nhà máy đóng cửa, sinh viên, học sinh cũng đang phải nghỉ ở nhà. Cộng với những khó khăn trong khâu lưu thông, hiện giá gà trắng trên thị trường đã giảm mạnh xuống còn 8.000 đồng/kg.

Trong khi đó, mỗi con gà mà San Hà thu mua trong chuỗi liên kết vẫn theo mức giá ấn định trong hợp đồng, vào khoảng 40.000 đồng/con. Cộng với các chi phí giết mổ, vận chuyển, giá thành một con gà thành phẩm là 60.000 đồng/con.

Nhưng do giá gà hơi trên thị trường giảm mạnh, San Hà phải bán ra với giá khoảng 40.000 đồng/con. Mỗi ngày San Hà đưa ra thị trường khoảng 50.000 con gà nên đang bị lỗ khoảng 1 tỷ đồng/ngày.

Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, tỉnh Long An hiện có 2 triệu con gà lông màu chưa tiêu thụ được.

"Việc nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phải tạm ngừng hoạt động hay thiếu hụt nhân công trầm trọng do dịch bệnh đang tác động không nhỏ tới tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi", bà Khanh trăn trở.

 
Tại Long An, hiện chỉ còn 28/44 cơ sở giết mổ còn hoạt động, khiến cho sản lượng giết mổ có kiểm soát giảm mạnh. Tính riêng trong đêm 30/7, so với thời điểm trước dịch, lượng trâu bò giết mổ giảm 70%, heo giảm 31%, gia cầm giảm 89%.
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, cho biết giá gà trắng trên địa bàn đã giảm xuống còn khoảng 7.000 đồng/kg. Một con gà khoảng 3kg, giá bán chỉ khoảng 20.000 đồng, rẻ hơn cả giá một kg rau.

“Không chỉ giá xuống thấp, các trại chăn nuôi gà ở Tây Ninh đang phải kêu trời vì hầu như không tiêu thụ được. Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đang có khoảng 1 triệu con gà trắng bị ế đọng. Vì thế, có cơ sở chăn nuôi phải đốt bỏ hàng triệu con gà con do không có chuồng để thả nuôi và khó khăn về nguồn thức ăn.”, ông Xuân phản ánh.

Mặc dù Chính phủ có chỉ đạo về việc tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông cho các phương tiện vận tải hành hóa phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, xuất nhập khẩu có mã QR code, nhưng với hàng nghìn trạm kiểm soát dịch bệnh trên đường, mà trong đó, nhiều trạm vẫn yêu cầu giấy chứng nhận xét nghiệm Covid-19 với các xe đã có QR code nên vẫn gây nhiều khó khăn cho việc vận chuyển nông sản.

Vướng mắc nhất hiện nay trong khâu lưu thông nông sản, vật tư nông nghiệp, vẫn là chưa có sự thống nhất giữa các tỉnh trong việc kiểm soát các phương tiện vận tải hàng hóa. Theo ông Xuân, việc nhiều địa phương xiết chặt các biện pháp phòng chống dịch để bảo vệ các "vùng xanh", "vùng vàng", cộng với cách xử lý của các chốt kiểm soát mỗi nơi mỗi khác, cũng đang làm cho việc lưu thông gặp phải không ít khó khăn, thách thức.

THỦY SẢN "TẮC" ĐẦU RA

Ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thuỷ sản) cho biết, 19 tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội là nơi tập trung tới 70% sản lượng nuôi trồng, chế biến thủy sản cả nước.

Trong đó, cá tra tập trung 100% tại Đồng bằng sông Cửu Long với sản lượng 1,55 triệu tấn; sản lượng tôm trên 780.000 tấn chiếm 85% sản lượng tôm cả nước.

Ước tính riêng trong quý 3/2021, tổng sản lượng thủy sản của cả vùng đạt khoảng 1,45 triệu tấn; trong, đó nuôi trồng là 1 triệu tấn và khai thác 450.000 tấn.

 
"Hoạt động chế biến thủy sản cũng đang đối mặt thách thức lớn, hiện nay đã có 18/30 nhà máy chế biến phải ngừng hoạt động do không đáp ứng được yêu cầu sản xuất “3 tại chỗ”. Số nhà máy còn lại cũng phải cắt giảm hơn 50% số lao động, dẫn đến công suất sơ chế, chế biến thủy sản toàn tỉnh giảm sút đáng kể".
Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang.

Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang chia sẻ, hiện tỉnh có 2.000 tấn tôm càng xanh đến thời kỳ thu hoạch và số lượng lớn nhuyễn thể chưa tìm được đầu ra.

Theo ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, việc giới hạn thời gian ra đường từ 6 giờ sáng -18 giờ hàng ngày, cộng với thiếu nhân lực khiến việc thu hoạch, sơ chế thủy sản bị chậm. Số lượng tôm, cá quá ngày thu hoạch tồn lại trong ao khá nhiều.

Chưa kể, UBND Tiền Giang vừa thông báo sẽ dừng toàn bộ hoạt động  của doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp từ ngày 5/8 tới, trong đó có nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản sẽ khiến nguy cơ ùn ứ thủy sản tại địa phương ngày càng nghiêm trọng hơn.

Trước thực tế trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, Bộ đã có văn bản gửi lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phía Nam đề nghị giao quyền chủ động cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cùng phòng nông nghiệp các huyện lập danh sách các công nhân lao động tại các nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm, nông dân tham gia thu hoạch trên đồng ruộng…  

Qua đó, giúp cho việc thu hoạch nông sản ở các địa phương không bị gián đoạn, các cơ sở giết mổ, nhà máy chế biến, đóng gói thực phẩm tiếp tục duy trì sản xuất.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các cơ sở giết mổ, nhà máy chế biến thực phẩm được ưu tiên tiêm vacxin phòng Covid-19 cho người lao động. Các tỉnh, thành vẫn phải duy trì các lò giết mổ để tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm nội tỉnh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành cần phải trao đổi với Sở Giao thông - Vận tải, Sở Y tế để có quan điểm chung nhằm tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển sản phẩm chăn nuôi, thủy sản.

Chia sẻ với những khó khăn trên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh: "Sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, là không thể ngừng lại. Do đó, chúng ta phải động viên nông dân, công nhân, các cơ sở, doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất để đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, đồng thời phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, lưu thông”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate