Theo nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, chăn nuôi nằm trong nhóm ngành được dự báo sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực nhất sau khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ngành chăn nuôi, hiện được đánh giá là sinh kế của gần 10 triệu người Việt Nam, có thể chịu tác động rất nặng nề sau khi gia nhập TPP. Hiện nay, ngành chăn nuôi có đặc điểm quy mô nhỏ, sản xuất thiếu tập trung, hơn 50% sản phẩm đến từ các nông hộ.
Theo Giám đốc VEPR, TS. Nguyễn Đức Thành, chăn nuôi không phải ngành mà Việt Nam hiện đang có lợi thế, sự gia tăng cạnh tranh từ hàng nhập khẩu sẽ buộc ngành này phải tái cấu trúc mạnh mẽ để tăng hiệu quả và tồn tại.
Ông phân tích, ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay có đặc điểm là sản xuất nhỏ lẻ, lệ thuộc vào nhập khẩu, ô nhiễm môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm thấp, liên kết lỏng lẻo dẫn đến năng suất thấp, khả năng cạnh tranh yếu, và vì thế không có nhiều lợi ích trong thương mại.
Mặc dù vậy, TS. Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nói rằng sau khi gia nhập TPP, ngành chăn nuôi Việt Nam cũng được hưởng một số lợi ích nhất định.
Cụ thể, các dòng thuế liên quan đến chăn nuôi như giống, trang thiết bị, vaccine, thuốc thú y, thiết bị động lực học và cơ khí học phục vụ cho chăn nuôi sẽ được nhập về mà không phải chịu thuế.
Tuy nhiên, ông Chinh chỉ ra rằng ngành chăn nuôi Việt Nam hiện có nhiều sản phẩm mà khả năng cạnh tranh rất thấp.
Chẳng hạn, gà công nghiệp lông trắng của Việt Nam có giá 29-30 nghìn đồng/kg gà hơi. Trong khi đó, giá đùi gà Mỹ nhập khẩu trên thị trường Việt Nam hiện khoảng 20 nghìn đồng/kg. Từ đó, có thể thấy sức cạnh tranh của gà công nghiệp sản xuất tại Việt Nam sẽ ở mức nào sau khi gia nhập TPP.
Một ví dụ khác. Lợn hơi nạc 52 - 53% của Việt Nam có giá từ 45 - 55 nghìn đồng/kg, trong khi giá sản phẩm tương đương trên thị trường Mỹ chỉ bằng... một nửa.
Quan điểm cần chấp nhận có những ngành thua, có những ngành sẽ thắng, được chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh. Bà Lan nói, cần tránh tình trạng “tất cả đều là mũi nhọn”, chú trọng phát triển những ngành thế mạnh, chứ không chia nhỏ nguồn lực vào quá nhiều ngành, và cuối cùng không mang lại hiệu quả.
Cụ thể, trong lĩnh vực chăn nuôi, bà Lan cho rằng nên thẳng thắn nhìn nhận Việt Nam có và không có lợi thế ở đâu, chứ không thể phát triển đồng đều tất cả trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.
Vấn đề truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm chăn nuôi cũng được nhiều chuyên gia đặc biệt quan tâm trong bối cảnh ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng phải cạnh tranh với các nước thành viên TPP khác. Quy chuẩn về truy xuất nguồn gốc sẽ góp phần bảo vệ người tiêu dùng, giúp doanh nghiệp kiểm soát, quản lý quá trình sản xuất và hỗ trợ giải quyết các mâu thuẫn phát sinh.
Hiện nay, Việt Nam vẫn là một trong số ít các nước hiện đang tiêu dùng sữa hoàn nguyên (sữa nước được làm từ việc pha sữa bột (nhập khẩu) với nước). Thế nhưng, một nghịch lý hiện đang tồn tại là giá sữa hoàn nguyên trên thị trường không thấp hơn mấy so với sữa tươi, nhưng hàm lượng dinh dưỡng của loại sữa này chỉ đạt 70 - 80% so với sữa tươi.
Ngoài ra, giá thành sản xuất sữa tươi của Việt Nam hiện ở mức quá cao.
Ví dụ, giá thành một lít sữa tươi ở New Zealand rơi vào khoảng 30-32 cent/lít, thì ở Việt Nam con số này lên đến 60 cent/lít. Chính vì yếu tố trên mà sữa tươi chưa được sử dụng nhiều để sản xuất các sản phẩm sữa.
Nhóm nghiên cứu VEPR vì vậy khuyến nghị: cần nêu rõ tỷ lệ phần trăm của các thành phần chính trong sữa nước và sữa chua, nêu rõ tỷ lệ phần trăm của các thành phần chính trong sữa nước và sữa chua, nếu là 100% sữa tươi thì có xuất xứ từ trang trại nào.
VEPR hy vọng, đề xuất trên nếu được đưa vào thực tế sẽ giúp đưa giá sữa tươi và sữa hoàn nguyên về đúng giá thực tế.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate