August 16, 2018 | 08:05 GMT+7

Ngành công nghiệp đóng gói bao bì Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư

Tuyến Nguyễn

Trong 3 năm qua, Việt Nam có sức hút mạnh mẽ các nhà sản xuất trên thế giới đầu tư xây nhà máy vì có những lợi thế riêng về thị trường

Xu hướng bao bì hiện nay không chỉ đòi hỏi phải mỏng, nhẹ, thân thiện với môi trường, thiết kế và in ấn đẹp mắt, ấn tượng mà ngày càng cao hơn.
Xu hướng bao bì hiện nay không chỉ đòi hỏi phải mỏng, nhẹ, thân thiện với môi trường, thiết kế và in ấn đẹp mắt, ấn tượng mà ngày càng cao hơn.

Với mức tăng trưởng hàng năm hai con số, ngành công nghiệp chế biến và đóng gói bao bì Việt Nam được đánh giá là khá hấp dẫn với các nhà cung cấp máy móc thiết bị hoạt động trong ngành cũng như xu hướng doanh nghiệp ngoại mở rộng đầu tư, thâu tóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này trong nước.

Tăng trưởng hai con số

Ông Nguyễn Ngọc Sang, Chủ tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam (Vinpas), chia sẻ rằng lĩnh vực bao bì đóng gói tăng trưởng trung bình trên 10 - 15%/năm trong nhiều năm qua và là ngành đóng vai trò quan trọng trong việc bảo quản - thúc đẩy thương mại hàng hóa. Tốc độ tăng trưởng trên được xem là khá ấn tượng với nhiều nhà đầu tư và ngành này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong thời gian tới.

Nguyên nhân được giới phân tích nhận định là do sản xuất hàng hóa trong nước phục vụ cho thị trường tại chỗ và xuất khẩu được dự báo sẽ tiếp tục phát triển rất mạnh trong thời gian tới, dẫn đến nhu cầu bao bì sẽ rất lớn.

Trong 3 năm qua, Việt Nam có sức hút mạnh mẽ các nhà sản xuất trên thế giới đầu tư xây nhà máy vì có những lợi thế riêng về thị trường, nguồn nhân lực cạnh tranh và môi trường đầu tư được cải thiện. Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng bị áp lực cạnh tranh nên cũng phải cải tiến sản xuất hiệu quả cũng như đầu tư vào bao bì đóng gói để tăng sức cạnh tranh.

Đáng chú ý, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm đóng gói, đồ uống đóng chai và dược phẩm ngày càng tăng cao, dẫn đến việc gia tăng các sản phẩm bao bì. Các nhà đầu tư nước ngoài dự báo trong những năm tới tăng trưởng hàng năm của ngành bao bì Việt Nam sẽ không dưới hai con số.

Với mức tăng trưởng ngành trên 10%/năm này được xem là mức đáng "thèm khát" của các tập đoàn nước ngoài. Điều này dẫn đến thị trường trong 3 năm qua đã chứng kiến những thương vụ mua bán sáp nhập mà bên bán là các doanh nghiệp Việt Nam.

Ngay cả những doanh nghiệp hoạt động trong ngành này chưa có nhà máy sản xuất ở Việt Nam giờ đây cũng đang cho triển khai xây dựng. Cụ thể, lâu nay, sản phẩm bao bì đóng gói của Tetra Pak cung cấp ở Việt Nam được nhập khẩu chủ yếu từ nhà máy của Tetra Pak ở Singapore và Ấn Độ.

Tuy nhiên, vì nhìn thấy thị trường Việt Nam còn tiềm năng phát triển, vào tháng 10 rồi, Tetra Pak đã cho xây nhà máy đầu tiên của mình ở Việt Nam tại tỉnh Bình Dương dự kiến sẽ khai thác vào năm tới, nhằm rút ngắn thời gian, đáp ứng nguồn cung ổn định cho các nhà sản xuất trong nước.

Nhà cung cấp thiết bị đón thị trường

Nhìn thấy tiềm năng lớn của thị trường này, các nhà cung cấp máy móc thiết bị quốc tế đang tăng cường sự hiện diện ở Việt Nam thông qua việc tham gia các triển lãm, hội chợ chuyên ngành ở trong nước.

Cụ thể theo Nhà tổ chức Triển lãm quốc tế chuyên ngành đóng gói bao bì, in ấn và công nghiệp chế biến thực phẩm 2018 (Vietnam PrintPack & Foodtech 2018) sẽ diễn ra từ ngày 29-8 đến 1-9 tới tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sài Gòn (SECC), 799 Nguyễn Văn Linh, Tp.HCM, đến nay triển lãm đã thu hút đông đảo các nhà cung cấp máy móc thiết bị quốc tế tham gia.

Nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới như ACE Machinery (Hàn Quốc), J&V Wonder Printing, Trung Mỹ Á (Việt Nam), Uchida Yoko Global (Nhật Bản), Sansin (Trung Quốc)… sẽ góp mặt tại triển lãm này.

Tại triển lãm năm nay, Hiệp hội Thương mại Bao bì Hàn Quốc (KOPTA), sẽ giới thiệu công nghệ in và đóng gói bao bì mới nhất cho nhiều ngành khác nhau. HPM Global trưng bày các loại túi tuỳ chỉnh đáp ứng nhu cầu của các nhà sản xuất, và công nghệ đóng gói hút chân không của Gasungpak (Hàn Quốc) cũng có mặt tại triển lãm năm nay.

Vietnam PrintPack & Foodtech 2018 còn được sự hỗ trợ của nhiều hiệp hội và tổ chức có uy tín như Hiệp hội bao bì Việt nam (Vinpas), Hiệp hội in Việt Nam (VPA), Hiệp hội in Tp.HCM, Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), Hiệp hội Sơn và Mực in Việt Nam (VPIA), Hiệp hội Tự động hoá Tp.HCM (HAuA) và nhiều hiệp hội quốc tế khác.

Đến nay, Vietnam PrintPack & Foodtech 2018 thu hút hơn 380 đơn vị từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Theo ban tổ chức, tất cả đã sẵn sàng để thiết lập quan hệ đối tác với các doanh nghiệp sản xuất trong nước với hàng loạt các công nghệ bao bì, in ấn tiên tiến, phụ kiện, phụ tùng máy móc… nhằm góp phần tạo nên một diễn đàn mua sắm chuyên nghiệp cho các doanh nghiệp trong ngành.

Đáng chú ý, xu hướng bao bì hiện nay không chỉ đòi hỏi phải mỏng, nhẹ, thân thiện với môi trường, thiết kế và in ấn đẹp mắt, ấn tượng mà ngày càng cao hơn. Đó là bao bì phải thông minh với hình mờ kỹ thuật số và mã vô hình có thể được quét bằng cách sử dụng điện thoại thông minh của người tiêu dùng (và các nhà bán lẻ) đang trở nên phổ biến rộng rãi...

Do đó, những công nghệ mới nhất của ngành này trên thế giới sẽ được các nhà cung cấp giới thiệu và trình làng tại triển lãm.

Một điểm nhấn của triển lãm năm nay nữa là nằm ở diễn đàn công nghiệp do Hiệp hội in Việt Nam tổ chức. Diễn đàn sẽ giới thiệu đến khách tham quan công nghệ in 3D và cách ứng dụng vào ngành công nghiệp in tại Việt Nam cũng như phát triển các ứng dụng in 2D, 3D trong ngành công nghiệp in Việt Nam.

Sau 17 lần tổ chức, Vietnam PrintPack & Foodtech đã thu hút được sự quan tâm ngày càng nhiều từ các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận thị trường Việt Nam. Triển lãm do Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại và Tiếp thị Yorkers và Công ty TNHH Quốc tế Chan Chao phối hợp với Vinexad tổ chức dự kiến thu hút hơn 15.000 khách tham quan chuyên nghiệp.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate