Theo báo cáo tổng kết ngành năm 2021 của Hiệp hội da giày-túi xách Việt Nam (Lefaso), từ tháng 5/2021, dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại (đợt thứ 4) tại các tỉnh phía Nam, việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài hơn 5 tháng theo chỉ thị 16 của Chính phủ đã khiến 80% các nhà máy sản xuất da giầy khó khăn.
TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang,…là những địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp da giầy lớn trong các khu công nghiệp, chiếm gần 70% sản lượng và kim ngạch xuất khẩu của ngành phải đóng cửa do không đủ điều kiện thực hiện “3 tại chỗ” và “một cung đường, hai điểm đến”.
Tại các địa phương miền Trung và miền Bắc, các doanh nghiệp da giày hoạt động với công suất 50 – 80% do phải giãn cách xã hội và thiếu lao động.
Số ít các doanh nghiệp còn hoạt động, sản xuất cũng bị suy giảm do người lao động phải làm việc giãn cách, đồng thời phát sinh nhiều chi phí do đứt gẫy chuỗi cung nguyên phụ liệu, chi phí phòng chống Covid (xét nghiệm, tiêm chủng, lo ăn, ở 3 tại chỗ cho người lao động).
“Doanh nghiệp da giày bị thiệt hại lớn do phải ngừng hoặc giảm sản xuất, bị khách hàng hủy đơn hàng xuất khẩu, trong khi vẫn phải chịu các chi phí duy trì nhà máy, trả lương cho người lao động”, Lefaso nhấn mạnh.
Ngoài ra, cộng với tình trạng thiếu container rỗng, chi phí logistics và vận chuyển tàu biển quốc tế tăng cao (gấp 5-10 lần) xảy ra từ năm 2020 chưa trở về bình thường, cùng với chi phí nhiên liệu và giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng cao đã ảnh hưởng nhiều tới sản xuất, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Bức tranh ngành da giầy sáng sủa hơn khi từ tháng 10/2021 tình hình dịch bệnh được cải thiện tại các tỉnh phía Nam, doanh nghiệp đẩy mạnh phục hồi sản xuất trong điều kiện “bình thường mới” trên tinh thần sống chung với dịch bệnh theo Nghị định 128/2021/NĐ-CP ngày 11/10/2021.
Nhiều lao động bỏ về quê tránh dịch bệnh trong các tháng 8 và 9 đã quay lại sản xuất, doanh nghiệp cũng tăng cường tuyển dụng lao động.
Các doanh nghiệp đã tận dụng các chính sách hỗ trợ của nhà nước, tạo điều kiện cho người lao động trở lại làm việc trên cơ sở tuân thủ các quy định về an toàn dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đặc biệt là tận dụng tốt các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (nhất là hiệp định CPTPP và EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu trong các tháng cuối năm 2021.
Do đó, tính chung cả năm 2021 chỉ số sản xuất công nghiệp ngành da giày tăng 5,2% so với cả năm 2020, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 9,9% của năm 2019.
Năm 2021 tổng kim ngạch xuất khẩu da giầy đạt 20,78 tỷ USD (tăng 4,6% so với năm 2020). Trong đó xuất khẩu giày dép đạt 17,77 tỷ USD (tăng 6,1%); xuất khẩu valy, túi, cặp đạt gần 3,01 tỷ USD (giảm 3,2%) so với năm 2020.
Phân tích của Lefaso cho thấy, các thị trường truyền thống có sự phục hồi nhẹ sau tác động của dịch bệnh Covid-19 tại các châu lục.
Cụ thể, mức tăng mạnh nhất tại Bắc Mỹ (19,6%), tiếp đến là châu Âu (10,8%) và châu Đại Dương (8,9%). Mỹ là thị trường nhập khẩu da giày lớn nhất của Việt Nam, đạt 8764.6 triệu USD (tăng 15,8 %).
Trung Quốc là thị trường đứng thứ 2 đạt 1718,3 triệu USD (nhưng giảm 22,3%), Nhật Bản đạt 1066,7 triệu USD (giảm 10,1%). Kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh nhất tại Nam Mỹ (-31%).
Căn cứ tình hình kinh tế thế giới và diễn biến, kiểm soát dịch bệnh Covid 19 cũng như kết quả ký kết các đơn hàng của các doanh nghiệp năm 2022, Lefaso dự kiến năm 2022 tăng trưởng toàn ngành da giày – túi xách sẽ tăng 10-15% so với năm 2021, đạt khoảng 23-25 tỷ USD.