October 25, 2022 | 09:52 GMT+7

Ngành dầu khí Mỹ “chê” kế hoạch mua dầu dự trữ của ông Biden

An Huy -

Giới chức ở Washington hy vọng rằng kế hoạch trị giá nhiều tỷ USD này sẽ thổi một luồng sinh khí mới vào hoạt động khoan dầu đang trầm lắng ở Mỹ, nhưng các công ty dầu khí Mỹ lại nghĩ khác...

Một phần kho dự trữ dầu lửa chiến lược của Mỹ (SPR) - Ảnh: Getty/WSJ.
Một phần kho dự trữ dầu lửa chiến lược của Mỹ (SPR) - Ảnh: Getty/WSJ.

Sau khi xả lượng dầu lớn nhất từ trước đến nay từ dự trữ dầu lửa chiến lược (SPR) của Mỹ - kho dự trữ dành cho các tình huống khẩn cấp - chính quyền Tổng thống Joe Biden phát tín hiệu sẽ sớm mua lại dầu để làm đầy dự trữ này. Giới chức ở Washington hy vọng rằng kế hoạch trị giá nhiều tỷ USD này sẽ thổi một luồng sinh khí mới vào hoạt động khoan dầu đang trầm lắng ở Mỹ.

Tuy nhiên, trao đổi với tờ Wall Street Journal, nhiều nhà điều hành doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực dầu khí cho rằng kế hoạch mua dầu dự trữ của ông Biden khó thuyết phục các công ty dầu lửa ở Mỹ. “Mọi chuyện trên thực tế phức tạp hơn kế hoạch này”, CEO Oliver Le Peuch của công ty dịch vụ mỏ dầu Schlumberger phát biểu.

Hôm thứ Tư tuần trước, ông Biden lần đầu tiên nói rằng Bộ Năng lượng Mỹ sẽ bắt đầu gom mua dầu để làm đầy lại dự trữ SPR khi giá dầu giảm về mức 67-72 USD/thùng hoặc thấp hơn. Các quan chức chính phủ Mỹ cũng cho biết Bộ Năng lượng đã đưa ra một quy định cuối cùng cho phép cơ quan này được mua dầu ở một mức giá tương lai cố định. Họ tin cách này sẽ khuyến khích các công ty dầu lửa khoan dầu nhiều hơn.

Giới chuyên môn lại bày tỏ hoài nghi về việc kế hoạch của ông Biden có thể dẫn tới sự gia tăng mạnh mẽ trong sản lượng khai thác dầu của Mỹ trong ngắn hạn. Nhiều công ty dầu lửa ngại ký kết những hợp đồng bán dầu dài hạn giữa lúc thị trường hàng hoá cơ bản đang có sự biến động mạnh mẽ. Thay vào đó, họ muốn bán được dầu với mức giá cao khi đã có dầu trong tay. Chi phí khoan dầu gia tăng, cộng thêm áp lực từ nhà đầu tư đòi các công ty dầu khí hạn chế sản xuất và hoàn tiền dôi dư cho cổ đông cũng đang phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng sản lượng dầu.

SẢN LƯỢNG DẦU CỦA MỸ TĂNG DÈ DẶT DÙ GIÁ CAO

Theo chương trình xả dự trữ dầu của ông Biden, đợt xả cuối cùng với quy mô 15 triệu thùng sẽ diễn ra trong tháng 12 tới. Tổng quy mô của kế hoạch xả này là 180 triệu thùng dầu từ dự trữ SPR được đưa ra thị trường nhằm hạ nhiệt giá xăng dầu ở Mỹ, trong bối cảnh giá năng lượng toàn cầu tăng chóng mặt trong năm nay do ảnh hưởng của chiến tranh Nga-Ukraine và cử tri Mỹ lo lắng về lạm phát giữa lúc cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra vào đầu tháng 11.

Đây là chương trình xả dự trữ dầu lớn chưa từng có của Chính phủ Mỹ, khiến cho dự trữ SPR giảm về mức thấp nhất 38 năm. Ông Biden cho biết sẽ có những đợt xả tiếp theo nếu cần thiết. Dự trữ SPR có thể chứa 714 triệu thùng dầu, nhưng chỉ còn 405 triệu thùng vào thời điểm ngày 14/10.

 

Nhiều công ty dầu lửa ngại ký kết những hợp đồng bán dầu dài hạn giữa lúc thị trường hàng hoá cơ bản đang có sự biến động mạnh mẽ. Thay vào đó, họ muốn bán được dầu với mức giá cao khi đã có dầu trong tay.

Trong lúc dầu dự trữ được xả ồ ạt, sản lượng khai thác dầu của Mỹ tăng rất khiêm tốn. Cho dù giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng lên ngưỡng 120 USD/thùng vào đầu năm nay, các công ty dầu lửa của nước này vẫn tỏ ra dè dặt. Sản lượng khai thác dầu của Mỹ ở mức khoảng 12 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 14/10, chỉ tăng 6% so với thời điểm tháng 1.

Một lý do dẫn tới sự tăng trưởng dè dặt này là sức ép từ nhà đầu tư, những người vẫn còn cảm thấy bất an về quãng thời gian nhiều năm các doanh nghiệp dầu khi chi tiêu tự do. Họ yêu cầu các công ty dầu lửa giữ mức sản lượng về cơ bản đi ngang, và thay vào đó dùng lợi nhuận dôi dư để mua lại cổ phiếu và trả cổ tức. Kỷ luật vốn này cũng cho phép các công ty dầu lửa giải quyết gọn ghẽ các khoản nợ và trở nên vững vàng hơn để vượt qua sóng gió thị trường - giới phân tích nhận định.

Ông Biden kêu gọi các công ty dầu khí không nên dùng lợi nhuận để trả cho nhà đầu tư trong lúc chiến tranh đang diễn ra, đồng thời hối thúc họ tăng sản lượng dầu. Giới chức Mỹ nói kế hoạch làm đầy dự trữ SPR mang lại cho các công ty dầu khí một sự đảm bảo về nhu cầu trong tương lai, khuyến khích họ tăng cường việc khoan tìm dầu ở thời điểm hiện tại.

DOANH NGHIỆP DẦU KHÍ MỸ ĐANG NGHĨ GÌ?

Nhưng các tổ chức của giới doanh nghiệp dầu lửa lại cho rằng chính việc ông Biden xả dự trữ là nguyên nhân khiến tăng trưởng sản lượng dầu diễn ra chậm chạp trong những tháng gần đây, vì việc xả dự trữ làm cho giá dầu bị kéo xuống một cách giả tạo trong ngắn hạn, khiến các nhà khai thác dầu không tha thiết gì với việc đầu tư mỏ mới.

 

“Nếu nhà sản xuất nghĩ rằng giá dầu còn tăng cao hơn nhiều trong vòng 1 năm tới, họ sẽ chẳng đi phòng hộ bằng cách trước bán dầu với giá 70 USD/thùng”.

Giám đốc điều hành Marshall Adkins của ngân hàng đầu tư Raymond James Financial

CEO Linhua Guan của công ty khoan dầu Surge Energy nói rằng đề xuất mua dầu dự trữ của ông Biden có thể nhận được một vài sự hưởng ứng, nhưng các chính sách khác của vị Tổng thống đến từ đảng Dân chủ liên quan đến ngành dầu khí lại khiến cho việc đầu tư mới trở nên kém hấp dẫn. Wall Street Journal đã tiến hành rà soát các dữ liệu liên bang và nhận thấy việc thuê các mỏ dầu mới ở Mỹ đã chậm lại rất nhiều kể từ khi ông Biden lên cầm quyền.

“Chừng nào các chính sách bất lợi còn duy trì, thì sản lượng dầu tăng càng chậm”, ông Guan nói.

Khi còn tranh cử Tổng thống, ông Biden cam kết sẽ chấm dứt việc khoan dầu trên đất Mỹ, nói rằng nước Mỹ cần phải dịch chuyển sang năng lượng sạch.

Giám đốc điều hành Marshall Adkins của ngân hàng đầu tư Raymond James Financial nói rằng các công ty dầu khí ở Mỹ đang có chung một quan điểm rằng giá dầu sẽ duy trì ở mức cao trong tương lai gần, nên khó có chuyện họ sẽ bán trước dầu. Các công ty dầu đá phiến đã để mặc cho các hợp đồng phòng hộ (hedge) - thoả thuận bán dầu trong tương lai ở mức giá cố định - tự động hết hạn, nhằm tối đa hoá lợi ích từ sự tăng giá hàng hoá cơ bản.

Theo ông Adkins, việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) giảm sản lượng dầu, cộng thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, và khả năng nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc sớm khởi sắc có thể dẫn tới một sự thiếu hụt nguồn cung có khả năng đẩy giá dầu trở lại ngưỡng 120 USD/thùng hoặc cao hơn. “Nếu nhà sản xuất nghĩ rằng giá dầu còn tăng cao hơn nhiều trong vòng 1 năm tới, họ sẽ chẳng đi phòng hộ bằng cách trước bán dầu với giá 70 USD/thùng”, ông nói.

Khả năng chi phí nguyên liệu, trang thiết bị và nhân công tiếp tục tăng cũng khiến cho việc chốt một mức giá cố định trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà khai thác dầu khí - theo Chủ tịch Robert McNally của công ty tư vấn Rapidan Energy Group. “Các công ty dầu đá phiến không thể biết chi phí sản xuất trong 1-2 năm nữa sẽ như thế nào”, ông McNally phát biểu.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate