Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về xây dựng điện hạt nhân, bỏ lại các quốc gia khác với một khoảng cách lớn - theo CNBC.
Hãng tin này dẫn số liệu từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết Trung Quốc hiện có 21 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng, với tổng công suất hơn 21 gigawatt điện. Số lò phản ứng hạt nhân đang xây dựng này của Trung Quốc nhiều hơn ít nhất hai lần rưỡi so với của bất kỳ một quốc gia nào khác trên thế giới.
TRUNG QUỐC NHẤT THẾ GIỚI VỀ XÂY DỰNG ĐIỆN HẠT NHÂN
Đứng sau Trung Quốc về xây dựng điện hạt nhân là Ấn Độ với 8 lò phản ứng hạt nhân đang được thi công, với tổng công suất hơn 6 gigawatt điện. Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ ba với 4 lò phản ứng đang được xây dựng, tổng công suất 4,5 gigawatt.
Mỹ hiện chỉ có 1 lò phản ứng hạt nhân duy nhất đang được xây dựng, cũng là lò phản ứng thứ tư tại nhà máy điện Vogtle ở bang Georgia. Lò phản ứng này có công suất dự kiến hơn 1 gigawatt điện.
“Trung Quốc đang là nước đi đầu thế giới về công nghệ điện hạt nhân ở thời điểm này”, giáo sư khoa học hạt nhân Jacopo Buongiorno của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) nói với CNBC.
Tuy nhiên, nếu xét về năng lực điện hạt nhân hiện có, Mỹ vẫn là nước dẫn đầu thế giới. Nước này có 93 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, với tổng công suất hơn 95 gigawatt điện – theo IAEA. Nhiều lò phản ứng hiện có của Mỹ vẫn đủ tiêu chuẩn hoạt động trong thời gian dài, vì các lò phản ứng hạt nhân có thể được cấp phép hoạt động từ 60-80 năm.
Nước có nhiều lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động thứ hai là Pháp, với 56 lò, tổng công suất đạt hơn 61 gigawatt - theo IAEA. Trung Quốc đứng thứ ba với 55 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, tổng công suất hơn 53 gigawatt.
“Quan điểm chung là Mỹ đã và đang mất dần vị thế thống trị về năng lượng hạt nhân. Xu hướng này bắt đầu từ giữa những năm 1980. Trung Quốc bắt đầu xây lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của họ vào năm 1985, đúng thời điểm Mỹ bắt đầu giảm xây dựng điện hạt nhân”, ông Kenneth Luongo - Chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận về an ninh xuyên quốc gia và chính sách năng lượng Partnership for Global Security - nhận định với CNBC.
Các nhà máy điện hạt nhân mới thường được xây dựng ở các nền kinh tế đang phát triển, nơi nhu cầu điện tăng cao để phục vụ cho tăng trưởng kinh tế. Hơn 70% năng lực điện hạt nhân hiện có của thế giới nằm ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), nhưng gần 75% số lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng lại nằm ở các nước không thuộc OECD, trong đó khoảng một nửa nằm ở Trung Quốc - theo một báo cáo của Hiệp hội Hạt nhân Thế giới (WNA).
Khi nền kinh tế phát triển, sản lượng điện của nước này cũng phát triển theo. Tổng sản lượng điện của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đạt 7.600 terawatt vào năm 2020, tăng mạnh từ mức 1.280 terawatt vào năm 2000 - theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Hiện nay, điện hạt nhân mới chỉ chiếm khoảng 5% tổng sản lượng điện của Trung Quốc - theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Việc dùng than phát điện để đáp ứng nhu cầu điện gia tăng có thể gây ô nhiễm không khí. Trong khi đó, việc phát điện hạt nhân không gây khí thải hiệu ứng nhà kính - nguyên nhân của ô nhiễm không khí và sự nóng lên toàn cầu - nên Trung Quốc muốn dựa vào điện hạt nhân để có nguồn điện sạch một cách nhanh chóng.
“Trung Quốc đã chủ trương phát triển điện hạt nhân từ lâu, nhưng bây giờ, có vẻ như họ quyết tâm nâng công suất điện hạt nhân lên tới 150 gigawatt trong vòng 15 năm. Và có vẻ họ sẽ đạt được mục tiêu. Đó sẽ là cuộc mở rộng năng lực điện hạt nhân lớn nhất trong lịch sử tính đến bây giờ”, ông Buongiorno nói.
Trung Quốc khởi động chương trình điện hạt nhân bằng cách mua lò phản ứng từ Pháp, Mỹ và Nga, đồng thời tự xây dựng lò phản ứng của riêng mình là Hualong thông qua sự hợp tác với Pháp. Một lý do đằng sau sự phát triển mạnh mẽ của điện hạt nhân ở Trung Quốc là sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước đối với lĩnh vực năng lượng.
Theo một số chuyên gia, việc Trung Quốc phát triển mạnh điện hạt nhân sẽ giúp mang lại lợi ích cho khí hậu toàn cầu, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức chính trị.
“Sức mạnh và cam kết của Trung Quốc trong lĩnh vực điện hạt nhân là tốt cho công nghệ, cho an ninh năng lượng, ổn định lưới điện, nền kinh tế và tình trạng ô nhiễm không khí của Trung Quốc, cũng như việc chống biến đổi khí hậu của thế giới”, ông Buongiorno nhận định. “Nếu Trung Quốc bắt đầu xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân sang các quốc gia khác, thì mối lo ngại là sự phụ thuộc kinh tế-địa chính trị vào Trung Quốc thông qua các dự án điện hạt nhân”.
MỸ CÓ THỂ GIÀNH LẠI VỊ THẾ ĐIỆN HẠT NHÂN HAY KHÔNG?
Về phần mình, Mỹ vẫn có thể đuổi kịp và giành lại ưu thế về điện hạt nhân, theo các chuyên gia. Mỹ và châu Âu đã bắt đầu khởi động lại việc xây dựng năng lượng hạt nhân và đạt được một số thành công.
“Những nước này đã tái khởi động xây dựng nhà máy điện hạt nhân cách đây 10-15 năm. Trước đó, chuỗi cung ứng và lực lượng chuyên môn hầu như đã biến mất, dẫn tới chi phí phụ trội cao và các dự án bị chậm tiến độ”, ông Buongiorno phát biểu.
Một ví dụ điển hình là hai lò phản ứng hạt nhân mới ở nhà máy Vogtle Plant của Mỹ đã có thời gian xây dựng kéo dài hơn dự kiến ban đầu, và chi phí cũng vượt xa so với dự toán ban đầu.
“Mỹ đã khắc phục được sự phản đối chính trị đối với điện hạt nhân trong nước. Điện hạt nhân giờ là một chủ đề hiếm hoi có được sự đồng thuận của hai đảng”, ông Luongo nói với CNBC.
Một cuộc khảo sát gần đây của Pew Research Center cho thấy mức độ ủng hộ điện hạt nhân gia tăng ở cả cả cử tri Dân chủ và Cộng hoà: 57% người Mỹ ủng hộ việc xây thêm lò phản ứng hạt nhân để phát điện, tăng từ mức 43% vào năm 2020.
Chính phủ Mỹ hiện đang có chính sách hỗ trợ để duy trì hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân hiện có, bán bớt một số lò phản ứng hạt nhân lớn cho các nước Đông Âu. Tuy nhiên, nước này đặt tham vọng vào mở rộng thị trường cho lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ hơn và công nghệ phản ứng tiên tiến, đồng thời phát triển năng lực làm giàu nhiên liệu hạt nhân.
“Mỹ có thể đuổi kịp nếu công nghệ mới được phát triển ở Mỹ - với các lò phản ứng mô-đun nhỏ và lò phản ứng siêu nhỏ - đạt thành công về kỹ thuật và thương mại. Ở thời điểm này, thành công hay không là điều chưa ai dám chắc”, ông Buongiorno nhận định.