Nắng nóng cực đoan đang bao trùm nhiều khu vực trên cả nước, kéo theo nhu cầu sử dụng điện tăng vọt. Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, kể từ đầu tháng 4/2025, nền nhiệt tại khu vực Nam Bộ thường xuyên duy trì ở mức cao từ 35 - 37 độ C. Nắng nóng kéo dài khiến nhu cầu sử dụng điện phục vụ sinh hoạt, đặc biệt là làm mát, tăng mạnh.
Tại hội thảo "Đáp ứng điện mùa nắng nóng - thách thức và giải pháp" do Báo Tiền Phong phối hợp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức ngày 21/4/2025, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho biết có thời điểm, nhiệt độ ngoài trời ở một số địa phương đã chạm ngưỡng 38 độ C, áp lực đối với hệ thống điện tăng lên nhanh chóng, nhất là vào các khung giờ cao điểm.
NẮNG NÓNG KÉO DÀI KHIẾN TIÊU THỤ ĐIỆN TĂNG CAO
Riêng tại TP.HCM, ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), cho biết trong 4 tháng đầu năm nay, sản lượng điện cung cấp cho địa bàn Thành phố đạt 9.600 triệu kWh, tuy nhiên vẫn thấp hơn 1,43% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, công suất cực đại đã ghi nhận mức tăng nhẹ 0,39%, đạt 9.419 MW.
Đặc biệt, trong tháng 3, thời điểm nắng nóng gay gắt sản lượng điện tiêu thụ trung bình mỗi ngày đã tăng 16,32% so với tháng 2, đạt gần 87 triệu kWh/ngày.
Những ngày đầu tháng 4 và đầu tháng 5, nền nhiệt tại TP.HCM có thể dao động từ 35 - 37 độ C, khiến nhu cầu tiêu thụ điện liên tục leo thang, với mức trung bình lên đến 88,25 triệu kWh/ngày.
Trong bối cảnh thời tiết nắng nóng kéo dài, lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam và các sự kiện lớn trong năm, áp lực đảm bảo cung ứng điện an toàn, liên tục đang đặt ra thách thức không nhỏ cho ngành điện.
Trước tình hình này, ngành điện lực TP.HCM cho biết đã chủ động triển khai hàng loạt biện pháp kỹ thuật như kiểm tra toàn bộ lưới điện, bảo trì các trạm biến áp, đường dây trọng điểm để đảm bảo không xảy ra quá tải cục bộ. Đồng thời, các giải pháp chuyển tải, điều chỉnh phụ tải và tiết kiệm điện cũng đang được đẩy mạnh thực hiện.

Theo ông Kiên, điểm sáng là độ tin cậy cung cấp điện tại TP.HCM đang được duy trì ở mức cao. Trong 4 tháng đầu năm, số lần mất điện trung bình của mỗi khách hàng chỉ 0,08 lần và thời gian mất điện chưa tới 7 phút.
Tại khu vực phía Nam, ông Bùi Quốc Hoan, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam, thông tin chỉ 2 công ty điện lực có tốc độ tăng trưởng cao là Bình Phước (tăng 9,73%), Bà Rịa - Vũng Tàu (tăng 7,88%), các đơn vị còn lại tăng trưởng âm như Bình Thuận (-3,78%), Bình Dương (-2,8%), Đồng Nai (-3,13%), Sóc Trăng (-7,51%)…
Lý giải nguyên nhân, ông Hoan cho biết hiện nay đã vào mùa nắng nóng, nhưng nền nhiệt tháng 4/2025 thấp hơn trung bình nhiều năm từ 1-2 độ C, đồng thời năm nay mưa trái mùa xảy ra nhiều. Nhờ đó, tình hình vận hành lưới điện của EVNSPC được cải thiện.
Ngoài ra, một số vùng nuôi trồng trọng điểm chậm hơn mọi năm (nuôi tôm, thanh long, xay xát lúa gạo…), nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi việc áp thuế đối với nhóm hàng hóa xuất khẩu đi Mỹ (hàng dệt may, gỗ và sản phẩm từ gỗ, máy móc dụng cụ, giày dép, hàng thủy sản…).
Lũy kế sản lượng điện mua từ EVN trong 4 tháng đầu năm 2025 là 25.034,30 triệu kWh, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2024 (24.665,08 triệu kWh).
TĂNG CƯỜNG TRIỂN KHAI GIẢI PHÁP TIẾT KIỆM ĐIỆN
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm 2025 ngành điện đã có sự chuẩn bị khá toàn diện để đảm bảo cung ứng điện. Tuy vậy, với tốc độ tăng trưởng phụ tải cao các rủi ro từ thời tiết và sự cố kỹ thuật vẫn tiềm ẩn. Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh EVN, cho rằng một trong các giải pháp là việc thực hiện công tác quản lý phụ tải, dự báo phụ tải, tiết kiệm điện là rất quan trọng và đã được triển khai nhiều năm nay.
Năm 2024, hệ thống điện có khả năng mất cân đối về phụ tải và việc thực hiện dịch chuyển phụ tải trong thời gian này được triển khai mạnh mẽ, rộng rãi. Đến cuối năm, tập đoàn xây dựng nhiều chương trình, làm việc với các khách hàng trọng điểm, tiêu thụ điện lớn tham gia chương trình dịch chuyển phụ tải này.
“Việc dịch chuyển phụ tải đã giúp doanh nghiệp sử dụng điện vào khung giá điện thấp, giảm chi phí sản xuất. Chẳng hạn, các công ty sản xuất sắt, thép, sản xuất phôi vào tháng 2, tháng 3, đây là mức phụ tải thấp điểm, mức cao điểm thì họ chuyển sang các công đoạn khác”, ông Dũng đánh giá.
Theo ông Bùi Quốc Hoan, dịch chuyển phụ tải - tức là điều chỉnh thời điểm sử dụng điện của các khách hàng giúp tránh áp lực vào giờ cao điểm, tiết kiệm chi phí cho cả doanh nghiệp lẫn ngành điện, đồng thời góp phần phát triển bền vững.
Tại miền Nam, nơi có mức tiêu thụ điện lớn và sự phát triển nhanh của điện mặt trời mái nhà, khung giờ cao điểm là 14h - 16h. Trong năm 2023, ngành điện miền Nam đã dịch chuyển thành công hơn 800 MW công suất ra khỏi giờ cao điểm - một con số ấn tượng cho thấy tiềm năng thực hiện giải pháp này.
Dù mang lại nhiều lợi ích, song ông Hoan nhìn nhận việc triển khai dịch chuyển phụ tải không hề đơn giản. Mỗi doanh nghiệp có đặc thù sản xuất riêng, nhiều dây chuyền không thể ngừng giữa chừng hoặc thay đổi thời gian vận hành. Các yếu tố như giờ sinh hoạt của người lao động cũng ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh.
Dưới góc độ chuyên gia, TS. Nguyễn Công Tráng, Giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng, lưu ý việc ngành điện chưa có chính sách tài chính cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp khi tham gia điều chỉnh phụ tải, chủ yếu mới dừng ở mức vận động, khuyến khích, nên việc thương lượng gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, nguồn điện tái tạo như điện mặt trời, điện gió đang được các doanh nghiệp tự đầu tư và biến động rất lớn, khiến công tác dự báo, điều chỉnh và dịch chuyển phụ tải trở nên phức tạp hơn.
“Việc quản lý năng lượng tại doanh nghiệp vẫn chủ yếu dựa trên hệ thống thủ công, thiếu công nghệ giám sát và điều khiển hiện đại. Muốn tiết kiệm điện hiệu quả, doanh nghiệp cần đầu tư vào các giải pháp tự động hóa, nhưng chi phí cao đang là rào cản lớn. Để hỗ trợ điều chỉnh phụ tải, Việt Nam cũng cần quan tâm phát triển công nghệ tích trữ năng lượng. Xu hướng đã được nhiều quốc gia triển khai mạnh mẽ, đây sẽ là nền tảng quan trọng cho quá trình dịch chuyển phụ tải hiệu quả và bền vững trong tương lai”, TS. Nguyễn Công Tráng khuyến nghị.