Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, du lịch đóng góp gần 6% cho GDP toàn cầu và tạo việc làm cho gần 290 triệu người trong năm 2021, nhưng ngành du lịch và lữ hành đang phải đối mặt với vô số thách thức đến từ nhiệt độ cực đoan. Những đợt nắng nóng không ngừng gây ra những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe, bao gồm mất nước và say nắng, khiến khách du lịch không thể ra ngoài khám phá, cản trở các hoạt động sôi động thường thấy của ngành.
NHIỆT ĐỘ CAO “THIÊU ĐỐT” DU LỊCH
Báo cáo Ủy ban Du lịch châu Âu (ETC) cho thấy thời tiết oi bức đang ảnh hưởng đến kế hoạch du lịch của người dân, điều này góp phần làm sụt giảm ý định du lịch của người dân khu vực này. Ngoài ra, mức độ phổ biến của các điểm đến ở Địa Trung Hải đã giảm 10% so với 2022.
Các chuyên gia cảnh báo nhiệt độ tăng có thể dẫn đến tuyết rơi thất thường và diện tích lớp tuyết dày bị thu hẹp lại, rút ngắn các mùa trượt tuyết và trượt ván trên tuyết. Tháng 12/2022, một số khu nghỉ dưỡng trượt tuyết trên dãy Alps đã đóng cửa do tuyết rơi không đủ.
Kết quả mới công bố bởi Viện Nghiên cứu Nông nghiệp, Thực phẩm và Môi trường Quốc gia Pháp (INRAE) và Météo-France cho biết hơn 2.200 khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở châu Âu bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu. Với mức tăng nhiệt độ 1,5°C, 32% trong số đó sẽ phải đối mặt với nguy cơ rất cao thiếu tuyết, con số này sẽ tăng lên đến 98% nếu nhiệt độ tăng thêm 4°C.
Biến đổi khí hậu cũng đe dọa du lịch sinh thái và nông nghiệp vì ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và canh tác. Cụ thể, theo Ủy ban châu Âu một số vùng có thể dần trở nên không thích hợp để sản xuất rượu vang, kéo theo những ảnh hưởng ngầm đối với ngành du lịch rượu vang.
Trong khi đó, hạn hán có thể dẫn đến nguy cơ cháy rừng cao. Giai đoạn từ năm 1979 đến 2013, các khu vực dễ cháy trên toàn cầu đã tăng gấp đôi do ảnh hưởng bởi mùa hanh khô. Tần suất xảy ra cháy rừng và mức độ lan rộng gia tăng có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến du lịch các khu rừng quốc gia.
Năm 2018, theo nghiên cứu thực hiện bởi Visit California ước tính doanh thu du lịch đã bị thiệt hại 20 triệu USD chỉ trong một tháng do cháy rừng ở California.
Báo cáo của HSBC cũng cho thấy, chính nắng nóng cũng làm khách du lịch ít tham gia các hoạt động hơn, làm ảnh hưởng doanh thu. Đợt nắng nóng năm nay có thời điểm đến 45°C khắp miền nam châu Âu, bao gồm Hy Lạp, Tây Ban Nha và Sicily đang gây thiệt hại cho các điểm du lịch. Chẳng hạn như đồi Acropolis đã phải đóng cửa và khách du lịch trên đảo Sardinia của Ý buộc phải ở trong nhà suốt đợt nắng nóng.
Dự báo, thời tiết châu Âu sẽ trở nên nóng hơn và khô hơn, đồng thời các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt sẽ càng dễ xảy ra hơn trong tương lai. Bên cạnh những hậu quả đối với người dân như lũ lụt hoặc hỏa hoạn, điều này còn đe dọa sinh kế của những người sống dựa vào thu nhập và việc làm từ du lịch.
DU LỊCH BIỂN CHỊU TÁC ĐỘNG LỚN
Theo nghiên cứu của HSBC, du lịch biển khả năng sẽ chịu tác động lớn nhất. Bãi biển là các điểm du lịch nổi tiếng, chiếm gần 50% lượng khách du lịch toàn cầu. Ngành này vốn là xương sống đối với một số nền kinh tế kém phát triển nhất thế giới, bao gồm nhóm quốc đảo nhỏ đang phát triển (Small Island Developing States - SIDS) cũng là những nơi dễ bị ảnh hưởng nhất trước biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu của NASA cũng chỉ ra rằng mực nước biển toàn cầu đã tăng 98,5 mm kể từ năm 1993. Tốc độ trung bình đang tăng nhanh, gấp ba lần từ 1,3 mm mỗi năm giai đoạn 1901 -1971 lên 3,7 mm mỗi năm giai đoạn 2006 - 2018.
Nhiều điểm thu hút khách nổi tiếng như Maldives có nguy cơ bị nhấn chìm do mực nước biển dâng. Hơn 80% tổng diện tích đất ở Maldives cao hơn mực nước biển trung bình chưa đến 1m.
Cũng theo NASA, ngay cả khi đi theo lộ trình phát thải CO2 thấp, trung bình thế giới vẫn có khả năng mất đi 53% bãi biển có cát. Điều này sẽ kéo theo sự sụt giảm 30% số phòng khách sạn và 38% doanh thu du lịch năm vào 2100. Các rủi ro tiềm tàng bao gồm bờ biển bị xói lở, cơ sở hạ tầng du lịch bị ngập lụt, ảnh hưởng đến các công ty nghỉ dưỡng và khách sạn, công ty điều hành tour và thể thao dưới nước.
Đồng thời, sóng nhiệt biển và axit hóa đại dương là những thách thức lớn khác. Chúng tàn phá sự sống dưới biển, ảnh hưởng đến nét đặc trưng của cảnh quan như rạn san hô. Đợt nắng nóng trên biển gần đây xuất hiện tháng 6 dọc bờ biển Queensland (Australia) làm dấy lên mối lo ngại cho rạn san hô Great Barrier.
Tại các nước tại Đông Nam Á cũng đã trải qua đợt nắng nóng “200 năm có một” vào tháng 4, tháng 5 năm nay. Nhiệt độ đã đạt đến mức chưa từng ghi nhận trước đây ở hầu hết các quốc gia trong khu vực, bao gồm cả các “điểm nóng” du lịch Thái Lan và Việt Nam. Thái Lan ghi nhận ngày nóng nhất trong lịch sử ở mức 45,4 độ C, Lào có nhiệt độ cao nhất là 43,5 độ C và kỷ lục nhiệt độ mọi thời đại của Việt Nam bị phá vỡ với nhiệt độ 44,2 độ C.