Các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống đang nhanh chóng bắt nhịp cùng làn sóng chuyển đổi số chứng tỏ hiệu quả to lớn và lợi ích lâu dài mà phương thức kinh doanh này đem lại.
THAY ĐỔI MÔ HÌNH KINH DOANH
Ngành kinh doanh thực phẩm và đồ uống F&B (Food and Beverage) tại Việt Nam thời gian gần đây đang ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Theo báo cáo của D’Corp, Việt Nam hiện có khoảng 540.000 cửa hàng ăn uống, trong đó có 278.424 mô hình quy mô siêu nhỏ, 153.576 quy mô nhỏ, 34.128 quy mô vừa và 73.872 quy mô lớn.
Nhiều hoạt động kinh doanh ẩm thực diễn ra sôi động với mức chi tiêu trung bình của người dân cho ngành dịch vụ ăn uống là 361 USD/tháng, cao hơn các quốc gia như: Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia.
Mặc dù vậy, do tác động của dịch Covid-19, thời gian qua nhiều nhà hàng phải xoay sở sang phương án bán hàng online, phục vụ tại nhà để đáp ứng nhu cầu người dùng, đồng thời cắt giảm nhân sự, đóng cửa khá nhiều cơ sở để cắt giảm tối đa thiệt hại cho doanh nghiệp. Do đó, về mặt tích cực chuyển đổi số chính là cơ hội để các chủ doanh nghiệp nhìn lại cách phát triển, xem xét lại định hướng và mô hình kinh doanh thế nào là hiệu quả nhất.
Nhiều chuỗi cửa hàng đã sử dụng hệ thống gọi món tự động, tương tác trực tiếp với khách hàng bằng chatbot, thanh toán trả trước bằng ví điện tử hoặc thẻ ngân hàng, giao hàng tận nơi thông qua các ứng dụng giao đồ ăn như BAEMIN, GrabFood, Shopee Food,…
Ông Nguyễn Thái Dương, Giám đốc Marketing của iPOS.vn nhận định: “Hành vi của khách hàng đã và đang thay đổi. Việc tự xây dựng kênh bán hàng online cho riêng mình là tất yếu, và gần như là bắt buộc đối với các đơn vị kinh doanh ẩm thực. Tự mình làm chủ kênh bán hàng sẽ giúp doanh nghiệp chủ động tiếp cận khách hàng mục tiêu mà không tốn chi phí cho các nền tảng khác”.
BÀI TOÁN TÀI CHÍNH, RÀO CẢN KHIẾN DOANH NGHIỆP CHƯA “CHƠI LỚN”
Mặc dù hình thức kinh doanh này đã chứng tỏ hiệu quả to lớn và lợi ích lâu dài nhưng nhiều doanh nghiệp F&B trên thị trường vẫn chưa chịu thay đổi tư duy để nhìn nhận theo xu thế số hóa của xã hội. Bên cạnh đó, bài toán tài chính cũng là một trong những lý do khiến nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự quyết tâm “chơi lớn", chú trọng đầu tư vào công cuộc chuyển đổi số cho cơ sở kinh doanh của mình.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp F&B đã thức thời, nhanh chóng nhìn thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ khi có sự hỗ trợ của công nghệ, của các thiết bị điện tự hỗ trợ hoạt động kinh doanh trên cả nền tảng online lẫn mô hình offline.
Đại diện Nhà hàng Sườn Mười, một trong những đơn vị đã nhanh chóng áp dụng chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh cho biết, đơn vị này đã hợp tác với iPOS.vn - đơn vị cung ứng giải pháp công nghệ cho ngành F&B, phục vụ cho việc chuyển đổi số của nhà hàng.
Tuy nhiên, để áp dụng một hệ sinh thái lớn như iPOS vào hoạt động vận hành của cửa hàng không phải là câu chuyện dễ dàng. Trong quá trình ứng dụng, đơn vị này cũng gặp khó khăn, đòi hỏi người quản lý phải tìm hiểu và đào tạo đội ngũ nhân sự của mình, tiếp cận với công nghệ một cách tốt hơn.
Chia sẻ về những giải pháp giúp cho các doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực có thể áp dụng để chuyển đổi số thành công, ông Nguyễn Thái Dương, Giám đốc Marketing của iPOS.vn cho biết, đơn vị này đã đưa ra hàng loạt các giải pháp công nghệ, bao gồm cả các giải pháp miễn phí để giúp các đơn vị F&B vượt qua khó khăn, và đón đầu những cơ hội kinh doanh mới trong tương lai.
Một trong những giải pháp đó là iPOS Web Order, giúp các đơn vị kinh doanh F&B tự tạo một kênh bán hàng online đơn giản và hoàn toàn miễn phí.
Thị trường F&B vẫn đang thay đổi từng ngày theo hành vi và mong muốn của khách hàng, nếu doanh nghiệp không chủ động thích nghi và nắm bắt cơ hội thì việc bị tụt lại phía sau là điều tất yếu.
Việt Nam cũng được các chuyên gia đánh giá là thị trường ẩm thực thuộc top đầu của khu vực với dân số 97 triệu người chứng tỏ tiềm năng rất lớn của ngành F&B – một trong các ngành thu hút sự quan tâm hàng đầu từ các nhà đầu tư.