December 21, 2022 | 08:27 GMT+7

Ngành game tìm cách “kéo” tiền thuế về Việt Nam

Thủy Diệu -

Được đánh giá là ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh và rất nhiều tiềm năng, thị trường game Việt Nam năm 2021 tạo ra khoảng 665 triệu USD doanh thu và dự kiến sẽ còn khả quan hơn nhiều trong năm 2022. Nhưng, nghịch lý của bức tranh tươi sáng của thị trường game Việt là nguồn thu thuế mới chỉ dừng ở con số 50%, còn lại một nửa đang chảy ra nước ngoài...

Dự báo năm 2022, doanh số ngành game Việt còn khả quan hơn nhiều so với 2021.
Dự báo năm 2022, doanh số ngành game Việt còn khả quan hơn nhiều so với 2021.

Chia sẻ tại hội nghị “Kết nối mở rộng thị trường ngành game Việt Nam: Vươn tầm thế giới” diễn ra mới đây, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho rằng nghịch lý này rất cần được các cơ quan có liên quan nghiên cứu, giải quyết dứt điểm sớm để không tiếp tục thất thoát thuế.

NGHỊCH LÝ NGÀNH GAME VIỆT

Theo số liệu của Newzoo, ngành công nghiệp game toàn cầu đạt doanh thu 197 tỷ USD trong năm 2022, tăng 2,1% so với 2021. Cùng với đó là sự phát triển không ngừng của các thị trường mới nổi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Theo thống kê, hiện thế giới có khoảng 3 tỷ người chơi game và đến năm 2030 con số này dự kiến sẽ tăng lên 4,5 tỷ người. Game là ngành công nghiệp có trị giá gần 200 tỷ USD với mức tăng trưởng hàng năm là hai con số.

Đối với thị trường eSports (thể thao điện tử), theo một số nghiên cứu, thị trường eSports Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm là 28% trong vòng 5 năm tới, trở thành thị trường eSports có mức tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á.

Trong “miếng bánh” trăm tỷ đô của thị trường game toàn cầu, thị trường game Việt ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng; cơ hội mở rộng thị trường đối với các doanh nghiệp game Việt là vô cùng lớn.

 
"Thống kê cho thấy 48% doanh thu từ ngành game đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Để ngành game Việt Nam tạo được cú bứt phá vượt trội thì việc đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao vững chuyên môn, dày dạn kinh nghiệm là điều rất cần chú trọng".
Ông Lã Xuân Thắng, Phụ trách Regional Publishing Studio, VNG Games.

Thống kê của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho thấy ngành game tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, 50% tựa game mobile được chơi nhiều nhất có nguồn gốc từ Việt Nam. Trong 10 studio game hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương và Australia thì một nửa là của Việt Nam. Và cứ 25 game tải trên các kho ứng dụng thì có 1 game là của Việt Nam. Ước tính Việt Nam có 28,4 triệu người chơi và thị trường game của Việt xếp thứ 5 khu vực Đông Nam Á về doanh thu. Doanh thu các game sản xuất tại Việt Nam phát hành ở thị trường toàn cầu lên đến 200 triệu USD/năm.

Nếu năm 2018 doanh thu của ngành game Việt Nam mới đạt 365 triệu USD thì tới năm 2021, con số này đã vọt lên 665 triệu USD. Theo dự báo của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, năm 2022, doanh số ngành game Việt còn khả quan hơn nhiều so với 2021.

Mặc dù có nhiều lợi thế như trên nhưng ngành game Việt Nam lại đang tồn tại những nghịch lý và hạn chế. Theo ông Lê Quang Tự Do, có một thực trạng đáng buồn là doanh thu ngành game trực tuyến lại đang chảy ra nước ngoài. Dù doanh thu lên tới sáu bảy trăm triệu USD nhưng chỉ một nửa doanh thu này được đóng thuế ở Việt Nam, phần còn lại đóng thuế cho nước ngoài, trong đó chủ yếu là Singapore. “Ngành game tại Việt Nam đã, đang thu được số tiền rất lớn, nhưng hàng năm cũng thất thu thuế lên đến cả trăm triệu USD”, nhiều chuyên gia trong ngành nhận định.

Ngoài nghịch lý về tiền thuế mà Việt Nam đang thất thu nặng thì ngành game Việt cũng còn không ít các hạn chế. Cụ thể, các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa có thế mạnh ở các thể loại game phức tạp, mới chỉ có khoảng 15% game hardcore (game có độ khó rất cao) phát hành tại Việt Nam có nguồn gốc trong nước, phần còn lại chủ yếu từ Trung Quốc.

Mặt khác, các doanh nghiệp game tại Việt vẫn đang sản xuất, phát hành trò chơi điện tử trên cơ sở hoạt động độc lập, mạnh ai nấy làm, và chưa có sự gắn kết để cùng thúc đẩy ngành công nghiệp game phát triển mạnh mẽ hơn trong bối cảnh công nghệ blockchain và các loại hình trò chơi điện tử NFT đang bùng nổ.

Một thực tế hiện nay là mặc dù doanh thu game mua từ nước ngoài về phân phối ở trong nước đang giảm dần do sự thuận tiện của Internet và các phương thức thanh toán nên các nhà sản xuất game nước ngoài “xuất khẩu” game xuyên biên giới vào thị trường Việt, không chỉ khiến Việt Nam thất thu thuế mà các doanh nghiệp trong nước chỉ nhận được một thị phần khiêm tốn và chịu sự cạnh tranh không bình đẳng.

Chưa kể, nhiều studio game Việt còn đang làm thuê cho các dự án nước ngoài nên nếu không có sự chuẩn bị, đầu tư để sản xuất game chất lượng thì các doanh nghiệp nội cũng khó có thể làm chủ và xây dựng ngành công nghiệp game lớn mạnh.

Vấn đề lớn đặt ra hiện nay là làm thế nào để “kéo” nguồn thuế lên tới cả trăm triệu USD từ ngành game Việt đang bị “chảy ngược” ra nước ngoài về Việt Nam. Đây không chỉ là câu chuyện đơn thuần về nguồn thuế mà chính là đi tìm lời giải để ngành công nghiệp game Việt cất cánh...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 51 phát hành ngày 19-12-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Ngành game tìm cách “kéo” tiền thuế về Việt Nam - Ảnh 1

 

 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate